Chủ đề công tác năm 2020: "Huyện Đầm Hà tự hào tiến bước dưới cờ Đảng" - Chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020)

Đầm Hà dự học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8

Ngày 4/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai và các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Hội nghị được kết nối tới 16.242 điểm cầu trong cả nước với hơn 1.441.200 cán bộ, đảng viên tham dự nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết.

Dự tại điểm cầu huyện Đầm Hà có các đồng chí Thường trực Huyện ủy, HĐND, lãnh đạo UBND huyện.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu huyện Đầm Hà

Mở đầu chương trình hội nghị sáng 4/12, đại biểu đã được nghe Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng truyền đạt chuyên đề “Tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc”. Chuyên đề nêu rõ mục tiêu tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Các nhiệm vụ trọng tâm gồm: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và Nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; hoàn thiện chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước; xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; tăng cường đoàn kết trong Đảng, giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước trong phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tiềm năng và sức sáng tạo của Nhân dân; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội; đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước; tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả.

Tiếp đó, đại biểu đã được nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới”. Theo đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; tạo cơ hội cho Nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là về y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin. Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hội nhập quốc tế gắn với việc làm bền vững; nâng cao chất lượng quản lý phát triển xã hội gắn với bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030 gồm: bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo toàn diện cả vật chất và tinh thần, có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, tỉ lệ đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,5%, cấp trung học cơ sở tối thiểu đạt 95%, cấp trung học phổ thông và tương đương tối thiểu đạt 75%; tối thiểu 90% tỉnh, thành phố đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2. Xây dựng được ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp; xoá bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc đạt khoảng 30 m2 sàn/người. 100% hộ gia đình ở thành thị và 80% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; 100% hộ gia đình, trường học, trạm y tế có công trình phụ hợp vệ sinh bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn. Có ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, 80% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hoá, nghe, xem các kênh phát thanh, truyền hình của quốc gia và địa phương.

Chiều cùng ngày, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng truyền đạt chuyên đề “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Đây là nghị quyết có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, thể hiện đường lối, tư duy mới, bước đột phá về sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết xác định: bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nền văn hóa; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng XHCN. Nghị quyết đã nêu rõ mục tiêu chung, 5 mục tiêu cụ thể, 7 quan điểm, 3 phương châm chỉ đạo; 6 nhiệm vụ và giải pháp BVTQ Việt Nam XHCN. Quan điểm, tư duy về bảo vệ Tổ quốc được Nghị quyết  đề cập bao quát toàn diện về nhận thức và tổ chức thực hiện; chiến lược và sách lược; xây dựng và bảo vệ; sự toàn diện và những trọng tâm, trọng điểm cần tập trung giải quyết; trách nhiệm lãnh đạo, quản lý điều hành và thực hiện; vai trò các cấp, các ngành, đoàn thể, nhân dân và lực lượng vũ trang…

Cũng trong chiều nay, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa truyền đạt chuyên đề “Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới”. Quan điểm được đặt ra là đội ngũ trí thức là lực lượng lao động trí óc, có trình độ học vấn cao, chuyên môn sâu về một lĩnh vực, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo; giàu lòng yêu nước, có đạo đức và lý tưởng cách mạng, gắn bó với Đảng, Nhà nước và dân tộc; là lực lượng có vai trò quan trọng trong liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; có trách nhiệm tiên phong, tạo ra sản phẩm tinh thần, vật chất chất lượng cao cho xã hội, là nguồn lực đặc biệt trong phát triển kinh tế tri thức, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; là nhân tố quan trọng trong nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chú trọng phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam cả trong và ngoài nước, có cơ chế, chính sách đột phá thu hút, trọng dụng trí thức, đặc biệt là trí thức tinh hoa, chuyên gia đầu ngành và nhân tài của đất nước; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lớp trí thức trẻ, kế cận. Mục tiêu đến năm 2030, phát triển đội ngũ trí thức về số lượng và chất lượng, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực then chốt, trọng yếu, lĩnh vực mới đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tầm nhìn đến năm 2045, đội ngũ trí thức Việt Nam lớn mạnh, có chất lượng cao, cơ cấu hợp lý, thuộc tốp đầu khu vực và tiệm cận với các nước phát triển; nhiều nhà khoa học có ảnh hưởng trên thế giới, đạt các giải thưởng quốc tế trên các lĩnh vực; nhiều tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở giáo dục và đào tạo đạt chuẩn quốc tế đáp ứng yêu cầu của quốc gia phát triển.

5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đặt ra: Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức; Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, trọng dụng nhân tài; Tăng cường quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đối với đội ngũ trí thức; Tăng cường nguồn lực xây dựng đội ngũ trí thức chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động các hội trí thức.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh: Kế thừa các nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ Đại hội 13, BCH Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tiếp tục đổi mới việc học tập, quán triệt các Nghị quyết, chủ trương của Đảng, đẩy mạnh việc cụ thể hóa, nâng cao hiệu quả thực hiện, gắn với nhiệm vụ chính trị, thực tiễn ở từng địa phương, đơn vị. Để các Nghị quyết hội nghị lần thứ 8 đi vào cuộc sống, các cấp ủy, tổ chức đảng, các ban, bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghiêm tục, quyết liệt, đồng bộ; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết thiết thực và hiệu quả. Trên cơ sở đó làm tốt công tác vận động tuyên truyền các tầng lớp nhân dân, tạo đồng thuận cao trong thực hiện. Đồng thời, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết. Cùng với việc triển khai các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, từ nay tới cuối năm, phải tập trung thực hiện nhiều việc quan trọng khác như kiểm điểm, đánh giá, phân loại tổng kết đánh giá nhiệm vụ năm; đề ra phương hướng năm 2024, triển khai Chỉ thị 26 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024, theo đó phải quan tâm chăm lo chu đáo nhân dân, đặc biệt gia đình chính sách, người có công; các hộ nghèo, địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.

Tin: Báo Quảng Ninh. Ảnh: Quốc Nghị