Chủ đề công tác năm 2020: "Huyện Đầm Hà tự hào tiến bước dưới cờ Đảng" - Chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020)

Nghệ nhân Nhân dân Đặng Thị Tự miệt mài giữ lửa hát nhà tơ

14 tuổi bắt đầu hát nhà tơ và đến nay 98 tuổi vẫn mặn mà đằm thắm, vẫn đau đáu với những làn điệu hát nhà tơ, hát cửa đình đó là Nghệ nhân Đặng Thị Tự người đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nhà nước nghệ nhân nhân dân.

Nghệ nhân Nhân dân Đặng Thị Tự sinh  năm 1921, ở thôn Trại Giữa xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà, một vùng quê ven biển, từ thủa ấu thơ bà được chú của mình là nghệ nhân Đặng Văn Tăng người biết ca trù đầu tiên của Đầm Hà và mẹ của bà truyền dạy hát nhà tơ. Nghệ nhân kể “Từ bé tôi đã được tiếp xúc với ca trù, (khoảng năm 1932), được các nghệ nhân trong gia đình truyền dạy nên tôi học rất nhanh, đến khi 17 tuổi, tôi và các đào nương khác thường xuyên được mời đi hát ở các hội đình đình Đầm Hà, Tràng Y, Phong Dụ, Cái Giá , từ Đầm Hà đến Tiên Yên, Bình Liêu, tôi được mời đi hát ở rất nhiều nơi, cho đến tận bây giờ vẫn thấy đam mê lắm, thích hát và muốn truyền dạy các làn điệu múa hát cho con cho cháu, cho người dân ở Đầm Hà”.

Hát nhà tơ, hát, múa cửa đình là một loại hình nghệ thuật dân gian với lời lẽ ca từ giàu chất thơ, mang nhiều cảm xúc trầm ngâm, sâu lắng, sự kết hợp giữa ca khúc và điệu múa uyển chuyển. Hát nhà tơ, hát cửa đình xuất hiện từ lâu ở Đầm Hà. Đây là một hình thức diễn xướng dân gian, một hoạt động chính không thể thiếu trong tất cả các lễ hội xưa. Đặc biệt là lễ hội đình và được gắn liền với nghi thức tế lễ thành hoàng làng.

Nghệ nhân Đặng Thị Tự và đội hát nhà tơ biểu diễn tại lễ hội Đình Đầm Hà

Trải qua những thăng trầm của thời gian, của lịch sử, năm 1963 đình Đầm Hà đã bị dỡ bỏ, lễ hội đình từ đó cũng không được duy trì, hát nhà tơ – hát cửa đình đã chìm vào quên lãng, tiếng đàn, tiếng phách cũng lắng xuống, chỉ thỉnh thoảng mấy nghệ nhân làng lưu luyến vẫn hát cho nhau nghe trong niềm nhớ tiếc không nguôi, tưởng như hát nhà tơ đã rơi vào quên lãng. Tuy nhiên Nghệ nhân Đặng Thị Tự vẫn luôn âm thầm, đam mê gìn giữ từng lời ca, nhịp phách, từng làn điệu múa hát. Đến năm 2009 cùng với việc phục dựng lại lễ hội đình Đầm Hà, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với huyện Đầm Hà, Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh Quảng Ninh mở 3 lớp truyền dạy hát, múa nhà tơ, hát cửa đình do Nghệ nhân Đặng Thị Tự trực tiếp truyền dạy cho gần 100 học viên. Từ đó đến nay bà vẫn tận tình truyền dạy, uốn nắn cho các thế hệ con cháu của Đầm Hà. chị Lương Thị Phương ở thôn trại giữa xã Đầm Hà chia sẻ “Nhà tôi ở gần nhà cụ Tự, nghe cụ hát và được cụ truyền dạy hát múa nhà tơ, đến nay tôi cũng thuộc và hát được trên 10 bài, mặc dù tuổi đã cao nhưng cụ rất nhiệt tình uốn nắn cho con cháu, cụ đã truyền lửa, truyền niềm đam mê cho người học hát, chúng tôi sẽ noi gương cụ sẽ luôn trân trọng, giữ gìn văn hóa của cha ông ”

Hiện nay, Nghệ nhân Đặng Thị Tự là người duy nhất còn nhớ được 39 bài hát với gần 800 câu, thuộc 9 giai điệu cổ đó là: giọng Vọng,  giọng Thét nhạc, giọng Thả, giọng Huỳnh, giọng Giai, giọng Phú, giọng Ca trù, giọng Hãm và giọng Nhị thập tứ hiếu và 4 điệu múa cổ đó là: Múa Tế, Múa Dâng hương, Múa Đội đèn, Múa Bông (hay còn gọi múa Tống thần). ông Phan Định một người cao niên ở Phố Lê Lương thị trấn Đầm Hà cho rằng “Ở Đầm Hà câu hát nhà tơ là vô cùng quan trọng, nó thể hiện phong tục, văn hóa của người dân Đầm Hà, câu hát là tơ không thể thiếu được trong các lễ hội đình, nếu mà không có cụ Tự thì khâu hát xướng ở Đầm Hà cũng mất mát đi rất nhiều, khi mà cụ Tự truyền dạy được cho các cháu gần 800 câu hát và 9 làn điệu cổ thì nhân dân Đầm Hà rất phấn khởi, đó là điều vô cùng quý báu”

Để hát được các làn điệu cũng như 9 giọng hát cổ, đào hát phải có giọng, khi hát phải biết nhả chữ, hát phải rõ chữ, trong khi hát các giọng hát đòi hỏi người hát phải hát đúng giọng khi lên bổng lúc xuống trầm, lúc lại ngân nga dìu dặt. Người hát sử dụng phách, tiếng phách phải chắc và giòn, lời ca và tiếng phách, phải ăn khớp với nhau, kép đánh đàn Đáy phụ họa theo khổ phách, tiếng ca hợp nhau, hài hòa nhuần nhuyễn. Ngoài việc sống cùng giai điệu, ca nương phải có sự am hiểu vốn văn hóa, cũng như ẩn ý của người xưa qua các bài hát, tạo nên nét độc đáo, sắc thái riêng, bản sắc riêng của hát nhà tơ, hát cửa đình tại lễ hội Đình Đầm Hà. Do vậy nghệ nhân phải trực tiếp truyền dạy thì người học mới tiếp thu được cung bậc tình cảm tinh tế của hát nhà tơ . ông Chu Tú Quận, Hội trưởng Hội Văn nghệ dân gian Đầm Hà cho biết: “Cụ Tự có một trí nhớ rất tuyền vời, không cần sổ sách mà cụ nhớ từng câu, từng chữ, khi mà phục dựng lại lễ hội đình Đầm Hà và đình Tràng Y cụ đã rất miệt mài truyền dạy cho con cháu, cụ có đóng góp rất lớn cho việc giữ gìn văn hóa dân gian ở Đầm Hà”.

Nghệ nhân truyền dạy các điệu múa cho học trò

“Nguyện vọng lớn nhất của tôi bây giờ là đào tạo được lớp ca nương, đào kép trẻ, say mê, gắn bó với hát nhà tơ, để lưu lại một nét văn hóa truyền thống của cha ông” Nghệ nhân Đặng Thị tâm sự.

Người nghệ nhân với lời ca, nhịp phách mộc mạc giản dị, gương mặt hiền lành, phúc hậu, bà đã góp phần lưu giữ những nét đặc sắc của văn hóa  dân gian ở Đầm Hà nói riêng và Quảng Ninh nói chung. Nghệ nhân đã vinh dự được tặng nhiều giấy khen, Bằng khen, danh hiệu cao quý Nghệ nhân Dân gian, Nghệ nhân Ưu tú và Nghệ nhân Nhân dân. Với sự tâm huyết của Nghệ nhân Nhân dân Đặng Thị Tự và sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng, chắc chắn rằng hát nhà tơ sẽ được các thế hệ con cháu ở Đầm Hà gìn giữ và phát huy, để nét đẹp văn hóa của người dân Đầm Hà sẽ mãi trường tồn cùng thời gian.

                    Mai Thắm – Quốc Nghị (Trung tâm TT&VH Đầm Hà)