Chủ đề công tác năm 2020: "Huyện Đầm Hà tự hào tiến bước dưới cờ Đảng" - Chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020)

LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11

Từ xưa đến nay, nhân dân ta luôn luôn tôn vinh người thầy giáo và trọng nghề dạy học. Không phải ai cũng có thể làm được công việc đó bởi nó yêu cầu cao không chỉ về nhận thức mà còn cả đạo đức, phẩm hạnh, sự tâm huyết, yêu nghề. Thầy ( cô) giáo không chỉ dạy chữ mà còn dạy “Đạo” Đạo làm người; thông qua dạy kiến thức để giáo dục đạo đức ,nhằm hoàn thiện và phát triển nhân cách cho con người.

Lịch sử nền giáo dục cách mạng Việt Nam đã ghi nhận lớp lớp thế hệ các nhà giáo ngày đêm tận tụy với nghề, lao động sáng tạo, quên mình và nhiều thầy giáo đã hy sinh tuổi thanh xuân để đem ánh sáng văn hóa cho đồng bào vùng cao, vùng xa. Họ là những Anh hùng vô danh. Hình ảnh mỗi thầy ( cô ) giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và nhân dân, tiếp tục đóng góp công sức và trí tuệ cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo của đất nước.

Nhân dịp kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11. Nhằm tri ân, tôn vinh và ghi nhận công lao to lớn của các thầy ( cô ) giáo trong sự nghiệp trồng người;  để phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “ Uống nước nhớ nguồn; Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam nghìn năm Văn hiến; đây cũng là dịp để các thế hệ học sinh ghi nhớ, “đền đáp” công lao dưỡng dục của các thầy ( cô ) giáo. Trong mỗi chúng ta ai cũng được học, đào tạo và trưởng thành từ mái trường thân yêu. Tháng 11 hàng năm không ai quên được công lao dạy dỗ của thầy ( cô) giáo mình. Tại sao lại lấy ngày  20/11 là ngày “Quốc Tế Hiến Chương các Nhà Giáo” ? Ngày “nhà giáo Việt Nam 20/11” có từ bao giờ?

Ngày nhà giáo Việt Nam 20 – 11, được bắt nguồn đầu tiên từ nước Pháp với một tổ chức Quốc tế của các nhà giáo dục tiến bộ. Tháng 7/1946 Liên hiệp Quốc tế các công đoàn giáo dục được thành lập đầu tiên ở trụ sở  FISE  Paris ( Pháp), sau chuyển sang Vie ne (Áo), rồi sang Pra – ha ( Tiệp Khắc ) và từ năm 1977 cho đến nay tại BecLin ( Cộng hòa dân chủ Đức). Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Công đoàn giáo dục Việt Nam đã mở rộng quan hệ với FISE để tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, tố cáo tội ác của bọn xâm lược đối với nhân dân ta nói chung và với các thầy cô giáo, học sinh nói riêng. (Công đoàn Giáo dục Việt Nam ra đời vào 22/7/1951), Tháng 7/1953 Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn làm trưởng đoàn tham dự Hội nghị quan trọng kết nạp Công đoàn Giáo dục của một số nước vào tổ chức FISE, trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Như vậy, chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập, Công đoàn giáo dục Việt Nam đã được gia nhập tổ chức giáo giới Quốc tế ( FISE). Hiện nay FISE có trên 100 nước tham gia với hơn 20 triệu đoàn viên.

Năm 1949 tại Hội nghị ở Vác-xa-va ( Thủ đô Ba Lan ) Liên hiệp Quốc tế các Công đoàn giáo dục ( FISE ) xây dựng một bản “ Hiến Chương các Nhà giáo” gồm 15 chương trong đó có một số nội dung chủ yếu : Đấu tranh chống lại mọi quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu, phản động, phản dân chủ, phản khoa học của nền giáo dục Tư sản, Phong kiến nhằm xây dựng nền giáo dục tiến bộ, dân chủ và khoa học;  đấu tranh thủ tiêu chế độ bạc đãi, coi khinh nghề dạy học, bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của các Nhà giáo dục; quy định một số điểm đối với các nhà giáo, đặc biệt nêu cao trách nhiệm, vị trí của nghề dạy học và những người dạy học. Đến tháng 8/1954 tổ chức Công đoàn của các nhà giáo tiến bộ và cách mạng trên thế giới với nòng cốt là các nhà giáo các nước XHCN đã nhất trí thông qua bản “ Hiến Chương các Nhà giáo”.

Hội nghị quốc tế các tổ chức nhà giáo lần thứ II được tổ chức họp từ ngày 26 đến 30/8/1957 tại Thủ đô Vác xa va ( Ba Lan); có 57 nước tham gia đại diện cho 10,5 triệu giáo viên toàn thế giới đã bàn và quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày “ Quốc tế Hiến Chương các Nhà Giáo” . Như vậy lịch sử ra đời ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 gắn liền với lịch sử của tổ chức giáo giới tiến bộ trên thế giới. Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, lần đầu tiên được tổ chức trên toàn Miền Bắc của nước ta vào năm 1958. Nhiều năm sau ngày này được duy trì tổ chức tại các vùng giải phóng ở Miền Nam, khi đất nước thống nhất ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, đã được tổ chức rộng rãi trong cả nước. Từ đó hàng năm Bộ giáo dục và Công đoàn ngành giáo dục Việt Nam đều quan tâm hướng dẫn tổ chức ngày 20/11, dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và Chính quyền, ngành giáo dục & đào tạo nói chung, các trường học, học sinh, hội cha mẹ học sinh và các đoàn thể xã hội ở các địa phương nói riêng, rất quan tâm tổ chức ngày nhà giáo Việt Nam  20/11, bằng nhiều hình thức hoạt động  phong phú, đa dạng, nhằm tôn vinh, động viên, biểu dương, ghi nhận và khẳng định vai trò, vị trí của nghề dạy học và những người làm nghề ( trồng người ) dạy học, từ đó củng cố sự tâm huyết, yêu nghề của các nhà giáo.

Tặng hoa ngày nhà giáo việt nam thể hiện tình cảm sâu sắc của các em học sinh tới các thầy cô

Ngày 30/4/1975 sau khi giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, ngày 20/11 trở thành ngày truyền thống của ngành giáo dục Việt Nam. Do tính chất và mục đích của việc tổ chức ngày “ Quốc tế Hiến Chương các Nhà giáo”; thể theo nguyện vọng của các Nhà giáo và nhân dân, chấp nhận đề nghị của Bộ Giáo Dục và Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Hội đồng Bộ trưởng ( nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167 – HĐBT ngày 28/9/1982 lấy ngày 20/11 hằng năm là ngày lễ mang tên “Ngày Nhà giáo Việt Nam”.

* Nội dung Quyết định số 167/HĐBT, ngày 26/9/1982 có các Điều nêu rõ:

Điều 1. – Từ nay hàng năm sẽ lấy ngày 20 tháng 11 là ngày Nhà giáo Việt Nam.

Điều 2.- Để ngày 20 tháng 11 có ý nghĩa thiết thực, hàng năm, từ tháng 10 các cấp chính quyền và đoàn thể cần họp để xem xét tình hình công tác và hoạt động của đội ngũ giáo viên ở địa phương mình; kiểm điểm những việc đã làm và đề ra những việc cần tiếp tục làm nhằm động viên đội ngũ giáo viên phát huy truyền thống tốt đẹp của giáo giới Việt Nam , rèn luyện phẩm chất và năng lực, làm gương sáng cho học sinh noi theo. Về phía giáo viên, cần có những hình thức sinh hoạt phong phú nhằm nâng cao nhận thức về vinh dự và trách nhiệm của người giáo viên trong xã hội nước ta ngày nay, từ đó mà ra sức phấn đấu làm tốt hơn nhiệm vụ cao cả của mình.

Điều 3.- Việc tổ chức ngày 20 tháng 11 hàng năm do Ủy ban nhân dân và hội đồng giáo dục các cấp chủ trì, có sự phối hợp với các ngành giáo dục và các đoàn thể nhân dân. Các cấp, các ngành cần phân công cán bộ lãnh đạo đi thăm hỏi giáo viên, tổ chức các cuộc họp mặt thân mật với giáo viên, nhân dịp này có thể tổ chức khen thưởng các giáo viên có thành tích. Việc tổ chức ngày Nhà giáo Việt Nam cần được tiến hành trọng thể và thiết thực, tránh hình thức phô trương, gây phiền hà cho học sinh và cha mẹ học sinh.

Điều 4.- Trong ngày 20 tháng 11, các trường có thể sắp xếp lại việc học tập và giảng dạy để giáo viên được nghỉ và tham gia các sinh hoạt của trường và của địa phương.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 Lễ kỷ niệm đầu tiên được tổ chức trọng thể tại Hội trường Ba Đình Hà Nội. Từ đó đến nay ngày 20/11 hàng năm là ngày truyền thống của ngành Giáo dục & Đào tạo, để tôn vinh và ghi nhận công lao của các Thầy ( cô) giáo, những người làm công tác vì sự nghiệp trồng người. Đây là một việc làm có ý nghĩa nhân văn, sâu sắc, gắn liền với phong tục tập quán của nước ta trong truyền thống giáo dục Đạo làm người: “ Uống nước nhớ nguồn; Ăn quả nhớ người trồng cây”.

Ngày nay, cả xã hội quan tâm đến công tác Giáo dục & Đào tạo, bên cạnh những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thì vấn đề người dạy học luôn được đề cập đến khi  người ta nhắc đến giáo dục. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng: “ Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người ” Để thực hiện thành công sự nghiệp trồng người thì vai trò của các thầy giáo, cô giáo, là vô cùng quan trọng. Hồ Chí Minh khăng định: “ Người thấy giáo tốt – thầy xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất…..Những người thầy giáo tốt là những Anh hùng vô danh”. Mục đích của Giáo dục từ xưa đến nay đều xác định là phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ Quốc với phương châm: “ Nâng cao dân trí, Đào tạo nhân lực, Bồi dưỡng nhân tài, Phát triển và hoàn thiện nhân các con người”. Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa Đất nước, Đảng ta luôn coi trọng giáo dục và đào tạo, coi đây là “Quốc sách hàng đầu” là chìa khóa để hội nhập và phát triển. Công tác Giáo dục và đào tạo nói chung, Người hoạt động trong lĩnh vực Giáo dục nói riêng , Luôn được xã hội tôn vinh, coi trọng, với quan điểm “Đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó đổi mới cơ chế quản lý Giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt”. Đó là minh chứng cho vị thế, vai trò của Nhà giáo trong  xã hội từ xưa đến nay.

Hệ thống trường lớp được đầu tư khang trang, đồng bộ

Khi xã hội phát triển, quan hệ thầy, trò có nhiều thay đổi. Vị thế, vai trò của nhà giáo trong xã hội cũng có sự thay đổi. Điều đó do bị tác động từ những mặt trái của nền kinh tế thị trường và cả những áp lực xã hội đặt lên vai các thầy ( cô ) giáo và những người làm công tác giáo dục thêm phần trách nhiệm nặng nề. Trước yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn Hội nhập quốc tế, việc tổ chức ôn lại truyền thống Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, là điều vô cùng quan trọng và hết sức ý nghĩa. Điều đó giúp mỗi thầy cô giáo tăng cường lòng thiết tha, tâm huyết yêu nghề dạy học, thực hiện đúng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhà giáo: “ Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình, thật thà yêu trường mình”.

Một tiết học sử dụng hình ảnh bằng máy chiếu đa năng

Tiếp nối truyền thống của các thế hệ nhà giáo đi trước, toàn thể đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và người lao động ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh nói chung, huyện Đầm Hà nói riêng, hôm nay rất đỗi tự hào về sự phát triển ngành Giáo dục & Đào tạo tỉnh nhà và những kết quả tốt đẹp mà ngành Giáo dục & Đào tạo huyện Đầm Hà đã đạt được trong những năm qua.  Trong thời gian và giai đoạn tiếp theo, Bám sát sự lãnh chỉ đạo của Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Quảng ninh, của Đảng bộ, Chính quyền huyện Đầm Hà, ngành Giáo dục & Đào tạo huyện Đầm Hà không ngừng ra sức thi đua lập thành tích vì sự nghiệp trồng người.

Các tập thể, cá nhân các thầy cô được khen thưởng có nhiều thành tích xuất sắc trong lao động và giảng dạy

Kỷ niệm 37 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, là dịp để các nhà trường, các cơ quan quản lý giáo dục ôn lại truyền thống ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tri ân và vinh danh các nhà giáo được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, nhà giáo Ưu tú…, đồng thời khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân đã có nhiều thành tích xuất sắc trong lao động và giảng dạy…, điều đó càng tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của các cơ quan đơn vị trong ngành GD&ĐT nói chung và các thế hệ thầy giáo, cô giáo trong ngành Giáo dục & Đào tạo huyện Đầm Hà nói riêng, điều đó khơi dậy sự đam mê, sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của sự nghiệp trồng người, nhằm xây dựng quê hương Đầm Hà anh hùng ngày càng giàu đẹp, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam XHCN “ Dân giàu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng Văn minh”./.

                                                                   Triệu Đại Nghĩa (Trung tâm TT&VH)