Với phương châm “Cần gì học nấy”, những năm qua, các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) trên địa bàn huyện Đầm Hà đã và đang khẳng định vai trò của mình trong việc nâng cao hiểu biết cho người dân về các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Qua đó, tạo phong trào học tập sâu rộng trong nhân dân góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Một buổi học tại TTHTCĐ xã Quảng Tân
Được thành lập từ năm 2007 đến nay, huyện Đầm Hà có 10 TTHTCĐ ở 10 xã, thị trấn. Trong đó, 70% TTHTCĐ hiện đang hoạt động ổn định, hiệu quả góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Với những cách làm sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương cácTTHTCĐ của huyện Đầm Hà vẫn luôn phát huy vai trò là nơi đáp ứng nhu cầu học tập cho người dân địa phương. Ông Tô Xuân Lợi – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đầm Hà cho biết: “ Ngay từ khi được thành lập các TTHTCĐ của 10 xã, thị trấn đã chủ động xây dựng kế hoạch, quy chế hoạt động và tích cực phối hợp với các ban ngành liên quan để tổ chức các lớp tập huấn, dạy nghề ngắn hạn đáp ứng nhu cầu học tập của người dân trên địa bàn. Đồng thời, UBND huyện đã kiện toàn BCĐ xây dựng Trung tâm học tập cộng đồng các cấp, bổ nhiệm các đồng Phó Chủ tịch xã làm giám đốc của các TTHTCĐ ở địa phương. Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các trường trên địa bàn tăng cường mỗi xã 1 giáo viên biệt phái để hỗ trợ về công tác chuyên môn và xây dựng quy định chức năng nhiệm vụ cụ thể cho các giáo viên.
Mỗi năm, các TTHTCĐ đều được hỗ trợ kinh phí để duy trì hoạt động là 15 triệu đồng ở các xã vùng thấp và 48 triệu đồng ở các xã vùng cao. Ngoài ra , các TTHTCĐ còn huy động được số tiền xã hội hóa để mở thêm các lớp dạy nghề theo yêu cầu của người dân. Một điểm mới trong cách thức hoạt động của các TTHTCĐ ở Đầm Hà đó là thay vì mở các lớp rồi đi vận động người dân đi học như trước đây thì hiện nay, các TTHTCĐ trên địa bàn huyện đã chủ động khảo sát nhu cầu học tập của người dân từ đó phối hợp với các ban ngành liên quan tổ chức các lớp học có nội dung phù hợp với từng đối tượng. Hàng năm, các TTHTCĐ đã tích phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tổ chức dạy nghề cho hàng nghìn lượt lao động nông thôn, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, an ninh- quốc phòng, tuyên truyền phổ biến giáo dục, pháp luật… Chỉ tính riêng trong 5 năm trở lại đây, các TTHTCĐ của huyện Đầm Hà đã mở trên 1.500 lớp tập huấn, chuyên đề thu hút 104.917 lượt người tham gia. Trong đó, tập trung mở các lớp chuyên đề dạy nghề ngắn hạn như: Tuyên truyền về phát triển kinh tế, Kiến thức pháp luật, các lớp học về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, kỹ năng sống, xây dựng nông thôn mới, tập huấn về phát triển sản phẩm OCOP, kiến thức về Dân số- KHHHGĐ…
Huyện Đầm Hà tổ chức tổng kết đánh giá và bàn các giải pháp nâng cao hiệu quả ở các TTHTCĐ
TTHTCĐ xã Dực Yên là một trong những trung tâm được đánh giá có nhiều hoạt động tích cực và hiệu quả nhất trong số 10 TTHTCĐ. Toàn xã hiện có 734 hộ trong đó có đến 93% số hộ gia đình được công nhận là “gia đình hiếu học” và gần 70% cộng đồng được công nhận là “Cộng đồng học tập”. Đó là những kết quả ấn tượng của việc triển khai hiệu quả các hoạt động ở TTHTCĐ. Chia sẻ với chúng tôi đồng chí Phạm Văn Sỹ Giám đốc TTHTCĐ xã Dực Yên cho biết: “Trước khi mở các lớp học, chúng tôi đã tìm hiểu nguyện vọng của người dân, dựa vào đặc thù của từng khu vực để có thể trang bị những kiến thức “sát sườn”, phù hợp với tình hình sản xuất, làm ăn của bà con. Mỗi năm, chúng tôi thường mở 8-9 lớp chuyên đề, tập huấn cho gần 500 lao động nông thôn tập trung các lĩnh vực: chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiến thức pháp luật… Cùng với đó, TTHTCĐ xã chủ động kết nối với CLB nông trang Dực Yên nhằm tạo điều kiện cho học viên được học tập thực tế ngay trên các mô hình sản xuất của địa phương như: trồng cam, vải, chăn nuôi các trang trại, gia trại, bò, lợn, gà… Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, qua đó góp phần đưa xã Dực Yên về đích NTM trong năm 2017 vừa qua”.
Ứng dụng các kiến thức học tập vào phát triển kinh tế
Nhờ các lớp học tại TTHTCĐ của xã, đến nay huyện Đầm Hà đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như mô hình nuôi gà đồi của anh Trần Văn Mạnh ở thôn Hải An, xã Quảng An. Mạnh cho biết anh là một người có “máu chăn nuôi” thế nhưng do thiếu kinh nghiệm và kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi vì vậy anh thường gặp thất bại sau mỗi lần đầu tư. Sau khi tham gia lớp học tại TTHTCĐ của xã về tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, Mạnh đã được các chuyên gia nông nghiệp cung cấp các kiến thức và quy trình trong chăn nuôi. Năm 2016 Mạnh đã quyết tâm đầu tư nuôi giống gà Hồ ở Yên Thế, Bắc Giang. Áp dụng đúng các kiến thức đã được học thông qua các buổi tập huấn ở TTHTCĐ xã gà của anh đều phát triển tốt và bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế. Từ số lượng gà ban đầu chỉ vài trăm con đến nay mô hình gà anh Mạnh đã mở rộng nuôi khoảng 2000 con, cho thu nhập từ 70- 80 triệu mỗi năm. Chia sẻ với chúng tôi Mạnh cho biết “ Thực sự các lớp học tại TTHTCĐ đã đem lại rất nhiều kiến thức bổ ích và cần thiết đối với chúng tôi.Thông qua các buổi học, chúng tôi được tìm hiểu về cách áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời bà con nắm vững được đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nâng cao hiểu biết về các lĩnh vực văn hóa- xã hội”.
Có thể khẳng định, TTHTCÐ là nền tảng xây dựng xã hội học tập từ cơ sở và là nơi đáp ứng nhu cầu học tập thiết yếu cho người dân, đặc biệt cần thiết đối với một huyện miền núi còn nhiều khó khăn như Đầm Hà. Việc duy trì hoạt động đều đặn ở các TTHTCĐ không chỉ góp phần xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, THCS mà còn thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời tạo cơ hội giúp người dân biết cách xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hy vọng rằng với những kết quả ấn tượng đã đạt được trong thời gian qua sẽ là tiền đề quan trọng để huyện Đầm Hà tiếp tục có những hoạt động thiệt thực, hiệu quả hơn trong việc phát vai trò của các TTHTCĐ. Để các TTHTCĐ ở địa phương thực sự là “trường học của nhân dân” đáp ứng nhu cầu học tập của người dân trên địa bàn huyện.