Chủ đề công tác năm 2020: "Huyện Đầm Hà tự hào tiến bước dưới cờ Đảng" - Chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020)

Giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc vùng cao Quảng An

Quảng An là một xã vùng cao của huyện Đầm Hà với 9 dân tộc anh em cùng sinh sống. Mỗi một dân tộc đều có bản sắc và văn hóa riêng biệt và độc đáo.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra những bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc được thể hiện qua ngôn ngữ, tiếng nói và trang phục của họ. Từ bao đời nay, các dân tộc trên địa bàn xã Quảng An đã và đang bảo tồn, phát huy bản sắc sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình qua việc mặc những bộ trang phục truyền thống vào các ngày lễ, ngày quan trọng.

CLB may thêu trang phục truyền thống xã Quảng An

Đối với các em học sinh, việc mặc trang phục dân tộc đến trường đi học là một nét đẹp văn hóa đang được khuyến khích và ngày càng nhân rộng. Đặc biệt là ở trường Tiểu học Quảng An, vào mỗi thứ 2 hàng tuần, các ngày lễ, ngày đặc biệt của trường các em nhỏ đều tự tin khoác lên mình bộ trang phục dân tộc tạo nên một “bức tranh màu sắc” rực rỡ. Các bộ trang phục truyền thống dù cầu kỳ họa tiết với màu sắc rực rỡ như người Dao, hay đơn giản, mộc mạc như áo chàm người Tày, áo váy người Sán Chỉ đều chứa đựng những câu chuyện văn hóa, lịch sử riêng, qua đó nhằm giáo dục cho học sinh yêu và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Nét đẹp trang phục truyền thống học sinh trường Tiểu học Quảng An

Hiện nay, việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn xã  Quảng An đang được cấp ủy, chính quyền địa phương hết sức quan tâm, triển khai mạnh mẽ. Xã Quảng An đã xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn xã, qua đó nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 06 – NQ/TU  ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh “Về phát triển bền vững kinh tế – xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó xã Quảng An đã thành lập các Câu lạc bộ may thêu trang phục dân tộc; tổ chức chương trình về miền Sán Cố để thu hút người dân, du khách tham gia nhằm kích cầu du lịch. Cùng với đó thời gian tới xã sẽ sưu tầm phục dựng một số nghi lễ tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển các môn thể thao dân tộc, triển khai các mô hình:  Chợ phiên Ba Nhất và khu ẩm thực Cầu Tình; Mô hình du lịch cộng đồng tại thôn Tầm Làng; Mô hình làng hạnh phúc tại thôn Mào Sán Cáu… qua đó góp phần phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn xã.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Thanh Phán ở xã Quảng An

Xã Quảng An hiện có trên 74% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, văn hóa bản sắc đa dân tộc, với nhiều nét đặc trưng như trang phục, ngôn ngữ, lễ hội, ẩm thực khác biệt, là địa phương có tiềm năng phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, xã đặt ra mục tiêu phấn đấu sẽ thu hút bình quân 5.000 khách du lịch/năm, tăng bình quân từ 8 – 10% /năm.

                                                          Lỷ Vân (Xã Quảng An)