Xã Quảng Lâm có trên 98% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Quảng Lâm luôn quan tâm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn xã.
Gắn bó chặt chẽ với người phụ nữ Dao từ khi sinh ra và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của cộng đồng người Dao, đó là bộ trang phục truyền thống, từ bao đời nay việc thêu hoa văn trên trang phục truyền thống đều do phụ nữ Dao đảm nhận, tuy nhiên trong xã hội hiện đại, nhận thấy nét đẹp truyền thống này có nguy cơ bị mai một, năm 2022 xã Quảng Lâm đã thành lập và ra mắt các mô hình, câu lạc bộ giữ gìn bản sắc nghề thêu dân tộc Dao, tại bản Tài Lý Sáy và bản Lý Khoái, qua đó tập hợp, thu hút những người yêu thích và có tâm huyết tham gia truyền dạy, nhằm bảo tồn, phát huy nét đẹp truyền thống của dân tộc Dao. Tiêu biểu như mô hình giữ gìn bản sắc nghề thêu dân tộc Dao ở bản Tài Lý Sáy hiện có 20 thành viên tham gia, tại đây, các bà, các mẹ, các chị người Dao không chỉ say sưa truyền dạy, từng đường kim mũi chỉ từng hoa văn, họa tiết trên bộ trang phục mà còn truyền lửa đam mê cho lớp trẻ giữ nghề thêu truyền thống của dân tộc mình. Chị Chíu Sám Múi bản Tài Lý Sáy xã Quảng Lâm chia sẻ: “ từ khi tham gia vào mô hình giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao, tôi cũng đã được các cô, các chị hướng dẫn, chỉ dạy từng đường kim mũi chỉ, cách thêu các hoa văn, họa tiết trên bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Dao, đến giờ đây thì tôi cũng cơ bản đã thêu được và tôi rất vui mừng đã được học hỏi nhiều kinh nghiệm quý, tôi sẽ cố gắng tuyên truyền, vận động nhiều chị em hội viên phụ nữ cùng tham gia, để không làm mất đi truyền thống, bản sắc của dân tộc”.
Các em học sinh được hướng dẫn kỹ thuật thêu các hoa văn trên bộ trang phục truyền thống
Đồng chí Phạm Thị Lý, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UB MTTQ xã Quảng Lâm cho biết “Sau khi thành lập 2 mô hình giữ gìn bản sắc nghề thêu dân tộc Dao, đã mang lại hiệu quả đáng kể, khởi sắc ban đầu đối với các mô hình, thế hệ các con em hiện nay có chiều hướng mai một đi, các cháu không muốn học lại nghề thêu này nữa mà các cháu theo trào lưu đông bây giờ, sau khi có mô hình thành lập ra, với sự tuyên truyền vận động của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể xã đã thu hút được đông đảo chị em hội viên, phụ nữ, Nhân dân tham gia; các bá, các chị trong câu lạc bộ đã làm và cũng dìu dắt thế hệ con em, các cháu ở lứa tuổi học sinh, thanh thiếu niên, từ đó nhiều chị em và các cháu có chiều hướng, có tư duy muốn tham gia vào những mô hình này để khôi phục, giữ gìn bản sắc văn hóa đặc biệt là nghề thêu hoa của dân tộc Dao, qua đó bảo tồn và phát huy được nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn xã”.
Tự may thêu trang phục truyền thống là nét đẹp của phụ nữ Dao
Việc thành lập các mô hình, câu lạc bộ giữ gìn bản sắc nghề thêu dân tộc Dao trên địa bàn xã là hết sức cần thiết, nhằm khơi dạy niềm đam mê cho nhiều người trong lớp trẻ tham gia tìm hiểu, giữ gìn, quảng bá, giới thiệu văn hóa truyền thống địa phương một cách hiệu quả. Đây cũng chính là lực lượng nòng cốt để văn hóa của người Dao luôn được giữ gìn và phát triển.
Mai Thắm – Quốc Nghị (Trung tâm TT&VH)