Tốt nghiệp THPT, theo học Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh 2 năm phải bỏ học giữa chừng để lấy chồng sinh con, Lê Thị Hải (SN 1991, thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà) khởi nghiệp từ những chuyến buôn nông sản 2 chiều Đầm Hà – Móng Cái. Chính công việc ban đầu này đã hình thành, nuôi dưỡng giấc mơ xây dựng nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu của cô gái trẻ. Ý tưởng ấy cũng đã giành giải nhất Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh Quảng Ninh năm 2019.
Chúng tôi về Đầm Hà gặp chị Lê Thị Hải sau khi cuộc thi vừa kết thúc, cũng là thời điểm chị đang tất bật chuẩn bị nguồn hàng hải sản phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2020. Đồng thời, bắt đầu khởi động xây dựng nhà xưởng làm bước đệm cho nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu trong tương lai. Tranh thủ lúc nghỉ tay tiếp khách, câu chuyện khởi nguồn ý tưởng táo bạo mà chị đang thực hiện được chia sẻ lại.
Chị Hải kể: “Sau thời gian dài buôn hàng ra Móng Cái rồi Đông Hưng (Trung Quốc), tôi nhận thấy mặt hàng ngao hai cùi rất được ưa chuộng, trong khi thị trường còn bị bỏ ngỏ, cung không đủ cầu. Tôi bắt đầu triển khai nuôi ngao 2 cùi, hiện đang nuôi trên 20.000 lồng, sản lượng bình quân 40 tấn/năm. Những năm trước, tính cả lượng ngao thu mua được, bình quân tôi xuất bán khoảng 5 tấn ngao/ngày”.
Việc xuất bán con ngao hai cùi ra thị trường nước ngoài không chỉ giúp người dân địa phương có nguồn tiêu thụ ổn định, mà còn mang lại lợi nhuận cao hơn so với tiêu thụ nội địa nhỏ lẻ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, chủ yếu từ nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, từ đầu năm 2019 đến nay, ngao hai cùi không thể xuất khẩu, khiến giá hạ thấp, trữ lượng tồn đọng lớn. Điều này gây không ít khó khăn cho công việc phát triển sản xuất của chị nói riêng, bà con nuôi ngao hai cùi nói chung.
Bài toán khó được đặt ra lúc này là làm cách nào để có thể xây dựng được thương hiệu sản phẩm với nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; mở đường cho con ngao xuất khẩu sang thị trường nước bạn? Sau thời gian dài suy nghĩ, chị đã nảy ra ý tưởng xây dựng nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu với quy trình sản xuất đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng về nguồn gốc, kiểm dịch, bao bì, nhãn mác sản phẩm.
“Đây là dự án không mới tại Việt Nam và quốc tế. Các dự án nhà máy chế biến thủy, hải sản đã tồn tại rất lâu với rất nhiều sản phẩm. Tuy nhiên, ý tưởng của tôi chuyên môn hóa vào sản phẩm ngao hai cùi, tận dụng các đặc điểm của địa phương để mang lại nhiều nguồn lợi cho người dân và xã hội” – chị Hải nói.
Chị Lê Thị Hải đang nuôi ngao hai cùi với quy mô khoảng 20.000 lồng, sản lượng 40 tấn/năm.
Theo tìm hiểu của chị Hải, nguồn nguyên liệu trong tỉnh khá dồi dào, sản lượng khoảng 15.000 tấn/năm. Trong khi đó, người dân địa phương rất mong muốn bao tiêu đầu ra, tạo điều kiện cho họ phát triển. Vì vậy, dự án mà chị vạch ra là xây dựng nhà máy chế biến hải sản trên diện tích 2ha, tổng mức đầu tư 31 tỷ đồng, sản xuất theo công nghệ Hà Lan với hệ thống dây chuyền phân loại ngao hai cùi nguyên liệu, hệ thống máy cấp đông siêu tốc, hệ thống gia nhiệt dùng hơi quá áp…
Khi đi vào hoat động, nhà máy có công suất chế biến khoảng 30 tấn nguyên liệu ngao hai cùi/ngày, sản lượng gần 10.000 tấn/năm. Từ nguyên liệu ngao hai cùi, có thể chế biến ra các loại sản phẩm: Ngao sạch nguyên vỏ hút chân không, ruột ngao sạch, ruột ngao đóng hộp, các món ăn sẵn…
Quán quân Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh năm 2019 chia sẻ: “Để hiện thực hóa ý tưởng, triển khai dự án này, chúng tôi đã kêu gọi các nhà đầu tư khác cùng thực hiện, đã có 4 doanh nghiệp cùng tham gia dự án này. Chúng tôi đang xây dựng nhà xưởng, nhập các loại máy móc thiết bị để sơ chế hải sản. Đồng thời, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm; kết nối đưa các sản phẩm vào hệ thống siêu thị. Những hoạt động này sẽ là nền tảng cho nhà máy chế biến hải sản thời gian tới”.
Nguồn: Hoàng Anh (baoquangninh.com.vn)