Chủ đề công tác năm 2020: "Huyện Đầm Hà tự hào tiến bước dưới cờ Đảng" - Chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020)

ĐẢM BẢO AN TOÀN PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ THOÁT NẠN TẠI MỘT SỐ LOẠI HÌNH CƠ SỞ

Trong thời gian gần đây, tình hình cháy tại khu dân cư trên toàn quốc có diễn biến phức tạp, khó lường, xảy ra một số vụ cháy phức tạp, gây hậu quả nặng nề, cụ thể: (1) Vụ cháy nhà để ở kết hợp kinh doanh tại số 4 Hàng Lược, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, xảy ra vào ngày 15/01/2024, làm 04 người tử vong; (2) Vụ cháy nhà để ở kết hợp kinh doanh sửa chữa xe máy tại xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, xảy ra vào ngày 30/01/2024, làm 03 người tử vong; (3) Vụ cháy nhà trọ cấp 4 tại xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, xảy ra vào ngày 01/02/2024, làm 03 người tử vong; (4) Vụ cháy nhà dân trong hẻm 623, đường Cách Mạng Tháng 8, phường 15, Quận 10, TP.Hồ Chí Minh ngày 17/02/2024 làm 04 người tử vong; (5) Vụ cháy nhà dân trong hẻm 948 đường Lê Đức Thọ, phường 15, Quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh, ngày 19/02/2024, làm 01 bé trai tử vong. Một số nguyên nhân gây thiệt hại lớn về người là do thiếu kiến thức trong công tác PCCC, đồng thời thiếu kỹ năng xử lý tình huống và thoát hiểm của người dân khi có tình huống cháy, nổ xảy ra.

Để hướng dẫn tuyên truyền đến người lao động, hộ gia đình và nhân dân trên địa bàn nắm, chủ động nghiên cứu, học tập các kiến thức, kỹ năng về PCCC, Công an huyện thông báo mã QR Code hướng dẫn công tác PCCC đối với một số loại hình cơ sở (gửi kèm theo Danh mục mã QR Code các kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn). Đồng thời, khi xảy ra sự cố về cháy, nổ, cần nắm rõ các kỹ năng thoát hiểm và bình tĩnh để thoát khỏi đám cháy. Một số kỹ năng cần lưu ý:

Bước 1: Tìm cách dập lửa: Cúp cầu giao diện đồng thời hãy báo động cho mọi người trong nhà biết để cùng thoát hiểm, sau đó lập tức ấn máy gọi 114 để được trợ giúp; tiếp đó bình tĩnh tìm cách dập lửa ngay lập tức bằng bình bột, bình khí C02, cát, chăn nhúng nước, nước hoặc những thứ khác có thể kiếm được quanh đó có khả năng dập lửa. Trong trường hợp đám cháy quá lớn và không thể dập lửa được thì nhanh chóng tìm cách thoát hiểm.

Bước 2: Tìm đường thoát nạn: Hãy nhớ xem trong nhà có bao nhiêu lối thoát hiểm? Làm thế nào để dễ dàng di chuyển tới lối thoát hiểm đó. Khi thoát hiểm cần lưu ý: đừng cố mang theo những đồ vật có giá trị, những vật nặng chiếm diện tích ảnh hưởng tới quá trình thoát hiểm. Nên bò trên sàn nhà để di chuyển, để mũi càng thấp càng tốt đồng thời sử dụng khăn vải ẩm che kín mũi và miệng bảo vệ cơ quan hô hấp để tránh hít khói độc; tay còn lại men theo tường tìm lối thoát nạn nhanh nhất. Đóng tất cả các cửa để ngăn cháy lan rộng, tuy nhiên, trước khi mở cửa, hãy đặt mu bàn tay lên cánh cửa, nếu thấy ấm thì không mở.

Bước 3: Không quay lại đám cháy: Nếu đã thoát ra khỏi đám cháy được, nên tìm đến một nơi an toàn và thông tin cho mọi người xung quanh và lực lượng chức năng về những người bị mắc kẹt.

Để công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có hiệu quả, thiết thực đến các tầng lớp nhân dân, nhằm hạn chế thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy, nổ xảy ra; phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, an ninh xã hội, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự thấu hiểu, tự giác tham gia của mọi người trong xã hội./.