Chủ đề công tác năm 2020: "Huyện Đầm Hà tự hào tiến bước dưới cờ Đảng" - Chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020)

Đầm Hà phát huy vai trò của người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trên địa bàn huyện Đầm Hà có 13 dân tộc anh em cùng sinh sống gồm: Kinh, Tày, Dao, Sán Chỉ, Hoa, Cao Lan, Mường, Nùng, Sán Dìu, Thái, Thổ, Khơ Mú, Tà Ôi, trong đó tỷ lệ đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 30,96%. Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triền vùng dân tộc thiểu số, bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, văn hóa, y tế giáo dục, huyện Đầm Hà luôn quan tâm coi trọng và phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó góp phần quan trọng ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh.

Những năm qua, đội ngũ người có uy tín trên địa bàn huyện đã tích cực tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số và Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước của địa phương. Bằng uy tín và sự ảnh hưởng của mình người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số đã vận động bà con phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tích cực lao động, sản xuất,  phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương. Trong năm đội ngũ người có uy tín đã gương mẫu đi đầu và tích cực vận động Nhân dân triển khai Đề án trồng rừng gỗ lớn (lim, dổi, lát); trồng cây dược liệu; trồng cây ăn quả; triển khai các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ. Qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế của huyện tăng trưởng khá, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, trên địa bàn huyện không cò hộ nghèo theo tiêu chí quốc gia.

 

Ông Síu Phổ Sáng người uy tín ở xã Quảng Lâm người mẫu đi đầu và tích cực vận động Nhân dân phát triển kinh tế đồi rừng

Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Việc ma chay, cưới hỏi không còn tổ chức dài ngày, các quy ước, hương ước của thôn bản được thực hiện tốt. Vận động bà con tích cực tham gia vệ sinh môi trường, xây dựng các khu dân cư sáng – xanh – sạch – đẹp, giữ gìn các phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của dân tộc. Hiện nay các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện được bảo tồn và phát huy như nghệ thuật diễn xướng Then của dân tộc Tày, hội Soóng cọ của người Sán Chỉ, Ngày hội Kiêng gió, lễ cầu mùa của người Dao, lễ Đại Phan của dân tộc Sán Dìu. Đặc biệt lễ hội Đình Đầm Hà được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó người có uy tín đã phát huy được vai trò trong việc tham gia đóng góp ý kiến đối với các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới đã tích cực tham gia và vận động nhân dân hiến đất, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu, đóng góp ngày công lao động để xây dựng các công trình hạ tầng nông, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay huyện có 8/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 6/8 xã đạt chuẩn tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao; 4/8 xã hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần đưa Đầm Hà trở thành huyện Nông thôn mới nâng cao đầu tiên trong cả nước.

Các nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số luôn được giữ gìn và phát huy

Đối với công tác an ninh trật tự, các già làng, trưởng bản, người có uy tín tích cực phối hợp với chính quyền, đoàn thể thực hiện tốt phong trào: “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” lấy phương trâm “Tự phòng, tự bảo vệ, tự quản, tự hòa giải” vận động bà con nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh phòng chống tội phạm, đồng thời tham gia hòa giải nhiều vụ mâu thuẫn gây mất trật tự ở các thôn bản. Năm 2023 trên địa bàn huyện có 100% thôn, bản, khu phố có tổ hòa giải với 367 hòa giải viên, trong đó có 92 hòa giải viên là người dân tộc thiểu số, 26 hòa giải viên là người có uy tín. Tổ hòa giải đã tham gia hòa giải 250 vụ việc, đã hòa giải thành công 187 vụ việc, đạt tỷ lệ 74,8%, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Với sự đóng góp tích cực của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số góp phần thực hiện có hiệu quả các các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo của địa phương, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện, dân trí được nâng lên; văn hóa được các dân tộc bảo tồn, phát huy, khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường, niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước được củng cố. Tình hình an ninh chính trị vùng dân tộc tiếp tục được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

                                           Mai Thắm (Trung tâm TT & VH)