Chủ đề công tác năm 2020: "Huyện Đầm Hà tự hào tiến bước dưới cờ Đảng" - Chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020)

CÓ MỘT NGÀY ĐÁNG NHỚ ! XỨNG DANH NHỮNG “ANH HÙNG ÁO TRẮNG”

Y đức là phẩm chất tốt đẹp của người làm công tác y tế; những người thầy thuốc ( mà từ thời kì xa xưa chúng ta thường xưng hô và gọi là Đại Phu), được biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, tận tuỵ phục vụ, hết lòng thương yêu chǎm sóc người bệnh, coi họ đau đớn như mình đau đớn, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Lương y phải như từ mẫu”.

Cách đây 65 năm vào ngày 27/2/1955, Hội nghị cán bộ y tế được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Hội nghị , trong nội dung bức thư, Bác căn dặn cán bộ,viên chức, người lao động toàn nghành y tế ba điều:

(1). Trước hết là phải thật thà đoàn kết – Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích. Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sỹ, dược sỹ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân.

(2). Thương yêu người bệnh – Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khoẻ cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy , cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng.

(3). Xây dựng một nền y học của ta – Trong những năm nước ta bị nô lệ thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay chúng ta đã Độc lập – Tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta. Y học cần phải dựa trên nguyên tắc: khoa học dân tộc và đại chúng. Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quí báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cưú và phối hợp thuốc “Đông” và thuốc “Tây”.

Bức thư với những nội dung vô cùng ý nghĩa, sâu sắc, khoa học và mang tính định hướng chiến lược đã trở thành tài sản vô giá của ngành y tế Việt Nam. Cũng bởi lý do đó, từ năm 1955, ngày 27 tháng 2 được chọn là “ Ngày thầy thuốc Việt Nam”. Sau này đến ngày 6 tháng 2 năm 1985, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành quyết định lấy ngày 27/2 hàng năm là “Ngày thầy thuốc Việt Nam”, nhằm tôn vinh những người trong ngành y, đồng thời cũng là ngày để nhắc nhở việc nêu cao tinh thần  trách nhiệm  tài trí và sứ mệnh lịch sử của người cán bộ y tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ năm đó trở đi ngày 27 tháng 2 được xem là ngày tôn vinh các y, bác sĩ và những người đang làm việc trong ngành y tế tại Việt Nam và được gọi là “Ngày Thầy thuốc Việt Nam”.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, có biết bao thế hệ cán bộ và nhân viên ngành y tế có mặt trên khắp các mặt trận, nẻo đường để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bộ đội và nhân dân. Không ít người để lại một phần cơ thể mình nơi chiến trường, mang trong mình những thương tích, căn bệnh quái ác do chất độc hóa học của chiến tranh, thậm chí nhiều người mãi mãi nằm lại nơi chiến trường mà không  bao giờ trở lại, như Liệt sỹ – Bác sỹ Đặng Thùy Trâm. Càng cao quý và gá trị hơn khi có rất nhiều Bác sỹ (thầy thuốc) đã rời bỏ cuộc sống phồn hoa nơi xứ người, về nước tham gia cách mạng theo lời kêu gọi của Bác Hồ; những người nêu gương sáng về chuyên môn lẫn đức hạnh, như giáo sư Phạm Ngọc Thạch, Hồ Đắc Di, Đặng Văn Ngữ, Trần hữu Tước, Tôn Thất Tùng, Tôn Thất Bách, Vũ Đình Tụng, Đặng Văn Chung, Đỗ Đức Vân, Đặng Thùy Trâm… và còn biết bao nhiêu thầy thuốc, lương y, y sỹ, y tá, hộ lý khác- những “Anh hùng áo trắng” đã nêu gương sáng cho đời.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các y, bác sĩ tại Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bạch Mai.(Ảnh:Thống Nhất)

Nhiều thế hệ thầy thuốc Việt Nam đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh cả tính mạng của mình cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân ( cả trong thời chiến cũng như thời bình); Vì sức khỏe và tính mạng của nhân dân, người thầy thuốc từng giờ, tường phút, từng giây chiến đấu giành giật với tử thần sinh mạng con người… Mặc dù, ở đâu đó vẫn còn có tiếng than phiền về tinh thần, thái độ phục vụ của một bộ phận nhỏ các y bác sỹ  (thầy thuốc) họ đã không giữ được mình trước những tác động của cơ chế thị trường, đã quên đi 12 lời thề  y đức của ngành và lời dạy của Bác Hồ kính yêu. Đó chỉ là con số rất nhỏ so với hàng trăm ngàn cán bộ y tế đang ngày đêm thầm lặn làm việc, không một yêu cầu, đòi hỏi, không một tiếng than thở ..,bởi họ hiểu và tự nguyện theo nghiệp làm nghề y – cứu người là lẽ sống của họ. Đó chính là những tám gương sáng về những “Anh hùng áo trắng”.

Nghề y, những người thầy thuốc ( mà xa xưa chúng ta thường xưng hô và gọi là Đại Phu) được coi là nghề cao quý trong những nghề cao quý , điều đó được biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, tận tuỵ phục vụ, hết lòng thương yêu chǎm sóc người bệnh, coi họ đau đớn như mình đau đớn, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Lương y phải như từ mẫu”. Hơn nữa tâm đức của nghề phải thể hiện qua những tiêu chuẩn, nguyên tắc đạo đức được xã hội thừa nhận. Tức là người làm nghề y phải “ Giỏi về chuyên môn và phải có tâm” Đúng như quy định 12 điều y đức của ngành,cụ thể như sau:

1. Chăm sóc sức khoẻ cho mọi người là nghề cao quý. Khi đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ y tế phải nghiêm túc thực hiện lời dạy của Bác Hồ. Phải có lương tâm và trách nhiệm cao, hết lòng yêu nghề, luôn rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức của thầy thuốc. Không ngừng học tập và tích cực nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn. Sẵn sàng vượt qua mọi khó khǎn gian khổ vì sự nghiệp chǎm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

2. Tôn trọng pháp luật và thực hiện nghiêm túc các quy chế chuyên môn. Không được sử dụng người bệnh làm thực nghiệm cho những phương pháp chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu khoa học khi chưa được phép của Bộ Y tế và sự chấp nhận của người bệnh.

3. Tôn trọng quyền được khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân. Tôn trọng những bí mật riêng tư của người bệnh; khi thǎm khám, chǎm sóc cần bảo đảm kín đáo và lịch sự. Quan tâm đến những người bệnh trong diện chính sách ưu đãi xã hội. Không được phân biệt đối xử với người bệnh. Không được có thái độ ban ơn, lạm dụng nghề nghiệp và gây phiền hà cho người bệnh. Phải trung thực khi thanh toán các chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

4. Khi tiếp xúc với người bệnh và gia đình họ, luôn có thái độ niềm nở, tận tình; trang phục phải chỉnh tề, sạch sẽ để tạo niềm tin cho người bệnh. Phải giải thích tình hình bệnh tật cho người bệnh và gia đình họ hiểu để cùng hợp tác điều trị; phổ biến cho họ về chế độ, chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của người bệnh; động viên an ủi, khuyến khích người bệnh điều trị, tập luyện để chóng hồi phục. Trong trường hợp bệnh nặng hoặc tiên lượng xấu cũng phải hết lòng cứu chữa và chǎm sóc đến cùng, đồng thời thông báo cho gia đình người bệnh biết.

5. Khi cấp cứu phải khẩn trương chẩn đoán, xử trí kịp thời không được đùn đẩy người bệnh.

6. Kê đơn phải phù hợp với chẩn đoán và bảo đảm sử dụng thuốc hợp lý an toàn; không vì lợi ích cá nhân mà giao cho người bệnh thuốc kém phẩm chất, thuốc không đúng với yêu cầu và mức độ bệnh.

7. Không được rời bỏ vị trí trong khi làm nhiệm vụ, theo dõi và xử trí kịp thời các diễn biến của người bệnh.

8. Khi người bệnh ra viện phải dặn dò chu đáo, hướng dẫn họ tiếp tục điều trị, tự chǎm sóc và giữ gìn sức khỏe.

9. Khi người bệnh tử vong, phải thông cảm sâu sắc, chia buồn và hướng dẫn, giúp đỡ gia đình họ làm các thủ tục cần thiết.

10. Thật thà, đoàn kết tôn trọng đồng nghiệp, kính trọng các bậc thầy, sẵn sàng truyền thụ kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau.

11. Khi bản thân có thiếu sót, phải tự giác nhận trách nhiệm về mình không đổ lỗi cho đồng nghiệp, cho tuyến trước

12. Hăng hái tham gia công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, cứu chữa người bị nạn, ốm đau tại cộng đồng; gương mẫu thực hiện nếp sống vệ sinh, giữ gìn môi trường trong sạch.

Thực hiện làm theo lời Bác, suốt chặng đường phấn đấu trưởng thành cùng đất nước, 65 năm qua, trong công cuộc đổi mới, xây dựng , phát triển và bảo vệ Tổ quốc, cán bộ và nhân viên ngành Y tế không ngừng tiếp tục học tập, nghiên cứu khoa học, cứu chữa người bệnh và thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, góp phần vào giữ vững ổn định an sinh xã hội và  sự phát triển kinh tế, xã hội của Đất nước. Thực tế cho thấy ngành y tế Việt Nam hôm nay đã có bước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, đã khắc ghi những đấu ấn vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Nổi bật là hai nội dung chính là: Nâng cao đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ y tế “lương y phải như từ mẫu” và  xây dựng nền y học của Việt Nam trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng.  Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của đạo đức nghề nghiệp; thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ chí Minh “Lương y phải như từ mẫu”, Mỗi cán bộ y tế luôn là những tấm gương sáng về nỗ lực phấn đấu rèn luyện vươn lên về chuyên môn, đạo đức, nghề nghiệp, để không chỉ giúp người dân gìn giữ sức khỏe, vượt qua bệnh tật mà còn không ngại khó khăn, gian khổ, dám hy sinh cả tính mạng của mình cho sự nghiệp cứu người, qua đó để lại những tình cảm, những kỷ niệm không quên về tình người. Thực tế, cùng với sự phát triển, đổi mới của đất nước. Nhiều bác sỹ của Việt Nam được bạn bè, đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao nhờ nghiên cứu, áp dụng và thực hiện những kỹ thuật khó trong y học, điều trị thành công nhiều những căn bệnh hiểm nghèo, cụ thể như:

Năm 2003, chỉ  sau  45 ngày có dịch SART, dưới sự lãnh chỉ đạo của Đảng, chính phủ, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành ngành y tế đã trực tiếp chủ động tham mưu,tích cực tham gia với tinh thần nhiệm cao của người thầy thuốc, vì sức khỏe cộng đồng ..Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên được tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận khống chế thành công dịch SART và nhiều dịch bệnh nguy hiểm, không để bùng phát thành dịch lớn như: cúm A/H5N1, H1N1…; Từ tháng 01/2020 đến nay trước tình hình dịch bệnh  viêm đường hô hấp cấp do vi rút chủng mới Covid 19 gây ra, lại một lần nữa những người thầy thuốc trong ngành y tế Việt Nam khẳng định với bạn bè quốc tế: Việt Nam là quốc gia đầu tiên chữa khỏi cho 100% bệnh nhân nhiễm covid 19..Hơn nữa không phải đất nước nào, cũng có những Y Bác sỹ ( thầy thuốc), những “Anh hùng áo trắng” ,( kể cả những quốc gia giàu có trên thế giới) Họ luôn sẵn sàng bay vào vùng tâm dịch Vũ Hán để đón những công dân của nước mình trở về và chăm sóc sức khỏe cho họ mà không thu bất kỳ một khoản kinh phí nào. Có lễ đây chính là điểm sáng của Việt Nam nói chung, ngành y tế Việt Nam nói riêng, để bạn bè quốc tế tham khảo và cộng đồng quốc tế ghi nhận , đánh giá cao Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về y tế .

Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà làm chủ được nhiều kỹ thuật mới

Tuy nhiên, những kết quả của ngành y tế đạt được là to lớn, rất đáng tự hào. Năm 2020 nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2020 ), trước tình hình khó khăn chung của thế giới và đất nước, đặc biệt trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút chủng mới Covid 19 gây ra,  đang có chiều hướng lây lan mạnh, nhất là trong bối cảnh Việt Nam chúng ta có chung đường biên giới với Trung Quốc, nằm ngay sát vùng tâm dịch, trước những áp lực và khó khăn đó, ngành y tế đã và đang tiếp tục ngày đêm nỗ lực, tham mưu, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết , sẵn sàng để làm tốt công tác phòng chống dịch Covid 19;  nối tiếp và phát huy truyền thống  cao đẹp của các thế hệ thầy thuốc, ngành y tế tiếp tục củng cố mạng lưới y tế các tuyến, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa đẩy nhanh thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân và hoàn thiện cơ chế chính sách tài chính huy động mạnh mẽ nguồn lực từ các thành phần kinh tế-xã hội tham gia phát triển y tế, không ngừng đẩy mạnh công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, đảm bảo cho mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới.

Ảnh minh họa

Thể hiện sự tri ân có ý nghĩa nhất đối với các thầy thuốc, những người đang và sẽ hết lòng vì người bệnh nhằm nâng cao sức khỏe nhân dân. Hằng năm cứ đến ngày 27/2 là mọi người dân Việt nam lại có dịp được thể hiện lòng kính trọng và sự biết ơn của mình đến các y – bác sĩ, những người một lòng tận tâm cống hiến không quản hi sinh vì sức khỏe của những bệnh nhân. Họ xứng đáng với sự quan tâm và chia sẻ của cộng đồng, xã hội; Họ thật xứng đáng được mang danh những “Anh hùng áo trắng”. Chúng ta mong rằng ngày nào cũng là một ngày đáng nhớ và đầy ý nghĩa với các thầy thuốc, như ngày 27/02! Mong rằng các thầy thuốc luôn là biểu tượng của sự tin cậy, niềm hy vọng và sức khỏe! .

Đại Nghĩa – Trung tâm TT&VH Đầm Hà