Chủ đề công tác năm 2020: "Huyện Đầm Hà tự hào tiến bước dưới cờ Đảng" - Chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020)

Đầm Hà: Tăng cường các biện pháp phòng sâu bệnh hại lúa

Trong thời gian gần đây, do diễn biến thời tiết bất thường, làm xuất hiện nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại lúa. Để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu về năng suất, sản lượng lương thực theo đúng kế hoạch đã đề ra, huyện đã tập trung đẩy mạnh các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa vụ xuân.

Theo kế hoạch năm 2023, huyện Đầm Hà gieo trồng trên 1.200 ha lúa xuân, chủ yếu là các loại giống DT 100, DT 120, J02, Khang Dân 18, hương thơm số 1, Nhị ưu 838.v.v. Với sự chủ động tích cực của các ngành chức năng, các địa phương và nhân dân, hầu hết diện tích lúa trên địa bàn huyện đang sinh trưởng phát triển tốt. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, độ ẩm không khí cao là diều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh phát sinh, phát triển. Qua kiểm tra, khảo sát, diện tích lúa nhiễm bệnh đạo ôn lá trên địa bàn huyện  là 10.000m2; cục bộ khoảng 5.000m2, tập trung tại thôn Đông Thành, xã Quảng An. Trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 đang vũ hóa với mật độ phổ biến 0,5-1 con/m2; cao 3-5 con/m2; cục bộ 8-10 con/m2. Dự kiến sâu non nở và gây hại tập trung từ ngày 4/4 trở đi trên các trà lúa xuân đang giai đoạn đẻ nhánh – đứng cái – làm đòng.

Diện tích lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lá

Trước tình hình đó, trên cơ sở chỉ đạo của UBND huyện, phòng nông nghiệp & phát triển nông thôn, Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Đầm Hà đã phân công cán bộ chuyên môn thường xuyên bám sát ruộng đồng nắm bắt tình hình phát sinh phát triển của sâu bệnh hại lúa; phối hợp với UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân nhận biết và phòng trừ từng loại sâu bệnh, thực hiện các biện pháp chăm sóc cho lúa theo đúng quy trình, kĩ thuật; tăng cường kiểm tra, bám sát đồng ruộng kịp thời phát hiện sớm các diện tích tập trung bị nhiễm bệnh với mật độ cao để phòng, trừ nhằm đạt hiệu quả tốt nhất; thực hiện các biện pháp khống chế dịch, không để dịch lây lan rộng trên địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra các điểm bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không vứt vỏ thuốc ra môi trường xung quanh.

Người dân chủ động phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa

Để bảo vệ sản xuất lúa vụ xuân năm 2023, hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Trung Tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện khuyến cáo bà con nhân dân ngừng bón đạm và phân NPK giàu đạm, các thuốc kích thích sinh trưởng, phân bón qua lá trên những diện tích lúa đã xuất hiện bệnh đạo ôn. Tiến hành phun trừ ngay đối với những chân ruộng có tỷ lệ hại từ 5% số lá trở lên. Sử dụng thuốc Filia-525SE, Tilbis Super 550SE, Fuji one 40EC, Difusan 40EC;  pha thuốc và phun theo hướng dẫn trên bao bì; đối với những diện tích bị nặng, cần tiến hành phun kép 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 3 – 4 ngày, luôn giữ đủ nước trong ruộng từ 3 – 5cm. Khi thấy bệnh dừng gây hại thì tiếp tục chăm sóc, bón phân cho cây. Đối với sâu cuốn lá nhỏ tiến hành phun trừ trên các diện tích lúa giai đoạn đẻ nhánh có mật độ sâu non (tuổi 1-2) từ 50 con/m2 trở lên; giai đoạn đứng cái – làm đòng có mật độ sâu non (tuổi 1-2) từ 20 con/m2 trở lên. Sử dụng các loại thuốc Bemab 52WG, Angun 5WG, Peran 50EC, Reasgant 3.6EC. Những nơi có mật độ sâu cao phun kép 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 3 – 5 ngày; pha thuốc và phun theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì sản phẩm. Ngoài ra cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của các đối tượng: rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu độc thân 2 chấm, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, chuột hại.v.v. để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Thanh Nga (Trung tâm TT&VH huyện Đầm Hà)