Chủ đề công tác năm 2020: "Huyện Đầm Hà tự hào tiến bước dưới cờ Đảng" - Chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020)

Anh hùng liệt sỹ Lê Lương – Người chỉ huy quân sự tài ba, quả cảm

Tham gia các phong trào đấu tranh chống Pháp từ năm 10 tuổi, anh hùng liệt sỹ Lê Lương – Người Chỉ huy quân sự tài tình luôn gan dạ, mưu trí, dũng cảm chiến đấu, lập nên nhiều chiến công vang dội trong các trận phá tề, trừ gian, chống càn, tiễu phỉ; góp phần đánh đuổi thực dân Pháp, được mệnh danh là “Hùm xám miền Đông”.

Anh hùng liệt sỹ Lê Lương tên khai sinh là Lê Văn Lương (sinh năm 1916), tại tổng Đầm Hà, phủ Hải Ninh (nay là xã Đầm Hà); xuất thân trong một gia đình nông dân, có 4 anh chị em. Ông là con trai lớn và duy nhất trong gia đình. Năm 10 tuổi, ông cùng gia đình tham gia các phong trào đấu tranh của nông dân chống ách áp bức của thực dân Pháp và tay sai. Từ năm 1935 – 1944 đồng chí tham gia hoạt động bí mật ở nhiều địa bàn rừng núi các huyện Hà Cối, Đầm Hà, Tiên Yên và tìm cách bắt liên lạc với các đồng chí Lê Hải, Nam Hải đang hoạt động bí mật tại khu vực chân Núi Đục, núi Tài Voòng Mố Lẻng, Say Voòng Mố Lẻng và Trúc Bài Sơn. Năm 1944, đồng chí Lê Lương tham gia lực lượng vũ trang địa phương của Mặt Trận Việt Minh, được phân công đặc trách công tác quân sự, hoạt động vũ trang tuyên truyền từ Đầm Hà đến Móng Cái; chỉ huy lực lượng vũ trang địa phương chiến đấu và giành nhiều thắng lợi trong các trận phá tề, trừ gian, chống càn, tiễu phỉ. Sau cách mạng tháng Tám, đồng chí tham gia và làm Tiểu đoàn Đoàn trưởng, Tiểu đoàn 426 (nay là Đoàn 74 thuộc Tổng cục II – Bộ Quốc phòng) chuyên hoạt động trinh sát ở các tỉnh Đông Bắc bộ gồm Hải Ninh, Hồng Quảng, Lạng Sơn, Bắc Giang. Tháng 3-1946, đồng chí Lê Lương được điều về Đầm Hà làm Đại đội trưởng Đại đội vũ trang tuyên truyền, phụ trách việc tuyển lựa, tập hợp thanh niên huấn luyện, tuyên truyền giáo dục, chuẩn bị vũ khí, lương thực cho cuộc tiến công giải phóng Móng Cái. Tháng 5 – 1946, ông đã tổ chức cho đồng chí Nguyễn Xuân Trúc ( sau này là Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Hải Ninh) và bà Đặng Thị Dung ( sau này là Bí thư Đảng đoàn Hội Phụ nữ tỉnh) trốn tù thành công. Bị lộ, đồng chí bị bắt rồi trốn khỏi nhà tù của địch, được tổ chức điều về Tiên Yên tham gia chỉ huy, chiến đấu ngăn chặn không cho quân pháp tiến vào chiếm đóng. Vì thế, trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp và tiễu phỉ, Tiên Yên luôn là căn cứ tin cậy của Cách mạng. Tháng 3-1947, đồng chí được điều về làm Tiều đoàn trưởng Tiểu đoàn 426, đây là Tiểu đoàn quân chủ lực của Chiến khu 12, có nhiệm vụ cơ động đánh địch lấn chiếm, càn quét, diệt tề và bọn phản động ở vùng Đông Bắc. Đơn vị của ông chốt dọc đường số 4 – con đường huyết mạch của Cách Mạng. Mặc dù vũ khí trang bị còn thô sơ, nhưng với tài chỉ huy quân sự tài tình, ông đã chỉ huy Tiểu đoàn chiến đấu dũng cảm, giành nhiều thắng lợi như: chiến thắng cầu Mỗ Sơn, đánh lui một đại đội địch có xe cơ giới yểm trợ, chiến thắng trận bí mật phục kích Đồn ở thị trấn Chũ, trận công Đồng Tùng Miểng, tiêu diệt bọn phỉ ở An Châu, Nà Pá. Hàng loạt trận chiến đấu thắng lợi giòn dã của Tiểu đoàn 426 đã làm cho Pháp, Tề, Phỉ ở khu vực Đông Bắc bị tổn thất nặng nề. Đơn vị của ông nổi tiếng khắp vùng làm cho các đội quân của địch khiếp sợ, đặt biệt danh cho ông là Hùm xám Miền Đông”.

Tháng 8-1947, để đào tạo cán bộ đáp ứng cho nhiệm vụ quân sự ngày càng chính quy, hiện đại, đồng chí Lê Lương được cử đi dự lớp tập huấn quân sự của Quân khu. Tại đây, đồng chí vinh dự được gặp Bác Hồ và được Bác biểu dương, khen ngợi về thành tích học tập và tài năng chỉ huy chiến đấu dũng cảm.

Trải qua nhiều trận đánh lớn nhỏ, đơn vị của đồng chí Lê Lương ngày càng lớn mạnh. Tháng 10-1947 theo sự chỉ đạo của cấp trên, Tiểu đoàm 426 có  nhiệm vụ tổ chức tiến công đồn Na U. Đây là đồn rất quan trọng, chiếm giữ cắt trục đường số 4 là trục đường chiến lược nối Đông Bắc với Việt Bắc. Đồng chí Lê Lương đã tổ chức chuẩn bị cho trận đánh hết sức chu đáo, chặt chẽ. Vì đây là trận chiến mở đầu cho chiến thuật “ Công Đồn”; chiến thắng Na U nhằm tiêu diệt sinh lực địch, nhổ đồn bốt làm cho địch hoang mang lo sợ, củng cố ý chí chiến đấu của Tiểu đoàn và toàn chiến dịch Đông Bắc. Nửa đêm ngày 28-10-1947, toàn Tiểu đoàn do đồng chí Lê Lương chỉ huy bám sát đồn Na U. Sauk hi nghe hiệu lệnh, ba đại đội đồng loạt tấn công trên ba hướng, hai đại đội vọt lên, chớp nhoáng nổ mìn, phá tan hàng rào dây thép gai của đồn giặc; chiếm giao thông hào, phá rào, phá các ụ đề kháng, tiêu diệt một số sinh lực địch, thu được sung đại liên và nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng. Nhưng còn một đại đội chưa qua hàng rào do bị địchphản kích dữ dội, một số đợt xung phong của ta bị địch đánh bật trở lại. Trước tình thế đó, Tiểu đoàn trưởng Lê Lương xách thanh gươm lao tới trực tiếp chỉ huy mũi này, phân công lực lượng kiềm chế, phá rào dũng mãnh lao lên hô to “ xung phong”, cổ vũ toàn Tiều đoàn khí thế đánh địch. Tiếng sung nổ vang đội, hàng rào của địch bị đánh bật tung. Ba đại đội được hiệp đồng, cuộc đánh giáp lá cà diễn ra quyết liệt. Địch cố thủ trong lô cốt, hầm ngầm, dùng súng bắn trả quyết liệt, trong trận mưa bom bão đạn ấy, Người Tiểu đoàn trưởng, người chiến sỹ kiên cường và dũng cảm Lê Lương đã anh dũng hi sinh. Tên tuổi và chiến công của đồng chí vang vọng khắp non sông, làm rạng rỡ quê hương. Năm 1998, Tiểu đoàn trinh sát 74 (tiền thân (tiền thân là Đoàn 59) vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; tên Tiểu đoàn trưởng Lê Lương được đặt tên cho tên của đoàn: “Đoàn Lê Lương”. Năm 2002, đồng chí Lê Lương được truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Thanh Nga – Trung tâm TT&VH (Theo “Lịch sử truyền thống 70 năm huyện Đầm Hà”)

Trả lời