Năm 2021, là năm diễn ra các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử, chính trị quan trọng của đất nước: “ Kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 46 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 76 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh…”; Đặc biệt là năm diễn ra cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Hòa chung trong bầu không khí trang nghiêm của cả Dân tộc Việt Nam thì các hoạt động kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ ( 27/7/1947 – 27/7/2021) sẽ là một trong chuỗi những sự kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong năm 2021.
Đây chính là dịp để cả đất nước, cả dân tộc ta tri ân, tưởng nhớ công ơn của những anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công với cách mạng đã hy sinh tính mạng, hoặc một phần thân thế vì nền độc lập của Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Tuy nhiên năm 2021 là năm rất đặc biệt gắn liền với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và cũng là một năm cả nước gồng mình lên chống đại dịch Covid-19. Vì vậy, công tác tri ân đối với người có công càng phải làm nhiều hơn, tốt hơn, để làm ấm lòng dân, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN của Việt Nam.
Nhận thức sâu sắc về mục đích và ý nghĩa của ngày Thương binh, Liệt sỹ 27/7; Xác định công tác Thương binh Liệt sĩ và chính sách đối với những người có công với cách mạng chính là thể hiện tính ưu việt và bản chất của Đảng và Nhà nước ta. Cùng với muôn vàn cách tri ân mà các cấp Đảng bộ và chính quyền trên cả nước, trong những ngày này, Đảng bộ, Chính quyền huyện Đầm Hà đã và đang tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, thể hiện trách nhiệm, tình cảm của các cấp, các ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân cùng tỏ lòng để tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sỹ, các thương bệnh binh, nhằm xây dựng, duy trì và lan tỏa đạo lý “ Uống nước nhớ nguồn” , phát triển phong trào “ Đền ơn đáp nghĩa” một cách rộng khắp, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc huy động mọi nguồn lực xã hội để quan tâm, hỗ trợ, động viên và giúp đỡ các gia đình có công, các thương bệnh binh ổn định đời sống vật chất và tinh thần, đảm bảo mục tiêu: (100% số gia đình và người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân địa phương..); Để thực hiện mục tiêu đó, hàng năm Đảng bộ, chính quyền huyện Đầm Hà luôn quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các hoạt động phong trào ủng hộ, đóng góp xây dựng quỹ “ Đền ơn đáp nghĩa” cấp huyện, cấp xã; Thường xuyên quan tâm thăm hỏi, động viên chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống trên địa bàn huyện; Thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời các chính sách cho 100% người có công với cách mạng và thân nhân theo đúng quy định….
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, TUV, Bí thư Huyện ủy và đoàn công tác thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Thạch ở xã Đầm Hà
Hàng năm với tinh thần, trách nhiệm, bổn phận và nghĩa tình sâu nặng, bằng cả tấm lòng biết ơn của những người đang sống, phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Đầm Hà mãi mãi ghi tạc và đời đời nhớ ơn sự hy sinh, cống hiến to lớn của các bà, các mẹ, các thương bệnh binh, các thân nhân liệt sỹ, các gia đình có công với nước bằng những hoạt động và việc làm cụ thể:
Năm 2020, huyện Đầm Hà đã quan tâm tri ân và tặng quà cho 31 gia đình, cá nhân gồm: Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng; tặng quà cho 422 cá nhân thương bệnh binh và gia đình thân nhân có công với cách mạng. Tổng số người có công và thân nhân được tặng quà là 453 xuất, tương đương với tổng số kinh phí là 142.100.000 đồng.
Năm 2021 huyện Đầm Hà tiếp tục quan tâm tri ân và tặng quà cho 440 đối tượng chính sách, người có công với cách mạng với tổng số kinh phí và 142 triệu đồng, trong đó 135 đối tượng là các thương bệnh binh và 305 đối tượng là thân nhân liệt sỹ, các gia đình có công với cách mạng.
Đồng chí Trần Việt Dũng, Chủ tịch UBND huyện thăm, tặng quà TB Trạc Văn Tiếp, xã Quảng Tân
Đại diện lãnh đạo huyện tặng quà cho gia đình thương binh Hà Công Chất – phố Bắc Sơn, Thị trấn Đầm Hà tại lễ khánh thành nhà tình nghĩa
Những việc làm đó có ý nghĩa thể hiện sự tri ân sâu sắc, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước đối với người có công với cách mạng, đồng thời lan tỏa những thông điệp về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tới xã hội, cộng đồng, nhân dân cả nước.
Đoàn viên thanh niên huyện thắp nến tri ân các liệt sỹ
Nhân dịp kỷ niêm 74 năm ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7/1947 – 27/7/2021. Để tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với những người con thân yêu của quê hương Đầm Hà Anh Hùng , có những người đã vĩnh viễn hy sinh hoặc bỏ lại một phần thân thể cho Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân, để ngày nay Dân tộc Việt Nam được sống trong hòa bình, độc lập. Đảng bộ và chính quyền huyện Đầm Hà thiết nghĩ việc tri ân các gia đình có công với cách mạng, quan tâm chăm lo các Thương bệnh binh, lan tỏa duy trì đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và phát huy phong trào “ Đền ơn đáp nghĩa” luôn là việc làm trách nhiệm, mang ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, vì các Anh chính là những người con ưu tú của nước nhà.
Trong bầu không khí trang nghiêm, thành kính của cả Dân tộc Việt Nam cùng hướng về kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh Liệt sỹ ( 27/7/1947 – 27/7/2021) , Chúng ta hãy cùng nhau ôn lại truyền thống 74 năm ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7.
*Ý nghĩa, lịch sử ra đời của ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7!
Cách mạng tháng Tám vừa thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời chưa được bao lâu, thực dân Pháp đã trở lại xâm lược nước ta. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, “không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, Trong những tháng năm đầu của cuộc kháng chiến quyết liệt, nhiều đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống hoặc đổ máu trên các chiến trường. Nỗi đau bao trùm lên toàn dân tộc, nhiều gia đình mất đi cả chồng và các con. Nhiều người vợ trẻ chỉ hưởng hạnh phúc vỏn vẹn trong một ngày. Theo lời kêu gọi của Đảng, của Chính phủ và Bác Hồ, kế thừa truyền thống “nhân ái, thủy chung” của dân tộc, nhân dân ta đã dành tất cả tình thương yêu của mình cho các chiến sĩ và đồng bào đã vì sự nghiệp độc lập, tự do của Tổ quốc mà bị thương hoặc hy sinh. Để góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát của gia đình các chiến sĩ, đồng bào, Đầu năm 1946, Chính quyền Việt Nam đã xúc tiến vận động thành lập một tổ chức, lấy tên gọi là “ Hội giúp binh sĩ tử nạn”; “Hội giúp binh sĩ bị nạn” ra đời ở Thuận Hóa (Huế), rồi đến Hà Nội và một số địa phương khác … Sau đó ít lâu được đổi thành “Hội giúp binh sĩ bị thương”. Ở Trung ương có Tổng Hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch danh dự của Tổng Hội. Chiều ngày 28 tháng 5 năm 1946 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, “Tổng Hội” tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng để kêu gọi đồng bào gia nhập Hội và hăng hái giúp đỡ các chiến sĩ bị thương. Để giúp chiến sĩ trong mùa đông giá rét, cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ” được tổ chức trong cả nước, mở đầu bằng buổi lễ xung phong “Mùa đông binh sĩ” do Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam tổ chức chiều ngày 17 tháng 11 năm 1946 tại Hà Nội. Hồ Chủ tịch đã đến dự buổi lễ và tặng chiếc áo mà Người đang mặc (chiếc áo sau này bán đấu giá được 3.500 đồng).
Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ngày 19 tháng 12 năm 1946, theo lời kêu gọi cứu nước của Bác Hồ, nhân dân cả nước nhất tề đứng dậy kháng chiến với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Số người bị thương và hy sinh trong chiến đấu tăng lên. Thương binh, Liệt sĩ trở thành vấn đề lớn. Trước yêu cầu bức xúc đó, cùng với việc tiếp tục kêu gọi giúp đỡ thương binh, gia đình tử sĩ, ngày 16 tháng 2 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác Thương binh Liệt sĩ ; Để chỉ đạo công tác này trong cả nước, ngày 26 /02/ 1947, Phòng Thương binh (thuộc Chính trị Cục, Quân đội Nhân dân Quốc gia Việt Nam) được thành lập và đầu tháng 7 năm 1947 Bác Hồ đã đồng ý cho thành lập Ban Vận động tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc”.
Cũng trong thời gian này, tại một địa điểm xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, các đại biểu Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa phương đã dự một cuộc họp. Tại cuộc họp này, theo đề nghị của đại diện Chính trị Cục, Quân đội Nhân dân Quốc gia Việt Nam, các đại biểu đã nhất trí chọn ngày 27 tháng 7 hàng năm là “Ngày Thương binh toàn quốc”. Ông Lê Tất Đắc, đại diện Chính trị Cục, Quân đội Nhân dân Quốc gia Việt Nam tham gia cuộc họp đã tóm lược về ngày đáng ghi nhớ này bằng câu ca dao:
“Dù ai đi Đông về Tây; 27 tháng 7 nhớ ngày Thương binh. Dù ai lên thác xuống ghềnh; 27 tháng 7 Thương binh nhớ ngày ”.
Chiều ngày 27 tháng 7 năm 1947, “Ngày Thương binh toàn quốc” mở đầu bằng cuộc míttin lớn được tổ chức tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Tại cuộc míttin này, các đại biểu đã nghe: Ông Lê Tất Đắc, đại diện Chính trị Cục, Quân đội Nhân dân Quốc gia Việt Nam đọc thư của Hồ Chủ tịch gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc”. Trong thư Người viết: “… Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu …”…. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy ”. Tại cuộc mittin Lúc đó Ông Lê Thành Ân, Phó Trưởng phòng Thương binh, thuộc Chính trị Cục nói về mục đích, ý nghĩa của “Ngày Thương binh toàn quốc” và trách nhiệm của toàn dân đối với Thương binh, Liệt sĩ.
Trong lời kêu gọi nhân “Ngày Thương binh toàn quốc”, ngày 27 tháng 7 năm 1948, Hồ Chủ tịch viết: “… Thương binh và tử sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, đã hy sinh cho đồng bào. Để báo đáp công ơn đó, Chính phủ phải tìm mọi cách để giúp đỡ anh em thương binh và gia đình tử sĩ. Tôi cũng rất mong muốn đồng bào sẵn sàng giúp đỡ họ về mặt vật chất và tinh thần …”. “Ngày Thương binh toàn quốc” đầu tiên cũng được tổ chức ở một số Tỉnh phía Nam, đặc biệt là Thành phố Sài Gòn. Tuy đang bị địch tạm chiếm và đàn áp, khủng bố rất gắt gao nhưng đồng bào đã tổ chức theo cách riêng của mình.
Từ đó, hàng năm đến ngày 27 tháng 7, Bác Hồ đều gửi thư thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Từ tháng 7 năm 1955, “Ngày Thương binh toàn quốc” được đổi thành “Ngày Thương binh, Liệt sĩ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8 tháng 7 năm 1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27 tháng 7 hàng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh, Liệt sĩ” của cả nước. Cùng với chiều dài lịch sử, 74 năm qua, với các tên gọi ““Ngày Thương binh toàn quốc”, Ngày Thương binh, Liệt sĩ” và được tổ chức trong những hoàn cảnh khác nhau (chiến tranh, hòa bình ở nửa đất nước, đất nước thống nhất, cả nước tiến hành công cuộc đổi mới..), nhưng đúng như mục tiêu đề ra ban đầu, mỗi năm đến “Ngày Thương binh, Liệt sĩ” ngày 27 tháng 7, trên đất nước ta lại dấy lên nhiều việc làm thiết thực, đầy tình nghĩa chăm sóc Thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng, thể hiện truyền thống “hiếu nghĩa bác ái”, lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân mà hy sinh, cống hiến.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ. Tình cảm lớn lao của Bác tiêu biểu cho tình cảm của toàn Đảng, toàn dân đối với các liệt sĩ, thương binh. Những điều đó đã được thể hiện trong các bài nói, bài viết của Bác dưới đây:
- Trong thư gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc” ngày 27-7-1947, Bác viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang san, sự nghiệp, mồ mả đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp; cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe đọa; của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập; ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh; Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người anh hùng ấy; Ngày 27-7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh.
- Trong thư gửi anh em thương binh và bệnh binh tháng 7-1948, Bác viết: “Các đồng chí đã hy sinh một phần xương máu vì Tổ quốc, chẳng may bị thương, bị bệnh, trước khi quân thù hoàn toàn bị tiêu diệt, kháng chiến được hoàn toàn thành công. Chắc các đồng chí không khỏi phân vân. Nhưng các đồng chí nên một mặt nuôi lại sức khỏe, một mặt cố gắng học tập. Khi đã khôi phục sức khỏe, các đồng chí sẽ hăng hái tham gia công tác tăng gia sản xuất, để giúp ích cho Tổ quốc, cũng như các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên những người chiến sĩ kiểu mẫu ở hậu phương cũng như các đồng chí đã làm người chiến sĩ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận. Tôi cùng đồng bào luôn nhớ đến các đồng chí”.
- Trong thư gửi phụ nữ nhân ngày 8-3-1952, Bác viết: “… Tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các nữ liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc …… Tôi kính chào các bà mẹ có con trong bộ đội và các bà mẹ, cùng vợ con của liệt sĩ.… Các bà mẹ chiến sĩ và các chị em đã giúp thương binh, đã hòa lẫn lòng yêu thương không bờ bến, mà giúp chiến sĩ và chăm sóc thương binh như con em ruột thịt của mình”.
- Về anh em thương binh, bệnh binh: ngày 27-7-1952, Người cũng nhắc là: “ Phải hòa mình với nhân dân, tôn trọng nhân dân, tránh phiền nhiễu nhân dân; Phải tránh tâm lý “công thần”, coi thường lao động, coi thường kỷ luật; Chớ bi quan, chán nản, phải luôn luôn cố gắng. Ngày nay anh em sẽ tùy điều kiện mà xung phong tăng gia sản xuất …; Đồng bào sẵn sàng giúp đỡ, anh em có quyết tâm thì anh em nhất định dần dần tự túc được”.
- Trong Di chúc thiêng liêng của Người, Bác Hồ của chúng ta đã căn dặn biết bao điều hệ trọng về công tác Lao động – Thương binh và Xã hội: “Đầu tiên là công việc đối với con người. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, than niên xung phong …), Đảng, Chính phủ và đồng bào ta phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, thì mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.
Với tinh thần và ý nghĩa sâu sắc đó, 74 năm qua ngày 27/7 đã trở thành một ngày kỷ niệm thiêng liêng đối với các anh hùng liệt sỹ, các Thương bệnh binh, các chiến sỹ cách mạng và là nguyện vọng của toàn dân tộc đời đời ghi nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ, các Thương bệnh binh và những người có công với cách mạng; Những hy sinh, cống hiến xương máu của các liệt sỹ, thương bệnh binh đối với tổ quốc, với nhân dân, Họ có quyền tự hào về những gì mình đã hy sinh, đóng góp cho Tổ quốc và cho nhân dân để có cuộc sống hòa bình, ấm no như ngày hôm nay. Hàng năm cứ đến ngày 27/7 cũng là dịp để lan tỏa đạo lý “ Uống nước nhớ nguồn” tới xã hội và nhân dân cả nước; đồng thời cũng là dịp để giáo dục truyền thống anh hùng cách mạng cho lớp lớp thế hệ trẻ hôm nay biết phát huy truyền thống yêu nước , tinh thần cách mạng của dân tộc , hăng say rèn luyện, cống hiến sức lực , trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đây cũng là dịp để giáo dục ý thức trách nhiệm, lòng biết ơn của các tầng lớp nhân dân đối với các Thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ, những người có công với cách mạng.
Khắc ghi và tôn vinh công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ , Thương bệnh binh, những người có công với cách mạng; Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 28/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chăm sóc người có công với cách mạng và hoạt động đền ơn đáp nghĩa; Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, Với truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, ngày 27/7 hàng năm đã trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử, chính trị, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Cùng với việc thực hiện các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, hàng năm đạo lý “ Uống nước nhớ nguồn” và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” cho người có công với đất nước luôn được các cấp ủy Đảng, Chính quyền cả nước quan tâm; Với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, trong những năm qua cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể trong cả nước. Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Đầm Hà luôn quan tâm, chủ động vào cuộc và thực hiện làm rất nhiều việc để cuộc sống của các thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và gia đình những người có công với nước trên địa bàn ngày càng được đảm bảo, ổn định, đầy đủ và tốt đẹp hơn, điều này đã lan tỏa sự cống hiến cho đất nước một ngày 27/7 ý nghĩa, tràn đầy sự nhân ái yêu thương. Việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công là nghĩa vụ, trách nhiệm và niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Làm tốt công tác đối với thương binh, liệt sỹ và Người có công với cách mạng sẽ củng cố niềm tin của nhân dân ta vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính quyền các cấp, là cơ sở cho việc giữ vững ổn định chính trị – xã hội, bảo đảm sự phát triển của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.
Đại Nghĩa – Trung tâm TT&VH