Chủ đề công tác năm 2020: "Huyện Đầm Hà tự hào tiến bước dưới cờ Đảng" - Chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác giảm nghèo

Sáng 11-12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo, giai đoạn 2016-2020. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư; đầu cầu trực tuyến các địa phương cả nước; đại diện một số tổ chức quốc tế.
Dự hội nghị tại điểm cầu huyện Đầm Hà có lãnh đạo UBND huyện; các đồng chí Thành viên Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững huyện giai đoạn 2017 – 2020.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn xác định giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển. Mục tiêu, nhiệm vụ này được thể hiện đậm nét trong các văn kiện của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, các chiến lược, kế hoạch, đề án, chương trình của Chính phủ.

Chính phủ đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 ở T.Ư và địa phương để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết; Chính phủ cũng tập trung chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; nâng cao chất lượng giáo dục, tỷ lệ trẻ em đến trường; bảo đảm mọi người trong hộ nghèo đều có cơ hội tiếp cận với dịch vụ khám chữa bệnh thông qua BHYT; kết hợp giữa giảm nghèo bền vững với phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng; lồng ghép các nguồn vốn tập trung đầu tư cho vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn…

Qua 10 năm thực hiện, công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm liên tục qua các năm trên phạm vi cả nước, các vùng miền. Nhiều huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn đã được đầu tư cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh; hộ nghèo được hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin. Đặc biệt, đã có sự chuyển biến về nhận thức và hành động của một bộ phận người nghèo, đã xuất hiện một số điển hình làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo. Kết quả giảm nghèo của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo cũng còn những tồn tại, cần khắc phục trong giai đoạn tới như: kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ tái nghèo, phát sinh nghèo mới còn cao, còn khoảng cách giàu-nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư; công tác rà soát, tích hợp chính sách giảm nghèo còn chậm,…

Những bài học, kinh nghiệm cùng các bất cập, khó khăn, vướng mắc được thảo luận tại hội nghị này nhằm phát huy những thành quả đã đạt được, nhận diện rõ các hạn chế và nguyên nhân để khắc phục; biểu dương những tổ chức, cá nhân điển hình trong công tác giảm nghèo và định hướng công tác giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, hướng đến năm 2030. Từ đó góp phần quan trọng để công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và phong trào “thoát nghèo, làm giàu” đạt được kết quả cao hơn, vững chắc hơn trong những năm tới đây.

Quang cảnh hội nghị

Theo Ban Chỉ đạo CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 3,75%, bình quân trong 4 năm giảm 1,53%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước từ 1-1,5%/năm.

Trong 4 năm, có 58% số hộ nghèo đã thoát nghèo. Uớc đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 2,75%. Như vậy sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn 27,85%, bình quân trong 4 năm giảm 5,65%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao giảm bình quân 4%/năm; ước cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo bình quân các huyện nghèo còn khoảng 24%.

Đến nay, đã có 8/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và 14/30 huyện nghèo hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn. Dự kiến đến cuối năm 2020, khoảng 32 huyện thoát khỏi huyện nghèo, đạt chỉ tiêu đề ra.

Có 95/292 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo khỏi tình trạng khó khăn, đạt tỷ lệ 32,5% (vượt 2,5%). Có 1.298/3.973 thôn đặc biệt khó khăn (chiếm tỷ lệ 32,67%), 125/2.193 xã đặc biệt khó khăn (chiếm tỷ lệ 5,69%) hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 (thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn).

Nguồn lực đã được bố trí, huy động để thực hiện và một số chính sách thúc đẩy hiệu quả công tác giảm nghèo: tổng các nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2016-2020 là 93.607,785 tỷ đồng.

Trong đó, bao gồm: vốn ngân sách T,Ư: 45,33%; vốn ngân sách địa phương: 10,75%; vốn xã hội hóa: 23,62%; vốn ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và các hoạt động an sinh xã hội của MTTQ Việt Nam các cấp: 19,86%…

                                                                 Theo Báo Nhân dân