Nhân dịp kỷ niệm 95 năm, ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/1925 – 21/6/2020. Để tôn vinh và tri ân những người đang công tác và hoạt động trong ngành báo ( các nhà báo ), đã cống hiến trí tuệ, sự nhiệt thành, tâm huyết, đôi khi là cả máu và nước mắt để đóng góp tâm sức vì một nền báo chí nước nhà, đưa đến độc giả những bài báo hay, những sự kiện nóng hổi, phản ánh chân thật các vấn đề đời sống, văn hóa, xã hội, những câu chuyện truyền cảm hứng và những tấm gương đáng tôn vinh đang diễn ra trong đời sống xã hội thường nhật. Tuy nhiên, không phải độc giả nào cũng biết rõ lịch sử ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Tại sao có ngày Báo chí cách mạng Việt Nam? Chúng ta cùng ngược dòng lịch sử, tìm hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày 21/6 để hiểu thêm về ngày kỷ niệm đặc biệt này.
Trong lịch sử báo chí Việt Nam, từ những năm 60 thế kỉ 19 đã có “Gia Định báo” và một số báo lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác. Những năm đầu thế kỷ 20, hàng loạt tờ báo của người Việt Nam được xuất bản, tập hợp nhiều nhà văn, nhà báo, nhà trí thức theo từng nhóm nhỏ nhưng có các khuynh hướng chính trị khác nhau, nên không thể tập hợp vào chung một tổ chức thống nhất. Đến ngày 21.6.1925, tại số nhà 13 đường Văn Minh, Quảng Châu (Trung Quốc), báo “Thanh niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra mắt số đầu tiên thì dòng báo chí cách mạng Việt Nam mới bắt đầu hình thành. ( Sau này Ngôi nhà số 13 đường Văn Minh , Quảng Châu, Trung Quốccũng chính là trụ sở Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội – tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại đây, báo được chuyển về nước bằng nhiều con đường bí mật và được phổ biến rộng rãi trong nhân dân, tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam; về sau Báo Thanh niên được coi là Cơ quan ngôn luận của tổ chức “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội) Cũng từ đó báo chí Việt Nam luôn giương cao ngọn cờ cách mạng, đại diện cho nhân dân nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Nói khái quát là báo Thanh niên mở đầu cuộc cách mạng tư tưởng, đưa nền tảng tư tưởng truyền thống của dân tộc lên một tầm cao mới. ( Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đào tạo lớp làm báo vô sản đầu tiên của Việt Nam như Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điềm, Trương Văn Lĩnh…).
Tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt (Chữ quốc ngữ) năm 1865 tại Sài Gòn.
Tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, cho xuất bản báo Búa liềm làm cơ quan Trung ương của Đảng, Ban công vận Trung ương của Đảng ra báo Công hội đỏ, Tổng Công hội Bắc kỳ ra báo Lao động; Tháng 9/1929, An Nam Cộng sản Đảng cho ra báo Đỏ. Những tờ báo của các tổ chức Cộng sản sơ khai này có tác dụng rất quan trọng trong việc giáo dục ý thức giai cấp, đấu tranh giai cấp và lý tưởng cộng sản cho quần chúng lao động. Tháng 2/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản được triệu tập dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết định thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua một số văn kiện quan trọng, quyết định Trung ương và địa phương sẽ ra báo của Đảng Cộng sản Việt Nam thống nhất. Ngày 5/8/1930, Trung ương cho ra báo Tạp chí đỏ; ngày 15/8/1930, báo Tranh đấu ra mắt.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến Tháng 10/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Trung ương Đảng cho ra báo Cờ Vô Sản và Tạp Chí Cộng Sản. Các xứ ủy, tỉnh ủy, nhiều huyện ủy và chi bộ cũng ra báo. Báo chí trong thời kỳ này đóng vai trò quan trọng trong việc phát động cao trào cách mạng của công nông chống đế quốc-phong kiến, đỉnh cao là cao trào Xô viết-Nghệ Tĩnh. Tháng 3/1935, Đại hội Đảng lần thứ nhất họp, quyết định chuyển tạp chí Bônsêvích thành Tạp chí Lý luận Trung ương của Đảng. Báo chí trong những năm 1930-1936 đã phục vụ tích cực cho xây dựng Đảng, tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối cách mạng dân quyền của Đảng, kiên quyết chống đế quốc, phong kiến, chống chủ nghĩa cải lương của giai cấp tư sản và chủ nghĩa dân tộc tư sản của Việt Nam quốc dân Đảng, chuẩn bị điều kiện để đón thời cơ đưa cách mạng tiến lên một cao trào mới.
Giai đoạn 1936 -1939, Đảng chủ trương đưa báo chí ra xuất bản công khai, hợp pháp. Một số tờ báo cách mạng bằng chữ Pháp được xuất bản ở Hà Nội, cùng với đó, một loạt các tờ báo tiếng việt đã được xuất bản công khai hợp pháp,trong đó có tờ Dân chúng cơ quan Trung ương của Đảng, in đến 15.000 bản. Trình bày bài vở trên mặt báo đã mang dáng dấp hiện đại, biên tập và in nhanh, phát hành nhanh, rộng trong cả nước và ra nước ngoài. Tháng 5/1941, Mặt trận Việt Minh thành lập. Tháng 8/1941, báo Việt Nam độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lấy danh nghĩa Việt Minh tỉnh Cao Bằng, sau mở rộng thành Việt Minh Cao Bằng-Bắc Cạn, rồi Cao Bằng-Bắc Cạn-Lạng Sơn. Ngày 25/1/1942, báo Cứu quốc, cơ quan của tổng bộ Việt Minh ra đời. Ngày 10/10/1942, báo Cờ giải phóng cơ quan Trung ương của Đảng xuất bản số 1. Trung ương còn xuất bản Tạp chí Cộng sản làm cơ quan lý luận. Báo chí phục vụ tích cực cho xây dựng lực lượng vũ trang, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Từ sau khi có chỉ thị sửa soạn khởi nghĩa của tổng bộ Việt Minh (5/1944) và nhất là sau cuộc đảo chính Nhật-Pháp (3/1945), Đảng phát động cao trào kháng Nhật cứu nước tiến tới Tổng khởi nghĩa, một số báo của các lực lượng vũ trang từ các căn cứ kháng Nhật và khu giải phóng được xuất bản. Hai tờ báo Cờ giải phóng và Cứu quốc có cống hiến lớn nhất trong việc đẩy mạnh cao trào cách mạng và giành thắng lợi lịch sử tháng Tám 1945.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rõ sức mạnh to lớn, diệu kỳ của báo chí trong sự nghiệp cách mạng, trong đời sống xã hội và trong việc nâng cao dân đức, dân trí.
Từ tháng 8/1945 trở đi, dưới chế độ dân chủ nhân dân, báo chí cách mạng xuất bản công khai, Báo Cứu quốc xuất bản hàng ngày là tờ báo lớn nhất cả nước. Trong làng báo xuất hiện hai cơ quan mới: Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam và Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam). Cuối năm 1945, Đảng chuyển vào bí mật; Báo Sự Thật ra đời với danh nghĩa cơ quan của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương. Ngày 2/6/1950, Chính phủ chính thức quyết định cho thành lập Hội “Những người viết báo Việt Nam” (Hội Nhà Báo Việt Nam ngày nay). Đến tháng 7.1950, Tổ chức Báo chí quốc tế (OIJ) nhóm họp ở Phần Lan đã công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức. Năm 1951, báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng bắt đầu xuất bản, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Sinh hoạt nội bộ, Báo Quân đội Nhân dân ra đời. Để góp phần đáp ứng mục tiêu: Đánh đổ đế quốc Mỹ và tay sai, hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc. Báo chí của ta hình thành báo chí tự do ở miền Bắc và báo chí xuất bản bí mật bất hợp pháp ở vùng địch tạm chiếm ở miền Nam. Trong điều kiện mới, báo chí miền Bắc có những bước tiến vượt bậc. Báo Nhân Dân ra hàng ngày, in với số lượng lớn nhất bằng kỹ thuật tiên tiến. Trung ương cho ra Tạp chí lý luận, lúc đầu là Học tập, sau đổi là Tạp chí Cộng sản.
Sau ngày thống nhất đất nước, báo chí luôn là người bạn của mọi nhà; báo chí ở nước ta đã phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng; Nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, đa dạng, sinh động, hiệu quả và hấp dẫn ngời đọc; Báo chí đã đi sâu vào thực tiễn đời sống, phát hiện, giới thiệu, cổ vũ các mô hình kinh tế mới, cách làm ăn mới, nhân tố mới, người tốt, việc tốt. Báo chí đã thể hiện rõ quan điểm bảo vệ và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, tuyên truyền, cổ vũ toàn dân phát huy có chọn lọc nền văn hóa tiên tiến của các nước trên thế giới, góp phần nâng cao dân trí, ngăn chặn văn hóa xấu, độc, len lỏi vào chống phá nước ta. Báo chí đã tổ chức khơi dậy và biến nhiều hoạt động xã hội từ thiện trở thành phong trào của toàn xã hội. Hoạt động của báo chí trong chiều dài lịch sử cách mạng của đất nước, Đứng trước những yêu cầu mới, báo chí cách mạng Việt Nam mãi mãi kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện tốt chức năng báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp, là diễn đàn tin cậy của nhân dân .
Tháng 2.1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra Quyết định số 52 – QĐ/TW, ngày 5.2.1985 lấy ngày ra số đầu tiên của báo Thanh Niên làm ngày Báo chí Việt Nam (21.6.1925); nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí. Ngày 21.6.1985, lần đầu tiên giới báo chí cả nước tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Báo chí Việt Nam và kỷ niệm 60 năm Báo Thanh Niên xuất bản số đầu tiên. Ðây là ngày lễ không chỉ của riêng giới báo chí mà là ngày lễ của nhân dân cả nước, vì báo chí cách mạng là sự nghiệp của toàn dân.
Ngày 21.6.2000, nhân kỉ niệm 75 năm ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi ngày Báo chí Việt Nam là “Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam” Từ đó, với nhiều người, ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 có ý nghĩa quan trọng và to lớn.
Suốt chặng đường lịch sử cách mạng của Đảng và Dân tộc ta, 95 năm qua,dưới sự lãnh đạo của Đảng, Báo chí cách mạng luôn là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quan trọng trên mặt trận tư tưởng – văn hóa ; là công cụ sắc bén góp phần quan trọng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân và phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, kịp thời lan tỏa để mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước sớm đi vào cuộc sống, kịp thời đưa tin, phản ánh mọi mặt đời sống xã hội, phát huy những giá trị tốt đẹp, nhân tố mới, mô hình hiệu quả, cách làm hay, biểu dương gương người tốt, việc tốt, phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, tiêu cực, góp phần tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; đấu tranh và phê phán những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Qua đó cùng tạo sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần để xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Đồng hành với sự nghiệp đổi mới của Đất nước, Báo chí Cách mạng Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và không ngừng phát triển vươn lên, là cầu nối hiệu quả giữa Đảng, Nhà nước, Chính phủ với nhân dân; Phát triển đa dạng, phong phú các loại hình báo chí truyền thống và hiện đại: ( Như báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử và truyền thông đa phương tiện… ). Ngày nay, trong nhịp sống của thời đại (4.0), chúng ta vui mừng được chứng kiến sự chuyển mình, phát triển của quê hương đất nước, bên cạnh đó,chúng ta càng tự hào về đông đảo đội ngũ những người đang làm việc trong lĩnh vực báo chí, trên mặt trận thông tin truyền thông, Họ là lực lượng xung kích, là những chiến sĩ cách mạng tiên phong, kiên trung trên mặt trận tư tưởng – văn hóa của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; chung sức đồng lòng vì mục tiêu xây dựng Đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “ dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Ngày nay, phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, nhiều nhà báo không quản hiểm nguy, khó khăn, gian khổ, dũng cảm thâm nhập thực tế, kịp thời đưa tin về những sự kiện nóng, các vấn đề bức xúc, thiên tai, bão lũ…; làm phóng sự điều tra về các vụ án hình sự, tham nhũng, tiêu cực phức tạp. Chúng ta rất cảm động trước những tấm gương nhà báo đã hy sinh, bị hành hung, gây thương tích trong khi làm nhiệm vụ báo chí trong thời bình, để có được nhiều bài viết hay, có ý nghĩa thiết thực trên các mặt đời sống xã hội mang đến cho độc giả.
Sự phát triển bùng nổ của khoa học, công nghệ kéo theo sự phát triển của công nghệ nghe, nhìn,trong thời đại 4.0, đã mở ra những phương thức truyền thông hiện đại, tổ chức sản xuất thông tin mới, đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu mới đối với lĩnh vực báo chí. Báo in đối mặt với sự sụt giảm mạnh về doanh thu, độc giả. Báo điện tử phải cạnh tranh quyết liệt với mạng xã hội ( Zalo, facebook, fanpage, youtube… ). Bên cạnh đó, công tác quản lý báo chí còn những bất cập. Nhiều người làm báo, một số cơ quan báo chí còn chưa chủ động, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ đưa tin; chưa chú trọng nhiệm vụ chính trị, chưa bám sát tôn chỉ, mục đích của báo chí, nhất là trong thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội; có trường hợp còn chạy theo yếu tố thương mại, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, đưa tin một chiều, giật gân, câu khách, gây bức xúc xã hội. Cá biệt có những nhà báo, cơ quan báo chí còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp làm báo, vi phạm pháp luật; thậm chí có nhà báo đã bị xử lý hình sự; hiện tượng “đăng bài lên rồi gỡ bài xuống” gây bất bình nhiều độc giả và những người làm báo chân chính; một số nhà báo còn thể hiện quan điểm tiêu cực trên mạng xã hội. Đó cũng chính là những mặt khó khăn, hạn chế của nghề làm báo trong thời đại kinh tế thị trường.
Bắt kịp xu hướng của báo chí hiện đại trong thời đại công nghệ số
Để phát huy hiệu quả lan tỏa của báo chí cách mạng trong thời đại 4.0, thiết nghĩ những người làm báo phải tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và những thành tựu đạt được, tập trung khắc phục nhanh những hạn chế, tồn tại trong hoạt động báo chí, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trọng tâm là thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước; thực hiện có trách nhiệm, đúng chức năng, nhiệm vụ, đúng lúc, đúng chỗ và tuân thủ pháp luật. Kiên quyết không để tình trạng báo chí giật tít, giật gân, câu lai, kích động; chú trọng tuyên truyền về mặt tốt, mặt tích cực, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, để lan tỏa những giá trị tốt đẹp, tạo niềm tin, sự phấn khởi, tạo động lực tinh thần thúc đẩy công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.
Trong thời đại mà công nghệ nghe nhìn phát triển nhanh thì báo chí phải thông tin nhanh nhạy, chính xác, khách quan, trung thực, vừa là kênh phổ biến, tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, thực hiện tinh thần trọng dân, gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân; phản ánh kịp thời, trung thực những nguyện vọng và truyền tải thông tin thiết thực đến toàn thể nhân dân; Phát huy vai trò lực lượng nòng cốt trong đấu tranh chống lại các thế lực thù địch; tích cực đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; chủ động bác bỏ những nội dung bôi nhọ, bịa đặt, vu khống, gây chia rẽ nội bộ, làm mất đoàn kết trong Đảng và trong xã hội. Đặc biệt đội ngũ nhà báo, người làm báo phải nhanh chóng tiếp cận với công nghệ truyền thông mới, phương pháp làm báo mới, cập nhật công nghệ mới và phải bảo đảm chất lượng thông tin, góp phần xây dựng và lan tỏa hình ảnh nhà báo đúng như cố nhà báo Hữu Thọ đã nói: Người làm báo “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng và tác động to lớn của báo chí, Người coi “Văn hóa là một mặt trận”, “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”; “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng”; “Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen ấy, người ta có thể viết những bức tối hậu thư”. Tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam (1962), Bác lại nói: “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng. Đạo đức đó là cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư”.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 95 năm qua cùng với sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN , sự quan tâm, lãnh chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Quảng Ninh. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Đầm Hà Đoàn kết, một lòng , chủ động, sang tạo phát huy truyền thống của quê hương anh hùng, quan tâm, chăm lo đầu tư xây dựng và phát triển sự nghiệp Truyền thông và Văn hóa của huyện ngày càng hiện đại, đảm bảo thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ là cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ và Chính quyền huyện Đầm Hà.
Công tác thông tin truyền thông luôn bám sát định hướng tuyên truyền của huyện, của tỉnh, để kịp thời chỉ đạo đội ngũ phóng viên, biên tập viên bám sát cơ sở tác nghiệp, cập nhật thông tin chính xác, kịp thời phản ánh các vấn đề thời sự, các sự kiện chính trị diễn ra trên địa bàn huyện đến với đông đảo nhân dân; Tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh tự sản xuất, nội dung tuyên truyền tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: tuyên truyền và các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của huyện, tập trung tuyên truyền kết quả triển khai và thực hiện Nghị quyết của Đảng các cấp; kết quả thực hiện chỉ thị số 05 – CT/TW của Bộ chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm theo kế hoạch, định hướng tuyên truyền của huyện, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin, truyền thông Quảng Ninh; Phản ánh, đưa tin kịp thời mọi mặt về tình hình chính trị, kinh tề, xã hội của tỉnh, của huyện, nhiều hoạt động văn nghệ, TDTT, tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trực quan được tổ chứcvới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, công tác an sinh xã hội, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách … Sự lan tỏa của các hoạt động trên đã góp phần sớm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; tạo nên phong trào thi đua sôi nổi, nâng cao tinh thần đoàn kết, gắn bó và tạo nên sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần tạo nên sự thay đổi ngoạn mục về bức tranh kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn huyện Đầm Hà.
Đồng hành và hòa nhịp cùng với sự đổi mới của Đất nước, sự phát triển của tỉnh Quảng ninh trong thời đại 4.0. Dưới ánh sáng Quang vinh của Đại hội Đảng bội huyện Đầm Hà lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020 -2025; với phương châm: Đổi mới – Sáng tạo – Đột phá; bằng những bước đi vững chắc thể hiện tầm nhìn chiến lược Đảng bộ và Chính quyền huyện Đầm Hà ; Bên cạnh đó là sự nhiệt thành tâm huyết, sẵn sàng dấn thân của tập thể cán bộ, viên chức người lao động của Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Đầm Hà, Chúng ta tin tưởng rằng sự nghiệp Truyền thông và Văn hóa sẽ tiếp tục được quan tâm phát triển theo hướng hiện đại , hiệu quả và phù hợp, tạo nên hiệu ứng lan tỏa, làm thay làm thay đổi nhịp sống của nhân dân các dân tộc trên toàn huyện, từng bước khẳng định vị thế của huyện Đầm Hà ở vùng đông bắc của tỉnh Quảng Ninh, xứng đáng là huyện Đầm Hà Anh Hùng, phát triển và giàu mạnh, góp phần xây dựng một nước Việt Nam phát triển “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đại Nghĩa – Trung tâm TT&VH