Chủ đề công tác năm 2020: "Huyện Đầm Hà tự hào tiến bước dưới cờ Đảng" - Chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020)

LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM 20/10

Phụ nữ Việt Nam thời nào cũng vậy, luôn mang trong mình những thiên chức và phẩm chất cao quý, trong bất cứ hoàn cảnh nào, những phẩm chất đạo đức tốt đẹp ấy luôn tỏa sáng, góp phần nâng cao vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình cũng như trong xã hội.

Lịch sử dân tộc Việt Nam còn mãi ghi đậm dấu ấn muôn đời của những nữ anh hùng hào kiệt không chịu khuất phục kẻ thù, không chịu kiếp sống nô lệ, đứng lên chống giặc ngoại xâm giành tự do. Tiêu biểu là Bà Trưng, Bà Triệu;Nữ tướng Bùi Thị Xuân, Chị Út Tịch,… Dưới chế độ phong kiến và đế quốc, Phụ nữ là lớp người bị áp bức, bóc lột, chịu nhiều bất công nhất, nên luôn có yêu cầu được giải phóng và sẵn sàng đi theo cách mạng. Ngay từ những ngày đầu của thời kỳ chống Pháp, phụ nữ Việt Nam đã tham gia đông đảo vào phong trào Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du… còn có nhiều Phụ nữ nổi tiếng tham gia vào các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam; Từ năm 1927 những tổ chức quần chúng bắt đầu hình thành và thu hút đông đảo tầng lớp Phụ nữ  tham gia như: Công Hội Đỏ, Nông Hội Đỏ, các nhóm tương tế, tổ học nghề và các tổ chức có tính chất riêng của giới nữ như: ( nhóm ba chị em Nguyễn Thị Lưu, Nguyễn Thị Minh Lãng, Nguyễn Thị  ở làng Phật Tích  tỉnh Bắc Ninh ) tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, các chị tuyên truyền, xây dựng tổ học nghề  và học chữ.( năm 1927); Năm 1928, nhóm chị Nguyễn Thị Minh Khai cùng Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị An tham gia sinh hoạt hội đỏ của Tân Việt. Nhóm này liên hệ với các nhóm chị em khác thành lập tờ báo Phụ nữ Giải phóng ở Vinh. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: “Nam nữ bình quyền”.  Đảng ta sớm nhận rõ, Phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ: Đảng phải giải phóng Phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp. Đảng ta đã đặt ra: Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng (công hội, nông hội) và thành lập tổ chức riêng cho Phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng.Chính vì vậy, vào ngày 20 tháng 10 năm 1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay gọi là Hội Phụ nữ Việt Nam) chính thức được thành lập, để đánh dấu sự kiện này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20 tháng 10 hằng năm làm ngày truyền thống của tổ chức Phụ nữ Việt Nam, đồng thời xem đây là ngày kỷ niệm, khẳng định và tôn vinh vai trò của phụ nữ Việt Nam, lấy tên là “Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10”.

Suốt chiều dài lịch sử của đất nước, trong đấu tranh cách mạng, Phụ nữ Việt Nam không chỉ là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến, mà chính họ còn là những chiến sỹ cách mạng kiên cường bất khuất, những nữ dân quân du kích,nữ thanh niên xung phong mở đường, tải gạo, tải đạn với ý chí quật cường, chịu đựng gian khổ với tinh thần lạc quan cách mạng, họ chăm sóc thương binh,đồng đội bằng tất cả tấm lòng yêu thương. Điển hình như các chị Nguyễn Thị Minh Khai, chị Võ Thị Sáu, chị Lê Thị Hồng Gấm, Anh hùng liệt sĩ – Bác sĩ Đặng Thùy Trâm… Còn có biết bao người phụ nữ thầm lặng, dịu dàng và mộc mạc; họ cống hiến cho đất nước những người con, người chồng vô cùng yêu quý, để đổi lại cho chúng ta có được cuộc sống tự do, thanh bình ngày hôm nay; Họ chính là những người mẹ, người bà, người chị của chúng ta. Họ là những người mẹ Việt Nam anh hùng!

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vị trí, vai trò của Phụ nữ Việt Nam. Bác từng nói: “Giang sơn gấm vóc Việt Nam là do phụ nữ Việt Nam, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Trong bản Di chúc bất hủ để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa, Người viết: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, Phụ nữ đảm đang đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên”. Phụ nữ đã là một phần không thể thiếu góp vào thành công của cách mạng Việt Nam, trong hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và chống Đế quốc Mỹ. Trong công cuộc xây dựng, phát triển và đổi mới đất nước, phụ nữ đã có những đóng góp quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Đặc biệt trong giai đoạn CNH – HĐH đất nước và Hội nhập Quốc tế ngày  nay thì vị trí, vai trò và sự đóng góp của Phụ nữ cho sự phát triển của xã hội ngày càng lớn mạnh, khẳng định và phát triển.( người phụ nữ  Việt Nam yêu nước ngày càng có tri thức, có sức khoẻ, càng năng động, sáng tạo, có lối sống văn hoá, có lòng nhân hậu,quan tâm tới môi trường, lợi ích xã hội và cộng đồng; các tầng lớp phụ nữ luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo, tích cực thi đua, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống…) Đặc biệt ngày nay đã xuất hiện nhiều gương phụ nữ tài năng, điển hình tiêu biểu với những cống hiến xuất sắc trong lãnh đạo quản lý, nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh, xoá đói giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc…

Phát huy truyền thống của phụ nữ Việt Nam, trong những năm qua, phụ nữ Đầm Hà đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước; góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế – xã hội ở địa phương. Các cấp hội phụ nữ đã chủ động bám sát nội dung chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của trung ương, của tỉnh, huyện; thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động hội viên. Đồng thời triển khai sâu rộng, hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động như: phong trào phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc” “phụ nữ làm kinh tế giỏi”, “phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”, “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sông văn hóa ở khu dân cư” mô hình “ gia đình 5 không 3 sạch”. Qua đó khẳng định vai trò, tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, hội viên phụ nữ; góp phần xây dựng hình ảnh Người phụ nữ Đầm Hà “Đoàn kết, sáng tạo, tự tin, thân thiện”, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời đại mới.

Phụ nữ Đầm Hà ” Đoàn kết, Sáng tạo, Tự tin, Thân thiện”

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, Phụ nữ Việt Nam nói chung, Phụ nữ Đầm Hà nói riêng luôn không ngừng phấn đấu và trưởng thành về mọi mặt: trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, địa vị và thiên chức của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, cùng với đó là những đóng góp to lớn của Phụ nữ trong công cuộc xây dựng đất nước. Họ thật xứng  đáng là những con người được Bác Hồ tặng 8 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Phụ nữ Việt Nam là tài sản qúy báu của cả dân tộc Việt Nam.

Triệu Đại Nghĩa – TTTT&VH