Chiều 2/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chủ trì hội nghị trực tuyến chuyên đề của Chính phủ với các địa phương về đảm bảo an toàn giao thông đối với học sinh. Đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì đoàn dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Ninh.
Tại điểm cầu huyện Đầm Hà, đồng chí Trần Anh Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì cuộc họp.
Theo báo cáo của Bộ Công an, từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/10/2023, trên cả nước, TNGT liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 6-18 tuổi) xảy ra 881 vụ (chiếm 8,96% số vụ TNGT toàn quốc), làm chết 490 người (chiếm 8,91% số người chết toàn quốc), bị thương 827 người (chiếm 11,86% số người bị thương toàn quốc).
Tại Quảng Ninh, công tác bảo đảm trật tự ATGT nói chung, bảo đảm an toàn giao thông đối với học sinh-sinh viên nói riêng luôn được quan tâm với việc tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các biện pháp ngăn ngừa tình trạng thanh, thiếu niên, học sinh tụ tập sử dụng phương tiện phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, vượt ẩu gây mất TTATGT, trật tự công cộng trên địa bàn tỉnh. Trong 10 tháng năm 2023 đã xử lý 3.148 trường hợp thanh, thiếu niên (trong đó, 747 trường hợp học sinh-sinh viên), phạt tiền trên 1,4 tỷ đồng.
Đồng chí Trần Anh Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì tại điểm cầu huyện Đầm Hà
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia yêu cầu các lực lượng chức năng bộ, ngành, địa phương cần tăng cường tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Từng địa phương, căn cứ tình hình thực tiễn, hằng năm phải có kế hoạch cụ thể để kiểm soát chuyên đề tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý đối với các trường hợp học sinh vi phạm điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ điều kiện. Tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông, đa dạng hóa các biện pháp tuyên tuyền, lưu ý tuyên truyền cá biệt, ứng dụng mạng xã hội để các em học sinh dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện. Đồng thời, các địa phương trong cả nước đặc biệt chú ý đến công tác tăng cường sự phối hợp giữa lực lượng chức năng – nhà trường – gia đình trong việc quản lý và giáo dục học sinh nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về TTATGT, trong đó chú trọng công tác trao đổi thông tin về vi phạm TTATGT của học sinh giữa lực lượng chức năng tới nhà trường và từ nhà trường tới gia đình để cùng quản lý và giáo dục về an toàn giao thông.
Tin theo Báo Quảng Ninh. Ảnh: Thu Hiền (Trung tâm TT-VH)