Chủ đề công tác năm 2020: "Huyện Đầm Hà tự hào tiến bước dưới cờ Đảng" - Chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020)

Phát triển nhà ở cho người lao động ngành than, KCN, người thu nhập thấp

Ngày 31/7, Thường trực Tỉnh ủy họp giao ban tuần để nghe và cho ý kiến tình hình triển khai Đề án phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ngành than, khu công nghiệp, lao động thu nhập thấp và việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện một số chỉ tiêu liên quan tới giải quyết 20.000 việc làm mới, 50.000 chỗ ở tái định cư, trên 70% tỷ lệ hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn Việt Nam 02:2009 Bộ Y tế theo Nghị quyết số 12 của Tỉnh ủy. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì. Dự hội nghị tại điểm cầu huyện Đầm Hà có các đồng chí Thường trực Huyện ủy, HĐND, lãnh đạo UBND huyện.

Phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ngành than, khu công nghiệp và nhà ở cho lao động thu nhập thấp là một trong những giải pháp nhằm cụ thể hóa khâu đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy đã quyết liệt chỉ đạo việc quy hoạch, chuẩn bị quỹ đất sạch, vị trí, mặt bằng, các tiện ích và khả năng kết nối  tháo gỡ nút thắt về nhà ở cho công nhân, người lao động, người thu nhập thấp tới làm việc tại Quảng Ninh.

Hiện, đã có 3 dự án đã khởi công và dự kiến năm nay sẽ hoàn thành khoảng 1.580 căn hộ, gồm: Dự án nhà ở xã hội phục vụ công nhân và chuyên gia Khu công nghiệp Đông Mai, Dự án Khu nhà ở xã hội thuộc khu dân cư đồi ngân hàng, TP Hạ Long và dự án khu nhà ở xã hội tại phường Đông Mai, thị xã Quảng Yên. Khi hoàn thành toàn bộ 3 dự án này sẽ đáp ứng nhu cầu khoảng 2.250 căn hộ cho người lao động. Dự kiến sẽ có 6 dự án khởi công trong giai đoạn 2023-2024 với tổng số 2.370 căn hộ. Ngoài ra, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 388 ngày 3/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, giao chỉ tiêu cho Quảng Ninh tới năm 2030 hoàn thành ít nhất 18.000 căn nhà ở xã hội.

 

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận cuộc họp

Qua thảo luận, Thường trực Tỉnh ủy thống nhất cho rằng, những năm qua, Tỉnh đã chủ động thực hiện phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, lao động ngành than, khu công nghiệp và nhà ở cho lao động thu nhập thấp một cách bài bản, chiến lược, lâu dài, đồng bộ và đã có kết quả bước đầu. Tuy nhiên so với nhu cầu thực tế của người lao động thì kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn.

Thường trực Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, sở, ngành liên quan tổ chức triển khai nghiêm túc Quyết định số 388 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2279 của UBND tỉnh; theo đó, phải có kế hoạch chi tiết, xác định trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; đồng thời, phải rà soát kỹ hơn nhu cầu thực tế, lộ trình thực hiện về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong ngành than, khu công nghiệp, các doanh nghiệp và nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp. Các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát và phân rõ các dự án đã triển khai, các dự án có chủ trương cho nghiên cứu vị trí quy hoạch, đầu tư nhưng chưa triển khai và cả những vị trí quỹ đất quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, quỹ đất 5%… để công khai, mời gọi thu hút các nhà đầu tư. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, nhất là quá trình triển khai đầu tư dự án để người lao động tiếp cận các căn hộ chi phí hợp lý, giá cả phù hợp với khả năng chi trả và không để xảy ra tình trạng đầu cơ.

Ngành than bám sát yêu cầu chung của Tỉnh để phát triển nhà ở cho công nhân nhằm cải thiện thực sự đời sống người thợ mỏ, nhất là người ngoại tỉnh; phát triển nhà ở cho công nhân KCN, trong đó địa bàn KKT Quảng Yên là trọng điểm; nhà ở công nhân lao động và người thu nhập thấp tại Cẩm Phả, Uông Bí và Đông Triều. Đồng thời, phải tính căn cơ nhà ở công vụ cho cán bộ công chức thu hút về nơi khó khăn và cả đô thị. Rà soát quỹ nhà trọ ở khu công nghiệp, tăng cường trách nhiệm cơ quan quản lý, đảm bảo nhà trọ do các hộ cá nhân đầu tư xây dựng có môi trường an ninh an toàn.

Cùng ngày Thường trực Tỉnh ủy cũng nghe và cho ý kiến về kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của Nghị quyết 12-NQ/TU ngày 28/11/2022 của Tỉnh ủy. Đối với chỉ tiêu tạo ít nhất 20.000 việc làm tăng thêm năm 2023, đến hết tháng 7/2023, toàn tỉnh đã tạo việc làm tăng thêm cho 15.095 người, đạt 75,5% kế hoạch năm. Trong đó nhiều nhất là Hạ Long đã tạo việc làm cho 4.462 người; Móng Cái là 3.200 người; Uông Bí là 1.527 người; Cẩm Phả là 1.416 người; Đông Triều là 1.390 người…

Đối với kế hoạch chuẩn bị 50.000 suất tái định cư phục vụ công tác GPMB, thu hồi đất giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh, tính đến nay, tổng hợp nhu cầu tái định cư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030 là khoảng 20.759 suất, trong đó nhu cầu đến năm 2025 là 8.614 suất, nhu cầu giai đoạn 2026-2030 khoảng 12.145 suất. Số lượng suất tái định cư trên địa bàn tỉnh đã bố trí là khoảng 35.538 suất, trong đó số lượng suất tái định cư đã có quy hoạch chi tiết, đã triển khai đầu tư hạ tầng đến năm 2023 là 8.828 suất, giai đoạn 2024-2025 là 6.863 suất; giai đoạn 2026-2030 là 19.847 suất.

Đối với chỉ tiêu tỷ lệ hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN-02:2009/BYT đạt trên 70%, đến nay, tổng số hộ dân ở nông dân sử dụng nước sạch là 118.169 hộ. Trong đó số hộ được cấp nước sạch, hợp vệ sinh đáp ứng QCVN-02:2009/BYT là 118.124 hộ, chiếm 99,96%; số hộ được cấp nước sạch từ công trình công trình tập trung, nhỏ lẻ là 103.656 hộ, chiếm 87,72%. Hiện nay, cùng với việc triển khai hoàn thiện Đề án cấp nước sạch nông thôn, các địa phương đã chủ động nghiên cứu, thực hiện các dự án cấp nước nông thôn.

Cho ý kiến về các nội dung này, Thường trực Tỉnh ủy khẳng định việc xác định chỉ tiêu tạo ít nhất 20.000 việc làm tăng thêm năm 2023 là hoàn toàn cơ sở khi Quảng Ninh là địa phương có sự tăng trưởng GRDP cao, gắn liền với đầu tư công, thu hút FDI, phát triển ngành du lịch dịch vụ. Đây là động lực để thu hút nguồn lao động về với tỉnh. Từ nay đến cuối năm, các ngành, địa phương tăng cường kết nối, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của nhà đầu tư, doanh nghiệp trong KCN; kết nối cung-cầu hiệu quả; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo thu hút lao động; đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ để thu hút lao động về với tỉnh.

Liên quan đến kế hoạch chuẩn bị 50.000 suất tái định cư phục vụ công tác GPMB, thu hồi đất giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chiến lược quốc gia, Thường trực Tỉnh ủy lưu ý kế hoạch chia thành 2 giai đoạn 2023-2025 và 2025-2030; đồng thời phải đảm bảo tính khả thi khi thực hiện.

Về nước sạch cấp cho người dân cả ở đô thị và nông thôn, miền núi, đây là nội dung được các ngành, địa phương đã quan tâm vào cuộc tích cực. Thường trực Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh nghe đề án tổng thể, trong đó thực hiện phân thành 3 vùng: mô hình cấp nước sạch đô thị tập trung và đô thị phân tán, mô hình cấp nước sạch nông thôn vùng thấp dân cư tập trung; mô hình cấp nước sạch nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo dân cư phân tán, trong đó có vùng bãi ngang, ven biển thường xuyên bị xâm nhập mặn và không có nguồn nước tại chỗ.

Qua ý kiến các địa phương, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo rà soát lại mô hình quản lý cấp nước của các đơn vị để có đầu mối kiểm soát nguồn nước, chất lượng nước, giá cả cũng như có biện pháp xử lý các tình huống khẩn cấp.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu huyện Đầm Hà

Cùng ngày, Thường trực Tỉnh ủy cũng nghe báo cáo tiến độ triển khai thực hiện các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh (30/10/1963 – 30/10/2023) cùng nhiều nội dung quan trọng khác.

                                            Ảnh Mai Thắm (Tin theo Báo Quảng Ninh)