Thời gian qua huyện Đầm Hà đã triển khai đồng bộ các giải pháp khuyến khích người dân và các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm OCOP của địa phương, đồng thời tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm, tạo mối liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông sản của huyện.
Là một huyện miền núi, ven biển do điều kiện về tự nhiên, vị trí địa lý và nền văn hóa hình thành từ lâu đời nên Đầm Hà có nhiều sản phẩm đặc trưng cho vùng đất và con người nơi đây. Trước đây do bà con nông dân trên địa bàn huyện sản xuất nông, lâm, thủy sản theo hướng nhỏ lẻ, manh mún chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh của huyện. Thực hiện chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” huyện Đầm Hà đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, huy động được người dân và các doanh nghiệp tham gia phát triển các sản phẩm nông sản của địa phương. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hỗ trợ tổ chức, cá nhân xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, hỗ trợ máy móc thiết bị, hoàn thiện các quy trình nhằm nhằm đảm bảo vệ sinh ATTP. Sự liên kết trong sản xuất giữa các hợp tác xã với bà con nông dân cũng nhịp nhàng hơn. Từ việc phát triển ổn định sản phẩm, một số hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư phương tiện máy móc trong sản xuất. Việc phát triển sản phẩm kéo theo giá cả một số nguyên liệu sản phẩm tăng tạo được việc làm tăng thu nhập cho nhiều lao động của địa phương. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn như vùng trồng quế 2.600 ha, vùng nuôi trồng thủy sản trên 700 ha, vùng trồng củ cải trên 100 ha. Trước đây các sản phẩm chủ yếu cung cấp thị trường trong huyện đến nay đã có thị trường tiêu thụ trong các thành phố, thị xã như Hạ Long, Đông Triều, Móng Cái và các tỉnh thành lân cận như Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội, một số sản phẩm không đủ cung cấp ra thị trường. Sản lượng tiêu thụ các sản phẩm nổi tiếng của Đầm Hà như củ cải, ngan sao Đại Bình, gạo bao thai Dực Yên, trứng vịt biển Tân Bình, cá song của Hợp tác xã Đưc Thịnh đều tăng .
Sản phẩm OCOP ngan sao Đại Bình
Cùng với đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến thương mại đã được triển khai thực hiện hiệu quả. Ngoài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông, huyện đã tổ chức hội thi đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP huyện, xây dựng kênh thông tin quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội facebook với tên “OCOP Đầm Hà”. Tích cực đưa các sản phẩm bày bán tại Trung tâm OCOP của huyện, và tham gia các lễ hội, hội chợ của tỉnh. Qua đó sản phẩm đã được người tiêu dùng biết đến đón nhận, tiêu thụ số lượng lớn các sản phẩm. Huyện đã có 28 sản phẩm OCOP có nhãn mác, bao bì, trong đó có 11 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy đăng ký nhãn hiệu
Việc phát triển các sản phẩm OCOP gắn với xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm của địa phương sẽ thúc đẩy sự liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo ra được vùng sản xuất tập trung, chuyên canh theo hướng hàng hóa từng bước xây dựng huyện Đầm Hà trở thành vùng trọng điểm trong sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh Quảng Ninh, góp phần phát triển kinh tế địa phương bền vững.
Mai Thắm (Trung tâm TT&VH)