Chủ đề công tác năm 2020: "Huyện Đầm Hà tự hào tiến bước dưới cờ Đảng" - Chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020)

Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đầm Hà triển khai hiệu quả phương thức cho vay ủy thác qua 4 tổ chức chính trị xã hội.

Thời gian qua, NHCSXH huyện Đầm Hà đã thực hiện có hiệu quả phương thức cho vay ủy thác thông qua 4 tổ chức chính trị xã hội là Hội Nông dân, Hội LHPN, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội CCB huyện, qua đó góp phần tích cực nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Tính đến ngày 30/6/2022, tổng dư nợ ủy thác cho vay qua 4 tổ chức chính trị – xã hội của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đầm Hà là 260.029 triệu đồng với 3.755 khách hàng đang vay vốn, chiếm tỷ trọng 99,38% trên tổng dư nợ tín dụng chính sách đang triển khai tại đơn vị. Để quản lý hiệu quả nguồn vốn vay NHCSXH huyện đã ký văn bản liên tịch với các tổ chức chính trị xã hội huyện, hợp đồng ủy thác với các tổ chức chính trị xã hội cấp xã và hợp đồng ủy nhiệm với Tổ trưởng Tổ TK&VV. Các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác đã bám sát nội dung đã được ký kết với NHCSXH huyện, chủ động tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ về tín dụng chính sách xã hội tới đoàn viên hội viên và nhân dân. Các tổ chức chính trị xã hội đã thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các tổ TK&VV; tổ chức họp, bình xét cho vay theo đúng quy định, dân chủ, công khai, đúng đối tượng, duy trì sinh hoạt tổ hàng tháng, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Cùng với việc làm cầu nối để bà con nhân dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách một cách nhanh nhất, các tổ chức chính trị xã hội cũng đã tích cực phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật đồng thời tổ chức tham quan, chia sẻ các mô hình kinh tế hiệu quả, qua đó thu hút tập hợp được đoàn viên, hội viên, thành viên các tổ TK&VV tích cực tham gia chuyển đổi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp cho nhiêu hộ gia đình vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Hội viên Hội Nông dân xã Quảng Tân vay vốn phát triển mô hình trồng ổi

Hiện nay, tổng dư nợ do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện quản lý là 127.625 triệu đồng với 1.844 khách hàng đang vay vốn tại 51 Tổ TK&VV, chiếm tỷ trọng 49% trên dư nợ ủy thác cho vay; Hội Nông dân huyện quản lý 74.277 triệu đồng với 1.094 khách hàng đang vay vốn tại 35 Tổ TK&VV, chiếm tỷ trọng 29% trên dư nợ ủy thác cho vay; Hội Cựu chiến binh huyện quản lý 18.705 triệu đồng với 288 khách hàng đang vay vốn tại 9 Tổ TK&VV, chiếm tỷ trọng 7% trên dư nợ ủy thác cho vay; Huyện Đoàn quản lý 39.422 triệu đồng với 529 khách hàng đang vay vốn tại 14 Tổ TK&VV, chiếm tỷ trọng 15% trên dư nợ ủy thác cho vay. Chất lượng tín dụng và chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV thường xuyên được củng cố và nâng cao (duy trì không phát sinh nợ quá hạn), công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, tỷ lệ thu lãi luôn duy trì trên 99%. Thông qua hoạt động ủy thác, các tổ chức chính trị – xã hội có thêm điều kiện củng cố tổ chức mình gần dân, sát dân hơn; thu hút, tập hợp được đông đảo hội viên, làm cho hội viên tin tưởng, gắn bó hơn với tổ chức mình. Phương thức ủy thác qua các tổ chức chính trị – xã hội đã huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị qua đó chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của Chính phủ, của tỉnh, huyện đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ biết sử dụng vốn vay nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Thời gian tới, NHCSXH huyện Đầm Hà tiếp tục bám sát định hướng phát triển kinh tế của huyện để thực hiện các chương trình cho vay theo quy định. Chủ động đáp ứng tối đa nhu cầu vay vốn của các đối tượng thuộc diện được vay, có khả năng, phương án đầu tư sản xuất, kinh doanh khả thi. Tạo thuận lợi cho các hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, gia đình chính sách tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế hộ. Chủ động phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn và các hội, đoàn thể nhận ủy thác tổ chức giải ngân kịp thời nguồn vốn mới được phân bổ, đáp ứng nhu cầu vốn của các đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, tích cực huy động vốn từ nguồn ngân sách địa phương để bổ sung vào nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Phối hợp tốt với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ban, ngành chức năng của huyện tập trung chỉ đạo, kiểm tra, giám sát nguồn vốn vay, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách giảm nghèo bền vững ở các địa phương trong huyện.

                                                     Mai Thắm (Trung tâm TT&VH)