Thực hiện Nghị quyết 01 của BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh đển năm 2020; Nghị quyết 07 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân tộc trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo về vững chắc quốc phòng an ninh tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong những năm qua, HĐND tỉnh khóa XIII (nhiệm kỳ 2016- 2021) đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích các vùng khó khăn của tỉnh phát triển; góp phần tích cực hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới; đưa các xã thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, góp phần thu hẹp hoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền trong tỉnh.
Đặc biệt trong nhiệm kỳ, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIII đã tập trung nghiên cứu, xây dựng, ban hành đồng bộ các nghị quyết để cụ thể hóa chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy và pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững, có sức lan tỏa rộng, tạo sự đột phá. Trong đó có các Nghị quyết liên quan đến chương trình xây dựng nông thôn mới, đưa các xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn và giảm nghèo bền vững như: Nghị quyết số 11/2016/NQ-HĐND ngày 27/7/2016 chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh đến năm 2017; Nghị quyết số 43/2016/NQ-HĐND ngày 07/12/2016 về một số cơ chế tài chính khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017 – 2020; Nghị quyết số 45/2016/NQ-HĐND ngày 07/12/2016 chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2017 – 2020; Nghị quyết số 50/2016/NQ-HĐND về việc bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017 – 2020; Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh … rất sát, đúng, kịp thời đáp ứng với nguyện vọng các cử tri và nhân dân trong tỉnh.
Các Nghị quyết về các chính sách xây dựng nông thôn mới, đưa các xã thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, các mục tiêu đề ra đã tạo chuyển biến căn bản về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản có tiềm năng, lợi thế, thị trường tiêu thụ. Cơ bản định hình được nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, công nghệ cao, xây dựng được một số thương hiệu mạnh của các sản phẩm lợi thế. Nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho cư dân nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực, giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn.
Các cơ chế, chính sách được ban hành đã nhanh chóng được vận dụng vào thực tế sản xuất. Theo đó, mỗi năm đã có hàng trăm tỷ đồng được hỗ trợ để xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất, tạo sức lan tỏa, động lực lớn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Các chính sách hỗ trợ trong phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM đã và đang góp phần để nông nghiệp của tỉnh chuyển biến theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Diện mạo nông thôn thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao. Toàn tỉnh đã bố trí 2.674 tỷ đồng thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn và huy động các nguồn lực với tổng kinh phí 1.544 tỷ đồng để cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, hệ thống điện, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt và công trình hạ tầng khác phù hợp quy hoạch nông thôn mới… tạo sự thay đổi, chuyển biến rõ rệt về diện mạo nông thôn, miền núi, biên giới, các địa bàn đặc biệt khó khăn.
Giai đoạn 2016 – 2020 toàn tỉnh đã đưa 17 xã, 54 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn sớm hơn 01 năm so với lộ trình mục tiêu đặt ra; có 89/98 xã (91%) đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao), vượt mục tiêu đặt ra; hết năm 2020 bình quân các xã đạt 19,5 tiêu chí và 52 chỉ tiêu, không còn xã dưới 15 tiêu chí; có 07/13 địa phương cấp huyện (vượt chỉ tiêu đề ra) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Các chính sách từ Nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành đã cải thiện và nâng cao một cách thực chất điều kiện sống của hộ nghèo, cận nghèo và người dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo ở địa bàn đặc biệt khó khăn, miền núi, biên giới của tỉnh. Các chương trình, đề án đã từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc trên địa bàn tỉnh; tạo được sự đồng thuận cao của cộng đồng, xã hội và người dân. Quảng Ninh hoàn thành mục tiêu Đề án 196 trước một năm với việc hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả 8 nhóm mục tiêu cụ thể về thu nhập, giảm nghèo, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển sản xuất và tăng điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân. 100% xã đặc biệt khó khăn có đường ô tô được cứng hoá đến trung tâm xã; đường giao thông đến các thôn đặc biệt khó khăn cơ bản đã được cứng hóa theo tiêu chí nông thôn mới; 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 100% số hộ dân ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn được sử dụng điện lưới quốc gia; gần 98% số hộ dân tại xã, thôn đặc biệt khó khăn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đề án 196 đã hỗ trợ cho hơn 9 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, với 283 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn.
Đối với huyện Đầm Hà nhờ có các cơ chế, chính sách giai đoạn 2016 – 2020 đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức của người dân đã được nâng lên rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã có những chuyển biến, hạ tầng nông thôn khang trang, nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ tiên tiến được triển khai, an ninh trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững. Toàn huyện có 8/8 xã (100%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 03/3 xã (100%) hoàn thành mục tiêu chương trình 135, đang hoàn thiện hồ sơ công nhận huyện đạt nông thôn mới; xây dựng 36/76 thôn đạt chuẩn nông thôn mới, 575 vườn đạt chuẩn nông thôn mới, trên 4.000 hộ gia đình đạt gia đình kiểu mẫu; giảm từ 1.445 hộ nghèo năm 2016 xuống còn 15 hộ năm 2020; có 06/9 xã, thị trấn không còn hộ nghèo; thu nhập bình quân của người dân đạt 56 triệu đồng/người/năm, trong đó thu nhập bình quân đầu người tại các xã đặc biệt khó khăn, các thôn, bản đặc biệt khó khăn đạt trên 36 triệu đồng/người/năm. Huyện Đầm Hà đã đạt được các mục tiêu của cả 2 chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới) đồng thời hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ của “Đề án đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu chương trình 135 giai đoạn 2017 – 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”.
Tổ Đại biểu HĐND tỉnh khóa XIII huyện Đầm Hà tại kỳ họp lần thứ XXIII HĐND tỉnh Quảng Ninh
Các Đại biểu HĐND tỉnh đã phát huy vai trò là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri và trước HĐND tỉnh về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình, là cầu nối để phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân tới các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, giúp cơ quan kịp thời nắm bắt những vấn đề, nổi cộm, bức xúc được đông đảo cử tri quan tâm để có giải pháp kịp thời nhằm thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Duy trì mối quan hệ phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện nơi đại biểu ứng cử trong công tác chuẩn bị kỳ họp của HĐND tỉnh và hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giám sát thực hiện các văn bản pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND tỉnh. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tích cực vận động và hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp và người dân biết, nắm rõ về các cơ chế hỗ trợ theo các Nghị quyết của HĐND tỉnh để tiếp cận, đón nhận và thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết.
Với những kết quả nổi bật, quan trọng, toàn diện của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIII và quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về định vị Quảng Ninh trong tương quan quốc gia, quốc tế theo tổ chức không gian phát triển “Một tâm – Hai tuyến – Đa chiều – Hai mũi đột phá”; xác định rõ phương châm, nguyên tắc phát triển dựa vào nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá các chính sách từ Nghị quyết của HĐND tỉnh sẽ là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Quảng Ninh trong những năm tới./.