Chủ đề công tác năm 2020: "Huyện Đầm Hà tự hào tiến bước dưới cờ Đảng" - Chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020)

Học tập, quán triệt, triển khai các Kết luận, Quy định, Quyết định của Trung ương

Ngày 25/8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 3; Quy định số 22-QĐ/TW, Quy định số 24-QĐ/TW, Quyết định số 23-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị; Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 230 điểm cầu trong tỉnh. Dự tại điểm cầu huyện có các đồng chí Thường trực Huyện ủy, HĐND, lãnh đạo UBND huyện; Ủy viên BCH Đảng bộ huyện, báo cáo viên cấp tỉnh, huyện; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, đảng viên các chi, đảng bộ cơ sở; Đảng bộ các xã, thị trấn.

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đã trực tiếp quán triệt Kết luận Hội nghị Trung ương 3 với các nội dung trọng tâm là tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 và dự kiến kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Các đại biểu dự tại điểm cầu huyện Đầm Hà

Mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, trên cơ sở tăng cường, củng cố ổn định kinh tế vĩ mô bền vững, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện các giải pháp khắc phục tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi kinh tế. Bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Kế hoạch này cũng đặt ra 23 chỉ tiêu và các giải pháp trọng tâm để thực hiện, như: Vừa tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội; khẩn trương ban hành các quy hoạch theo quy định, làm cơ sở cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, phân quyền gắn với kiểm soát quyền lực và tăng cường kiểm tra, giám sát; phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Cùng với đó, tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ; nghiên cứu phân vùng phù hợp, nâng cao chất lượng quy hoạch vùng theo hướng tích hợp, đa ngành, phát huy tốt nhất những tiềm năng, lợi thế của từng vùng; thúc đẩy mạnh mẽ phát triển liên kết vùng, liên vùng; phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hoà giữa phát triển kinh tế với xã hội; phát triển kinh tế đi liền với củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.

Về Kế hoạch tài chính quốc gia giai đoạn 2021-2025, quan điểm chỉ đạo là huy động tổng thể các nguồn lực, trong đó nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản, lâu dài, quyết định kết hợp chặt chẽ, hiệu quả với nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; chỉ chi ngân sách nhà nước trong khả năng của nền kinh tế và chỉ vay trong khả năng trả nợ, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia và quản lý, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, công bằng, bền vững nguồn lực tài chính quốc gia; tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, tăng thu, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tăng chi đầu tư…

Đối với Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, quan điểm là đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, hiện đại, tập trung cho 3 đột phá chiến lược; bảo đảm cơ cấu đầu tư hài hoà, hợp lý, hiệu quả giữa các vùng, miền, vừa gia tăng động lực tăng trưởng, vừa bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp chênh lệch vùng miền và khoảng cách giàu nghèo. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra; khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh. Phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công; giảm tỷ trọng vốn đầu tư công trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội. Kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, kéo dài, lãng phí; phấn đấu tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân giai đoạn 2021-2025 trên 90%.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng thông tin về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Ninh 5 năm 2021-2025. Trong đó nêu rõ, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025. Một số chỉ tiêu quan trọng như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 10%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 10.000 USD. Hằng năm, giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI; tỷ lệ giảm nghèo duy trì mức giảm trung bình 0,8%/năm; tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 còn dưới 1%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%; giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định 55% và nâng cao chất lượng rừng.

Đảng bộ xã Đầm Hà dự hội nghị qua đường trực tuyến

Nhấn mạnh đến 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, phát triển dựa vào nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Phát triển KT-XH nhanh, bền vững, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Kiên trì thực hiện tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều và các mũi đột phá”. Tập trung thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển con người, xây dựng văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh, giữa đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị. Xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ, thực sự “của dân, do dân, vì dân”, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường củng cố quốc phòng – an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.

Cũng tại hội nghị, đồng chí Vũ Quyết Tiến, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nội vụ, quán triệt Quy định số 24-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của BCH Trung ương Đảng về thi hành Điều lệ Đảng. Đồng chí Nguyễn Đức Thành, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, quán triệt Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của BCH Trung ương Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, quán triệt Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW; Quyết định số 23-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của BCH Trung ương Đảng về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu sau hội nghị này, các Đảng bộ trực thuộc phải tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc các Kết luận, Quy định, Quyết định của Trung ương tới cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Trong đó, chỉ đạo và tổ chức tuyên truyền phù hợp với các nội dung văn bản của Trung ương, của tỉnh và lựa chọn các nhiệm vụ trọng tâm sát với thực tiễn của địa phương, đơn vị mình để xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai hiệu quả. Đồng thời phải báo cáo kết quả học tập, quán triệt về Tỉnh ủy trước ngày 30/9/2021.

Tin: Báo Quảng Ninh. Ảnh: Quốc Nghị – Trung tâm TT&VH Đầm Hà