Tiếp tục chương trình làm việc với các địa phương, ngày 13/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Đầm Hà và Ban Thường vụ Huyện ủy Hải Hà về kết quả công tác năm 2023, tình hình triển khai nhiệm vụ năm 2024 theo Nghị quyết số 20-NQ/TU của Tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì.
Đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu tại cuộc làm việc
Năm 2023, huyện Hải Hà đã tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, hoàn thành đạt và vượt nhiều mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế-xã hội đề ra; bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng-an ninh được giữ vững, nhân dân đồng thuận, hăng hái lao động, sản xuất, kinh doanh, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Tổng giá trị sản xuất của huyện đạt 33.497 tỷ đồng, đạt 107% so với năm 2022; tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 385 tỷ đồng; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1,6 tỷ USD. An sinh xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân được nâng cao. Toàn huyện không còn hộ nghèo theo tiêu chí quốc gia. Số hộ dân được sử dụng nước sạch đạt trên 67%; hoàn thành xóa nhà ở tạm, nhà dột nát cho 8 hộ gia đình với tổng kinh phí huy động xã hội hóa trên 2,5 tỷ đồng, về đích trước so với kế hoạch của tỉnh. Đảm bảo chủ quyền, an ninh biên giới, biển đảo; địa bàn không có điểm, tụ điểm phức tạp về hình sự, kinh tế, ma túy và tệ nạn xã hội.
Đồng chí Đỗ Thị Ninh Hường, Bí thư Huyện ủy Đầm Hà, báo cáo tại cuộc làm việc
Cùng với huyện Hải Hà, trong năm 2023, huyện Đầm Hà cũng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội với kết quả nổi bật.
Tổng giá trị sản xuất đạt 8.351 tỷ đồng, đạt 100,8% kế hoạch, bằng 119,5% so với năm 2022; thành lập được 22 doanh nghiệp, bằng 146,7% kế hoạch và 14 HTX, bằng 175% kế hoạch của huyện. Huyện đã hoàn thành quy hoạch nuôi biển; nâng diện tích trồng cây gỗ lớn, cây bản địa, tăng 53 ha so với năm 2022. Đầm Hà cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM nâng cao. Đời sống nhân dân không ngừng cải thiện, nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt trên đạt 80 triệu đồng/người, tăng 1,4 lần so với năm 2020; không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo Trung ương.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, kết luận cuộc làm việc
Thống nhất với các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc, kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao kết quả 2 địa phương đạt được, nhất là giữ được ổn định tình hình trong nhân dân, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo; giữ được an ninh trật tự. Cán bộ, đảng viên, nhân dân đoàn kết. Các mặt về công tác Đảng, phát triển kinh tế-xã hội có chuyển biến.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, hạn chế liên quan đến tư duy của đội ngũ cán bộ chưa thực sự đổi mới, chưa trăn trở với sự phát triển của địa phương, nhất là ở cấp xã; khâu tổ chức thực hiện còn hạn chế; phát triển kinh tế-xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Cả 2 địa phương chưa biết tận dụng hết các cơ hội mới để tạo ra bước chuyển mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, HTX và phát triển kinh tế hộ gia đình. Bên cạnh đó, đây là 2 địa phương về đích NTM sớm nhưng đến nay cũng chưa tạo được nhiều chuyển biến trong việc nâng cao các tiêu chí như hạ tầng, thu nhập…
Về nhiệm vụ năm 2024 và đến hết nhiệm kỳ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu 2 địa phương phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất để hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu của cả nhiệm kỳ trong năm 2024 với các giải pháp quyết liệt. Trong đó, đối với Đầm Hà phải quyết tâm hết nhiệm kỳ này phải trở thành huyện NTM kiểu mẫu tiêu biểu ở khu vực miền Đông của tỉnh với tiêu chí giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhân dân có cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc và NTM giàu bản sắc; phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 100 triệu/người/năm; là địa phương không có ma túy. Hải Hà phải kiểm soát tốt ma túy trên địa bàn, tăng số xã không có ma túy.
Đề cập đến các lợi thế của 2 địa phương, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Đầm Hà có lợi thế vừa phát triển nông nghiệp sinh thái với vùng sản xuất tập trung theo quy mô hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao, vừa có kinh tế biển và cơ hội để phát triển du lịch biển đảo. Cơ cấu kinh tế của Đầm Hà phải xác định tập trung cho nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, xa hơn phải nâng tỷ trọng ngành công nghiệp.
Hải Hà có lợi thế 5 xã, thị trấn nằm trong KKT Cửa khẩu Móng Cái, có đường cao tốc đi qua địa bàn, có cảng biển, có cửa khẩu và ngành kinh tế biển là điển hình của khu vực miền Đông. Trong quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định “Khu đô thị công nghiệp cảng biển Hải Hà là vùng động lực của KKT Cửa khẩu Móng Cái; xây dựng thành phố Móng Cái và thị trấn Quảng Hà gắn với xây dựng KKT Cửa khẩu Móng Cái và Khu công nghiệp dịch vụ-cảng biển Hải Hà có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, mạng lưới dịch vụ hoàn thiện, hấp dẫn đầu tư, thu hút lực lượng lao động, đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp”. Vì vậy, huyện Hải Hà phải tập trung bám sát quy hoạch KKT Cửa khẩu Móng Cái, gắn kết với TP Móng Cái và phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng để thu hút đầu tư.
Cả hai địa phương xác định “đẩy mạnh kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân” phải là nhiệm vụ trung tâm. Điều này trước hết đòi hỏi ở thay đổi tư duy làm kinh tế của đội ngũ cán bộ từ huyện tới các xã, thị trấn. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư trên địa bàn; phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư. Ứng dụng rộng rãi, hiệu quả các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Tiếp tục cải thiện kết cấu hạ tầng thực hiện chương trình nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, phục vụ thu hút đầu tư và đời sống dân sinh, trong đó có giao thông kết nối liên vùng, nội vùng và kết nối giữa các KKT, KCN.
Hạ tầng nước sạch cho người dân phải được quan tâm. Hạ tầng y tế, giáo dục phải được rà soát cụ thể. Đầu tư hạ tầng văn hóa thể thao phục vụ người dân và công nhân lao động. Đồng thời, chú trọng đúng mức khai thác lợi thế về rừng cũng như đa dạng hơn về sản phẩm về phát triển du lịch gắn với nâng cao chất lượng. Tập trung xây dựng nông thôn mới theo hướng nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh.
Trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị, tập thể cấp ủy cấp huyện và cấp xã phải nâng cao năng lực cụ thể hóa và tổ chức thực hiện, nâng cao bản lĩnh chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết vấn đề mới, khó của địa phương và thực sự phải có tư duy mới. Cá nhân người đứng đầu phải có bản lĩnh, ý chí, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám đương đầu với khó khăn thử thách; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát từ cơ sở. Chủ động rà soát đội ngũ cán bộ, chỉ ra những bất cập, để xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi, trách nhiệm, tâm huyết.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, trọng tâm là đất đai, quy hoạch, môi trường, tài nguyên, đầu tư và an ninh trật tự.
Hai địa phương phải quan tâm đến công tác đảm bảo an ninh trật tự, chủ quyền an ninh biên giới trên địa bàn, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, phát triển; tích cực triển khai các hoạt động đối ngoại ngày càng thực chất, hiệu quả.
Lãnh đạo UBND huyện, các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn dự họp qua hình thức trực tuyến
Ảnh Mai Thắm (Tin theo Báo Quảng Ninh)