Chủ đề công tác năm 2020: "Huyện Đầm Hà tự hào tiến bước dưới cờ Đảng" - Chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020)

Hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2017 – 2020

Trong thời gian qua, các cấp Hội Nông dân huyện Đầm Hà phát động và đẩy mạnh sâu rộng phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2017 – 2020 với nhiều nội dung phong phú và thiết thực. Phong trào đã thu hút được đông đảo cán bộ, hội viên nông dân tham gia, cổ vũ động viên nông dân phát huy ý chí, tự lực, tự cường trong lao động sản xuất, khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Để phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trở thành phong trào sôi nổi, có hiệu quả, bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy, Hội Nông dân huyện Đầm Hà đã phối hợp với các ngành, đoàn thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn huyện tham gia hưởng ứng. Nhằm khuyến khích nông dân phát triển kinh tế, huyện Đầm Hà đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng sản xuất tập trung, có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Cùng với đó Hội Nông dân từ huyện tới cơ sở  đã phối hợp với các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho bà con nông dân được vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh. Trong 3 năm (2017 – 2020) đã có hàng ngàn hội viên nông dân được vay vốn ưu đãi, tổng dư nợ ủy thác hiện nay qua Ngân hàng chính sách xã hội của Hội Nông dân là trên 61 tỷ  đồng, nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân các cấp là 2.882 triệu đồng, qua Ngân hàng nông nghiệp phát triển nông thôn là trên 56 tỷ đồng. Không chỉ giúp đỡ nông dân về vốn, Hội Nông dân huyện đã chủ động phối hợp với các cơ quan đơn vị tổ chức được 352 buổi tuyên truyền, tập huấn cho trên 10.582 lượt cán bộ, hội viên nông dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chuyển giao KHKT về trồng trọt và chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tuyên truyền về những mô hình mới, cách làm hay cho nông dân. Được tạo điều kiện về giống, vốn, khoa học kỹ thuật bà con nông dân huyện Đầm Hà đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất. Đến nay hầu hết nông dân trong huyện đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ, đưa các giống cây, con mới vào nuôi trồng, năng suất, sản lượng các cây trồng vật nuôi tăng, chăn nuôi phát triển theo quy mô trang trại, gia trại, từng bước hình thành những vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất như: vùng trồng quế 2.600 ha, vùng nuôi trồng thủy sản trên 700 ha, vùng trồng củ cải trên 100 ha.

Anh Phạm Viết Cao xã Quảng Tân làm giàu từ chăn nuôi thỏ

Đã có sự liên kết giữa người dân và doanh nghiệp trong việc phát triển sản xuất nông lâm ngư nghiệp như HTX Tuyền Hiền liên kết với nông dân duy trì phát triển chăn nuôi gà bản, người dân đã phối hợp với doanh nghiệp trồng vùng nguyên liệu phục vụ chăn nuôi gia súc. Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, không chỉ vươn khơi bám biển,  nông dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn cải tạo ao đầm, phát triển nuôi tôm công nghiệp, nuôi cá lồng bè, nuôi các loại nhuyễn thể cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt trên địa bàn huyện đã hình thành các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như: khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản tại huyện được thành lập và đi vào hoạt động, tạo bước đột phá về sản xuất giống thủy sản của tỉnh, sản xuất và cung cấp ra thị trường gần 1 tỷ con tôm giống khỏe mạnh sạch bệnh mỗi năm; khu trồng dưa lưới trong nhà màng của Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà, cung cấp sản phẩm nông nghiệp sạch và giải quyết việc làm cho bà con nông dân ngay tại địa phương.

Trồng dưa lưới trong nhà màng của Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà

Không chỉ đẩy mạnh phát triển kinh tế, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện còn phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn, hỗ trợ hội viên nông dân thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ, giúp nông dân liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Năm 2017 huyện có 78 trang trại, 28 HTX, 8 tổ hợp tác được Hội Nông dân hướng dẫn thành lập. Đến năm 2019 có 39 HTX, 12 tổ hợp tác, 119 trang trại. Trong phát triển sản phẩm OCOP, các cấp Hội đã vận động hội viên nông dân tham gia vào các tổ nhóm, nuôi trồng và sản xuất sản phẩm theo quy hoạch của địa phương, đăng ký xây dựng thương hiệu sản phẩm, trên địa bàn huyện đã có 30 sản phẩm tham gia chu trình OCOP của tỉnh như: củ cải Đầm Hà, trứng vịt biển Tân Bình, ngan sao Đại Bình, gạo bao thai Dực Yên, gà bản Đầm Hà, dưa lưới Quảng Tân, rượu khoai, rượu sim quý chuẩn, chân giò nướng Ba Miền…

Có thể nói 3 năm qua phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã giúp nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện có điều kiện học tập, trao đổi kinh nghiệm trong cách làm ăn để vươn lên thoát nghèo và làm giàu, qua phong trào đã  tạo việc làm tại chỗ cho hàng ngàn lao động, các cấp hội đã vận động cán bộ, hội viên, hộ sản xuất kinh doanh giỏi giúp đỡ 800 lượt hộ nghèo, hộ khó khăn về vốn  với số tiền cho nhau vay không lấy lãi trên 2,5 tỷ đồng, phối hợp giúp đỡ 125 hộ thoát nghèo , góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 0,32 %.

Mô hình trồng măng tây của gia đình anh Trương Thế Đô xã Đại Bình

Từ phong trào nông dân thi đua  SXKD giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, đã xuất hiện những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế  tiêu biểu như gia đình hội viên Đinh Văn Thắng ở Phố Hà Quang Vóc, thị trấn Đầm Hà với mô hình nuôi ngan, gà, ấp trứng thu nhập 300 – 500 triệu đồng/năm. Gia đình Hội viên Trương Thế Đô xã Đại Bình với mô hình trồng măng tây kết hợp trồng dưa lưới trong nhà màng, nuôi ngan sao Đại Bình  cho thu nhập 200 – 300 triệu đồng/ năm. Hội viên Nguyễn Văn Tuyền với mô hình liên kết phát triển chăn nuôi gà bản giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng trăm lao động của địa phương. Hội viên Nguyễn Minh Thủy xã Quảng Tân với mô hình trồng cây ăn quả như ổi, cam, bưởi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Người dân liên kết với HTX Tuyền Hiền phát triển chăn nuôi gà bản cho hiệu quả kinh tế cao

Trong 3 năm qua phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi trên địa bàn huyện Đầm Hà đã phát triển mạnh mẽ cả bề rộng lẫn chiều sâu, từng bước chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao.  Số hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã tăng dần theo từng năm. Năm 2020 toàn huyện có 2.996 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó cấp cơ sở 1.829 hộ, cấp huyện đạt 905 hộ, cấp tỉnh 262 hộ. Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh giỏi không chỉ phát triển mạnh mẽ về quy mô, số lượng mà còn tăng nhanh về hiệu quả kinh tế, những năm trước thu nhập của các hộ kinh doanh giỏi chỉ đạt vài chục triệu đồng/hộ/năm, nhưng đến nay nhiều hộ sản xuất kinh doanh giỏi đạt mức thu nhập cao, số hộ có thu nhập 500 triệu đồng/năm tăng so với năm 2017. Phong trào đã đóng góp quan trọng vào chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, cán bộ, hội viên nông dân đã hiến 26,5. 000 m2 đất, trực tiếp đóng góp trên 1,3 tỷ đồng và 800 ngày công lao động . Từ phong trào đã khuyến khích, động viên nông dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu. Phong trào đã góp phần xây dựng củng cố tổ chức Hội vững mạnh, tỷ lệ thu hút tập hợp hội viên đạt 80,6%.

Không chỉ giảm nghèo, làm giàu và nâng cao đời sống cho người nông dân,  phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi góp phần tạo nên những thành tựu quan trọng trong phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, xây dựng nông thôn mới, là động lực để người nông dân phát huy năng lực và sự sáng tạo để vươn lên làm giàu chính đáng trên chính quê hương mình.

                                       Mai Thắm – Quốc Nghị (Trung tâm TT&VH)