Trong giai đoạn 2019 – 2024, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển toàn diện kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần, tạo động lực để đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước của địa phương.
Đầm Hà là huyện miền núi, ven biển nằm ở vùng Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, huyện có 9 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 31,67% dân số toàn huyện. Bà con sinh sống ở hầu hết các xã, thị trấn, nhưng tập trung đông nhất ở các xã là Quảng Lâm, Quảng An, Quảng Tân. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác dân tộc, huyện Đầm Hà luôn xác định việc thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ huyện tới cơ sở. Trong đó huyện đã tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác dân tộc như: Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030… Huyện đã ban hành Chương trình hành động, xây dựng kế hoạch, phê duyệt Đề án phát triển bền vững KT-XH, bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với thực hiện 3 Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025. Tập trung tuyên truyền, phổ biến cho đồng bào dân tộc thiểu số các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo huy động mọi nguồn lực tập trung cho việc phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng dân tộc thiểu số và miền núi, ưu tiên thực hiện đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, làm đường giao thông, phát triển du lịch sinh thái tại các thôn bản vùng cao, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển kinh tế và nâng cao đời sống, làm thay đổi đời sống, diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi của huyện. Từ năm 2019 đến nay huyện đã ưu tiên dành nguồn lực 312 tỷ đồng đầu tư xây dựng xây 13 công trình giao thông, 13 công trình thủy lợi, 7 công trình nhà văn hóa, 1 công trinh điện, 2 công trình nước sạch, nâng cấp 2 trường học tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay 100% đường giao thông đến trung tâm thôn bản được nhựa, bê tông hóa, 100% dân số của huyện được sử dụng nước hợp vệ sinh. 100% số hộ dân trên địa bàn được sử dụng điện an toàn từ các nguồn. 100% xã có cụm phát thanh thông minh; 100% hộ đồng bào DTTS được xem truyền hình, nghe đài phát thanh Quốc gia và tỉnh Quảng Ninh.
Huyện Đầm Hà gắn biến công trình đường trung tâm huyện đi xã Quảng Lâm
Để nâng cao đời sống cho vùng đồng bào DTTS, một trong những giải pháp hiệu quả hỗ trợ, giúp người dân vùng đồng bào DTTS có “điểm tựa” để phát triển kinh tế, giảm nghèo, chủ động làm kinh tế là từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách của tỉnh. Thông qua Ngân hành chính sách xã hội huyện Đầm Hà đã có 366 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn ưu đãi với dự nợ cho vay là 28,412 tỉ đồng. Cùng với đó huyện đã triển khai các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất như hỗ trợ công nhận 300 ha quế đạt tiêu chuẩn oganic, năm 2023 tiếp tục hỗ trợ công nhận cho trên 1.000 ha, đồng thời tạo điều kiện cho Công ty Quế Hồi Quảng Ninh triển khai dây chuyền chế biến quế xuất khẩu và xây dựng mô hình liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ, góp phần quan trọng đưa sản phẩm quế xuất khẩu ra thế giới; hỗ trợ mô hình liên kết trồng cây dược liệu Bách bộ tại xã Quảng An. Các cơ quan, đơn vị, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, các xã thị trấn đã tích cực vào cuộc, tổ chức tập huấn, tuyên truyền vận động bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khuyến khích, định hướng người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhất là những vườn tạp, diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả tập trung, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương.Trong vùng đồng bào dân tộc thiếu số xuất hiện nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao như mô hình trồng rừng, trồng các cây đặc sản như quế, hồi ở xã Quảng An, Quảng Lâm, mô hình liên kết nuôi gà bản Đầm Hà, nuôi trồng thủy sản ở các xã ven biển, toàn huyện có 59 trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn. Các trang trại, mô hình HTX phần lớn có sự liên kết với người dân, tạo chuỗi liên kết, thúc đẩy quá trình sản xuất, góp phần giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Các sản phẩm OCOP vùng đồng bào dân tộc đã được bà con phát triển đưa ra thị trường như lá tắm người Dao, rượu khoai men lá, củ cải, mật ong rừng Ba Nhất… Bà con đã thay đổi tập quán canh tác, đưa các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất nhờ đó kinh tế vùng dân tộc miền núi đã có sự chuyển biến rất tích cực, thu nhập của người dân đã có sự tăng lên, nhiều hộ đã vươn lên trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi.
Các đại biểu tham quan gian hàng OCOP xã Quảng An
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, với sự quyết tâm cao, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận vào cuộc tích cực của các tầng lớp nhân dân. Hàng loạt các công trình như điện, đường, trường, trạm y tế, nhà văn hoá xã, thôn được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang; toàn huyện có 383/383 km đường giao thông được trải nhựa và bê tông hóa, trong đó đường xã, liên xã 42,42 km, đường thôn, liên thôn 138,61 km, đường ngõ xóm 84,61 km; dành nguồn lực đầu tư hệ thống xử lý nước thải, rác thải và hình thành các vùng sản xuất tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản, chăn nuôi. Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn huyện đạt trên 74 triệu đồng/người/năm. Huyện có 8/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 6/8 xã đạt chuẩn tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao; 4/8 xã hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó xã Đầm Hà, xã Quảng Tân đã được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Đầm Hà là huyện đầu tiên trong cả nước đạt huyện nông thôn mới nâng cao.
Tập huấn mô hình ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh
Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” cả hệ thống chính trị của huyện đã không ngừng tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ làm thay đổi nếp sinh hoạt, thói quen, tập tục lạc hậu trong cộng đồng dân cư; phát huy tinh thần trách nhiệm của người dân trong giữ gìn cảnh quan môi trường. Sau nhiều nỗ lực, cố gắng đến nay cảnh quan môi trường nông thôn đã có thay đổi rõ nét, nhiều vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã xây dựng và hình thành mô hình, tuyến đường, khu dân cư sáng-xanh-sạch-đẹp; nhiều nhà dân và công trình dân sinh được xây dựng mới khang trang. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức sôi nổi, rộng khắp như Ngày hội Kiêng gió của người Dao, chợ phiên Ba Nhất; chương trình về miền sán cố, lễ cầu mùa của người Dao, lễ Đại Phan của dân tộc Sán Dìu, Lễ hội Đình Đầm Hà được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia… góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng báo các dân tộc trên địa bàn huyện.
Các nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số luôn được giữ gìn và phát huy
Giao lưu bóng đá tại Ngày hội văn hóa thể thao dân tộc Dao, Ngày hội Kiêng gió năm 2024
Công tác giáo dục, y tế cũng được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm, cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng, đội ngũ y bác sỹ được tăng cường, công tác khám chữa bệnh cho nhân dân nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao, bà con được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng. 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, mạng lưới y tế cơ sở phát triển; 100% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động. Chính sách BHYT đối với đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh cho người dân, đã ra hạn và cấp mới thẻ BHYT cho 24.839 lượt người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo và người dân đang sinh sống tại xã khó khăn trên địa bàn huyện. Mạng lưới cơ sở giáo dục được sắp xếp theo hướng tinh gọn, ổn định, đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh. 100% trường, lớp học được xây dựng kiên cố, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất. 100% các trường công lập đều đạt trường chuẩn quốc gia Kết quả công tác phổ cập giáo dục – xóa mù chữ được giữ vững. Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn ngày càng được nâng lên. Khoảng cách chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng trong huyện từng bước được thu hẹp. Công tác giảm nghèo, việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, các chính sách an sinh xã hội, được triển khai thực hiện tích cực, đến cuối năm 2023, trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo theo tiêu chí quốc gia.
Trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, huyện luôn quan tâm phát triển đảng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, 100% thôn, bản, khu phố có chi bộ đảng; tổng số đảng viên toàn huyện 2.407 đảng viên, trong đó đảng viên là người dân tộc thiểu số 346 đảng viên, chiếm 14,4%,. Huyện đã thực hiện tốt chính sách thu hút, ưu tiên tạo điều kiện khi tuyển dụng, bố trí sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số, quan tâm đào tạo bồi dưỡng về lý luận, chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. Trong công tác quốc phòng an ninh, vai trò của đội ngũ người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được phát huy. Các mô hình tự quản phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc như: mô hình “Hộ văn hóa, thôn bản an toàn”, “Thôn xóm bình yên, gia đình hạnh phúc”, câu lạc bộ “xây dựng gia đình hạnh phúc” được triển khai hiệu quả; thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc ở vùng đồng bảo DTTS, miền núi được tăng cường; an ninh dân tộc, tôn giáo, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đảm bảo.
Trong giai đoạn 2024 – 2029 huyện Đầm Hà sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế văn hóa – xã hội vùng dân tộc thiểu số, phát triển nguồn nhân lực; củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở; tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về diện mạo, tạo ra tiềm lực và động lực mới cho sự phát triển bền vững của vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS, miền núi. Phấn đấu Thu nhập bình quân đầu người tại các xã trên địa bàn huyện đạt 100 triệu/người/năm; Duy trì 100% thôn, bản giữ vững danh hiệu “Khu phố văn hóa”, Gia đình được công nhận văn hóa “gia đình văn hóa” đạt trên 95%, “Xã, thị trấn tiêu biểu”; “thị trấn Đầm Hà đạt chuẩn đô thị văn minh”; phấn đấu huyện trở thành huyện Nông thôn mới kiểu mẫu điền hình của tỉnh Quảng Ninh vào năm 2025.
Mai Thắm – Quốc Nghị (Trung tâm TT&VH Đầm Hà)