Chủ đề công tác năm 2020: "Huyện Đầm Hà tự hào tiến bước dưới cờ Đảng" - Chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020)

Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Ngày 2/11, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp nghe và cho ý kiến về Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TX Đông Triều đến năm 2040; Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 cùng nhiều nội dung quan trọng khác.

Dự hội nghị tại điểm cầu huyện Đầm Hà có các đồng chí Thường trực Huyện ủy, HĐND, lãnh đạo UBND huyện.

Tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến về Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030. Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, đến nay Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành chương trình nâng cấp đô thị theo Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020. Toàn tỉnh hiện có 13 đô thị: 1 đô thị loại I, 3 đô thị loại II, 2 đô thị loại III, 3 đô thị loại IV, 4 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 67,5%, là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước, cao hơn so với trung bình các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng và cao hơn so với trung bình cả nước.

Với quan điểm phát triển hệ thống đô thị tỉnh Quảng Ninh phải bền vững, đồng thời phù hợp và cụ thể hóa các nội dung trong các nghị quyết, kế hoạch của Trung ương về phát triển đô thị, các quy hoạch quốc gia, vùng, ngành và tỉnh, tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu, xây dựng Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030. Mục tiêu hướng đến là xây dựng, phát triển Quảng Ninh là một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; hệ thống các đô thị phát triển theo hướng nhanh, bền vững; từng bước xây dựng hoàn chỉnh đô thị toàn tỉnh phát triển theo mô hình chuỗi đô thị, là động lực phát triển kinh tế của miền Bắc và cả nước; nâng cao chất lượng sống đô thị. Đến nay năm 2025, tỉnh Quảng Ninh sẽ có 13 đơn vị hành chính với 13 đô thị; đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh có 12 đơn vị hành chính với 13 đô thị, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố.

Để thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu trên, Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 đưa ra 5 nhóm giải pháp, gồm: Hợp tác vùng và quốc gia; xây dựng năng lực quản lý nhà nước; quy hoạch; quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; phòng chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất với các mục tiêu đến năm 2025, 2030 và các lộ trình để nâng cấp đô thị, lộ trình sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện được đề cập trong Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030. Tuy nhiên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu phải làm rõ về các quan điểm chỉ đạo để từ đó định hình được hệ thống giải pháp, phân công trách nhiệm và lộ trình thực hiện. Trong đó, phải nhấn mạnh rõ đến đô thị hóa ở Quảng Ninh gắn liền với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh công nghiệp dịch vụ hiện đại là quá trình tất yếu khách quan nhưng lại là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh, bền vững gắn với đảm bảo QP-AN theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời cũng là thực hiện mục tiêu chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” và yêu cầu thu hẹp chênh lệch vùng miền, khoảng cách giàu nghèo. Trong giai đoạn 2021-2030, quá trình đô thị hóa gắn liền với việc quản lý, sử dụng tốt quỹ đất, tài nguyên thiên nhiên theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững của hành lang giao thông đã được định hình gắn với hành lang kinh tế.

Phát triển đô thị Quảng Ninh theo hướng đô thị xanh, sinh thái, văn minh và đô thị dạng dải ven biển và giàu bản sắc, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng với sự đồng bộ về hạ tầng, đô thị làm cho người dân có cuộc sống ngày càng tốt hơn; xây dựng văn minh sinh thái và văn minh đô thị kết hợp hài hòa giữa xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu với đô thị hóa. Lấy mục tiêu nâng cao chất lượng nhà ở dân cư, chất lượng hạ tầng xã hội và đô thị, nhất là hạ tầng người dân đô thị còn đang thiếu hụt làm mục tiêu nâng cao chất lượng đô thị.

Quy hoạch đô thị và kết cấu hạ tầng đô thị phải đi trước một bước và coi đây là yếu tố quan trọng để tạo ra nguồn lực và động lực cho phát triển và nâng cao chất lượng đô thị. Chấn chỉnh công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị thời gian qua. Kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, quy hoạch treo, cơ chế xin – cho, lợi ích nhóm và việc điều chỉnh quy hoạch sau phân cấp.

Bảo đảm giữ vững chất lượng đô thị loại I và chất lượng đô thị ở những nơi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; phát triển đô thị đảm bảo hài hòa, cân đối giữa các vùng miền, khu vực để kinh tế đô thị thực sự là động lực thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế. Đô thị hóa gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, hợp tác quốc tế, liên kết vùng để phát trển kinh tế đêm, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và một số ngành kinh tế mới nổi.

Đô thị hóa phải gắn liền với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đô thị, trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ CB,CC,VC, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu ở các cấp trong việc xây dựng quy hoạch, lập quy hoạch, quản lý đô thị để đảm bảo mục tiêu xây dựng chính quyền đô thị thực sự là chính quyền kiến tạo, liêm chính và phục vụ sự phát triển.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu huyện Đầm Hà

Cùng ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe báo cáo điều chỉnh Quy hoạch chung TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2040. Thị xã Đông Triều nằm ở giao lộ vùng tam giác kinh tế trọng điểm Bắc Bộ: Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, là một trong 2 vùng tam giác kinh tế lớn nhất của Việt Nam, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng. Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, đã được HĐND tỉnh thông qua có xác định mô hình tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”. Trong đó, TX Đông Triều nằm trên tuyến hành lang phía Tây, phát triển chuỗi đô thị, công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao và du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh và nằm trong vùng động lực đại đô thị Hạ Long mở rộng.

Với sự tham gia của các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TX Đông Triều đến năm 2040 đã cập nhật, bổ sung những nội dung mới và giải quyết những phát sinh đảm bảo thống nhất, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của địa phương và theo đúng quy định của Luật Quy hoạch đô thị.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND TX Đông Triều tiếp thu các ý kiến tham gia cũng như thẩm định của Bộ Xây dựng để tiếp tục hoàn thiện Đồ án Quy hoạch, mục tiêu là giữ được tính chất của một đô thị nông thôn sinh thái, văn minh, nâng cao giá trị kinh tế, tạo tài sản cho tương lai và góp phần hiện thực hóa các mục tiêu, quan điểm, phương hướng của Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Từ việc xuất hiện các yếu tố mới như hình thành tuyến đường tốc độ cao ven sông kết nối từ Đông Triều đến Quảng Yên, Quy hoạch cần làm rõ hơn trong định hướng phát triển không gian việc khai thác hiệu quả, bền vững các giá trị không gian, quỹ đất mới khi tuyến đường hình thành. Đối với vùng phía Tây thị xã, phải giữ bản sắc vùng NTM kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hạ tầng kỹ thuật đáp ứng của đô thị. Ở phía Bắc gắn liền với hoạt động khai thác khoáng sản, cần tính toán dư địa phù hợp để tạo động lực cho sự phát triển địa phương, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, hình thành làng mỏ, gìn giữ truyền thống giai cấp công nhân. Về hạ tầng kết nối phải có tầm nhìn dài hạn để khai thác tổng thể không gian quỹ đất một cách đồng bộ, hiện đại. Đặc biệt, trung tâm hành chính mới của thị xã phải được nghiên cứu kỹ càng, đảm bảo sự đồng bộ, hiện đại, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp tốt hơn.

                                                  Ảnh Mai Thắm (Tin theo Báo Quảng Ninh)