Chủ đề công tác năm 2020: "Huyện Đầm Hà tự hào tiến bước dưới cờ Đảng" - Chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020)

Đầm Hà tiềm năng phát triển

Đầm Hà là một huyện miền núi ven biển nằm ở phía Đông của tỉnh Quảng Ninh, phía Tây Bắc giáp huyện Bình Liêu, phía Đông Bắc giáp huyện Hải Hả, phía Tây Nam giáp huyện Tiên Yên và phía Đông Nam giáp với biển. Huyện Đầm Hà có diện tích tự nhiên 414,368 km2, gồm 9 xã và 1 thị trấn, dân số trên 41.315 người. Đầm Hà được thiên nhiên ưu đãi với đất đai, khí hậu ôn hòa, hình thành 3 vùng sinh thái rõ rệt đồi núi, trung du và vùng ven biển. Là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nông, lâm, thủy sản và du lịch cùng với cơ chế rộng mở của địa phương, Đầm Hà luôn sẵn sàng và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cá nhân tham gia đầu tư vào địa bàn.

Với mục tiêu xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, huyện Đầm Hà đã triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp huyện. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, đưa 100% thủ tục hành chính vào thực hiện tại Trung tâm hành chính công của huyện, rà soát loại bỏ thủ tục hành chính rườm rà. Các thủ tục được tiếp nhận và giải quyết tại trung tâm được thực hiện đúng quy trình, giảm thời gian, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Môi trường đầu tư kinh doanh của huyện tiếp tục được cải thiện, Đầm Hà xuyên tổ chức hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp, chủ động kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, HTX có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương của huyện được nâng lên đứng ở vị trí số 7/14 huyện, thị. Chỉ số cải cách hành chính đứng thứ 7; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đứng thứ 4 trong toàn tỉnh.

Đầm Hà cũng tích cực triển khai xây dựng các quy hoạch đồng thời tập trung nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, đến nay huyện có hệ thống giao thông phát triển, từ đô thị đến nông thôn, có đường quốc lộ 18 A chạy qua trung tâm huyện, đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đã được khởi công hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội giao thương, phát triển lớn. Huyện cũng đã tích cực phối hợp triển khai công tác GPMB, tạo quỹ đất sạch để các dự án sớm được triển khai. Tích cực đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, cung cấp lao động có trình độ cho các doanh nghiệp.

Thác Bạch Vân thu hút hàng ngàn du khách đến tham quan trải nghiệm

Đầm Hà sở hữu khá nhiều cảnh đẹp tự nhiên, cách Trung tâm xã Quảng An hơn 10 km, Thác Bạch Vân nằm ẩn mình giữa núi rừng thôn Tầm Làng, thác có 5 tầng nước mát lạnh quanh năm. Thác Bạch Vân mang vẻ đẹp hoang sơ, khí hậu trong lành, hệ thống rừng nguyên sinh với thảm thực vật phong phú. Đến với thác Bạch Vân du khách không chỉ được trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, núi non hùng vĩ mà còn được thưởng thức ẩm thực, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Dao ở thôn Tầm Làng. Hiện nay Công ty TNHH Hồng Ánh Ngọc đang đầu tư phát triển khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên kết hợp với sản xuất nông nghiệp. Mặc dù đang trong quá trình đầu tư các dự án nhưng hiện nay Thác Bạch Vân đã thu hút hàng ngàn du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Rừng cò núi Hứa xã Đại Bình (Ảnh Hùng Sơn – Báo Quảng Ninh)

Dời thác Bạch Vân du khách có thể đến với rừng cò núi hứa xã Đại Bình. Đây là di tích khảo cổ, nơi phát hiện nhiều công cụ đá của người Việt cổ cách đây khoảng 6.000 năm. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, núi có hang hố Đen là căn cứ địa cách mạng, núi Hứa là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu điên của huyện Đầm Hà. Không chỉ có giá trị về lịch sử, văn hoá, núi Hứa lại độc đáo hơn ở chỗ nơi đây có rừng cò với hàng ngàn con cò sinh sống, tạo ra một cảnh quan hết sức sinh động. Trên núi còn có các loài cây rừng nguyên sinh như tre, trám, dẻ, táu, các loại cây thuốc quý như ba kích, chân chim, linh chi. Năm 2018 huyện Đầm Hà đã xây dựng nhà trưng bày và cột cờ tại khu di tích núi Hứa, nơi đây đang là điểm du lịch lý thú, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ Đầm Hà.

Đầm Hà còn có Đảo Đá Dựng, một hòn đảo hoang sơ với bãi cái dài trắng mịn, chưa bị tác động bời bàn tay con người. Đảo có diện tích không lớn, khoảng 63,3ha, nhưng trên diện tích này lại hội tụ cả đảo đá, đảo đất lẫn rừng nguyên sinh. Trên đảo có nhiều núi đá vôi, vách đá dựng đứng giống như những bức tường thành, đảo Đá Dựng còn có vị trí tương đối thuận lợi, liền kề những nơi giàu tiềm năng phát triển du lịch, phía đông giáp đảo Cái Chiên huyện Hải Hà, phía nam giáp vùng biển Vân Đồn. Hòn đảo này đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư lớn để phát triển du lịch sinh thái.

Đầm Hà có diện tích đất tự nhiên rộng trong đó trên 80% diện tích là đồi núi, vùng phía nam huyện là một cánh đồng trung du và là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp. Xác định ưu thế đó huyện tập trung vận động nhân dân xây dựng các mô hình kinh tế,  chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, triển khai nhiều mô hình sản xuất lớn, hiệu quả; từ đó từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng chuyên canh chất lượng cao. Nhiều mô hình như:  nuôi ngan sao, gà bản, mô hình trang trại tổng hợp v.v. mang lại hiệu quả kinh tế cao. Công ty cổ phần Thương Mại và Xây dựng Đầm Hà một doanh nghiệp đã thành công trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Năm 2017 công ty đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, lắp đặt nhà màng với diện tích 6.000m2 tại thôn Tân Thanh xã Quảng Tân, triển khai trồng dưa chuột, dưa lưới theo công nghệ Israel. Được trồng theo quy trình viet gap, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm từ sản xuất tới tiêu dùng, sản phẩm của công ty được thị trường đánh giá cao, không chỉ cung cấp sản phẩm nông nghiệp sạch mà con góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Công ty Cổ phần thương mại xây dựng Đầm Hà phát triển mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao tại thôn Tân Thanh xã Quảng Tân

Lĩnh vực lâm nghiệp, Đầm Hà có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế đồi rừng, trong đó quế là cây trồng truyền thống của đồng bào các xã vùng cao, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn quế vỏ khô, là nguồn dược liệu quý có giá trị để xuất khẩu. Ngoài cây quế bà con còn trồng keo, bạch đàn và cây lấy gỗ. Năm 2013 Công ty TNHH Thanh Lâm đã xây dựng nhà máy chế biến gỗ rừng trồng với tổng mức đầu tư 180 tỷ đồng sản xuất 2 sản phẩm là gỗ ghép thanh và viên nén gỗ, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động của địa phương. Mở ra cơ hội phát triển cho ngành lâm nghiệp của địa phương.

Lãnh đạo tỉnh thăm quan trại nuôi tôm giống của tập đoàn Việt Úc

Sở hữu chiều dài bờ biển hơn 21km, vùng cửa sông, bãi triều có diện tích trên 5.500ha, mặt biển hơn 12.000ha, khu vực biển Đầm Hà có nhiều hòn đảo, lớn nhỏ bao bọc khép kín gồm đảo Vạn Vược, đảo Núi Cuống… hình thành một vùng vịnh ven bờ ít sóng, đã tạo ra tiềm năng lớn về phát nuôi trồng thủy sản. Tập đoàn Việt Úc đã đầu tư và khởi công xây dựng khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao tại thôn Phúc Tiến xã Tân Lập. Dự án bao gồm các hạng mục: Khu sản xuất giống quy mô 8 tỷ giống/năm; khu nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh, mật độ 200-500 con/m2, năng suất khoảng 100-300 tấn/ha/năm, được nuôi theo công nghệ nhà màng; nhà máy chế biến để tăng giá trị con tôm; nhà máy sản xuất thức ăn nuôi tôm, sau thời gian nỗ lực triển khai thực hiện Tập đoàn Việt Úc đã khánh thành khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao, đi vào sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm, mở ra cơ hội phát triển mới cho ngành tôm Quảng Ninh theo hướng hiện đại.

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng có bước phát triển đáng kể. Năm 2018 giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng tăng đạt 490,46 tỷ đồng, tăng 58%CK, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ đạt 1.210 tỷ đồng tăng 21,1%CK. Hiện nay, toàn huyện có hàng trăm cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tập trung vào các lĩnh vực, sản xuất, chế biến gỗ, vật liệu xây dựng, khai thác quặng, chế biến nông, lâm sản. Bên cạnh đó Đầm Hà còn có tiềm năng rất lớn để phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, cây dược liệu.v.v.

Phát huy những tiềm năng, lợi thế và những giải pháp sáng tạo trong thu hút đầu tư, nhiều dự án lớn đầu tư vào địa bàn: Trung tâm sản xuất giống công nghệ cao và nuôi thực nghiệm giống hải sản tại xã Đại Bình của tập đoàn BIM, Dự án sản xuất giống cá biển tại xã Đầm Hà, Dự án trồng dưa lưới công nghệ cao trong nhà màng…; Một số dự án đang triển khai các bước đầu tư theo quy định: Dự án siêu thị bán lẻ tại thị trấn Đầm Hà, dự án khu du lịch sinh thái thác Bạch Vân tại xã Quảng An; dự án khu du lịch, xưởng sản xuất, chế biến, kinh doanh tiêu thụ củ cải tại thị trấn Đầm Hà; dự án Khu nghỉ mát du lịch sinh thái đảo Đá Dựng đang thực hiện lựa chọn nhà đầu tư; dự án chăn nuôi lợn công nghệ cao tại xã Dực Yên đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Huyện đang tiếp tục kêu gọi và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xây dựng các dự án cụ thể: Dự án phát triển du lịch biển đảo, đô thị sinh thái, nhà để ở, khách sạn, văn phòng, tổ hợp dịch vụ vui chơi giải trí, sân Golf, khu dịch vụ cao cấp phục vụ khách du lịch cao cấp đảo Núi Cuống, xã Đại Bình…

Với những định hướng mang tính đột phá, những bước đi phù hợp nhằm khai thác có hiệu quả các lợi thế về địa lý kinh tế, tài nguyên và con người, hi vọng Đầm Hà sẽ trở thành điểm đến đáng tin cậy đối với tất cả các nhà đầu tư trong thời gian tới.

                                   Mai Thắm(Trung tâm TT&VH Đầm Hà)

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời