Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11) hằng năm được tổ chức rộng khắp, trở thành một hoạt động có ý nghĩa xã hội thiết thực, không chỉ đem đến không khí đầm ấm của tình làng nghĩa xóm, mà còn là diễn đàn rộng rãi để mọi tầng lớp nhân dân phát huy dân chủ, vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngay từ cơ sở, từ mỗi cộng đồng dân cư.
Trải qua 89 năm ra đời và phát triển, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Đảng cộng sản Việt Nam và Bác Hồ sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện, từ Hội Phản đế đồng minh, hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc ta, nhân lên gấp bội tinh thần yêu nước của mọi người Việt Nam, đoàn kết, tập hợp các tầng lớp Nhân dân trong Mặt trận thành một lực lượng hùng mạnh để đánh đuổi bè lũ thực dân, đế quốc, giành lại độc lập cho Tổ quốc, đem lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào.
Cùng với quá trình phát triển của cách mạnh Việt Nam qua từng thời kỳ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã không ngừng củng cố, mở rộng với những hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng của mỗi giai đoạn lịch sử và đã có những cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp vĩ đại của dân tộc, trở thành một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Sự nghiệp đổi mới ngày nay đã đặt ra yêu cầy mới cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, sự ra đời của “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” là một trong những đổi mới phương thức hoạt động, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh nội lực, thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình củng cố và mở rộng về tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, yêu cầu đặt ra là phải có sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế, xã hội, phong tục tập quán của từng vùng, miền, từ điều kiện tự nhiên đến truyền thống văn hóa. Để thực hiện được điều đó phải hướng công tác Mặt trận về cơ sở, về từng khu dân cư, từng gia đình, tạo tiền đề cho việc xây dựng mọi tầng lớp nhân dân, đoàn kết từ mỗi gia đình, mỗi khu dân cư đến mối xã, phường, huyện, tỉnh. Đó là cơ sở cốt yếu để xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam. Sự ra đời của “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư cũng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đó. Năm 1986, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) đã quyết định lấy ngày 18/11/1930, ngày Đảng chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất để làm ngày Mặt trận thống nhất. Từ đó đến nay, hàng năm, đến ngày 18/11, Mặt trận các cấp đã đề ra chương trình, nội dung mới và các hình thức hoạt động phong phú, đa dạng nhằm ôn lại truyền thống lịch sử của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, đồng thời tổng kết một năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống Văn hóa ở khu dân cư”.
Với phương châm “lấy sức dân để tổ chức đời sống cho dân”, Ngày hội đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân ở khu dân cư hưởng ứng và nhiệt tình tham gia. Theo phương châm này, cuộc vận động đã kết hợp hài hoà được nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân. Nhân dân được hưởng những thành quả từ chính công sức của mình, đồng thời thấy được vai trò của mình đối với cộng đồng, đã khơi dậy được tính tự giác, tinh thần làm chủ cuộc sống của mỗi người dân ở khu dân cư. Mỗi người dân khi tham gia Ngày hội đã ý thức được sự gắn bó giữa cá nhân và cộng đồng, qua đó, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố.
Phát huy truyền thống tốt đẹp đó, những năm qua Ban công tác Mặt trận các thôn, bản, khu phố trên địa bàn huyện Đầm Hà đã làm tốt vai trò là lực lượng nòng cốt trong khối đại đoàn kết toàn dân; phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Nhân dân các dân tộc trong huyện luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, giữ gìn vệ sinh môi trường; giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Thời gian tới, Ban công tác Mặt trận các thôn, bản, khu phố trên địa bàn huyện tiếp tục vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt các quy định, quy ước, hương ước ở địa phương; tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; chung tay xây dựng huyện Đầm Hà ngày càng phát triển.
Minh Hải – Trung tâm TT&VH