Trong một năm không chỉ là tháng 10, mà các tháng đều có những ngày lễ kỷ niệm nhằm mục đích để kỷ niệm, để tưởng nhớ và đánh dấu lại những thời khắc hào hùng vô cùng quan trọng trong lịch sử. Hơn nữa, nắm rõ các ngày kỷ niệm trong tháng 10 bạn sẽ có thể xây dựng cho mình một kế hoạch phù hợp để công việc được diễn ra suôn sẻ; bạn cũng có thể lên kế hoạch cho bản thân cũng như gia đình một chuyến đi chơi xa để thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng. Các ngày lễ trong tháng 10 không chỉ là những ngày lễ lớn mà cả nước được nghỉ theo quy định mà có rất nhiều ngày kỷ niệm khác trong năm có thể nhiều người trong chúng ta chưa biết. Vậy trong tháng 10 năm 2020 có những ngày lễ lớn nao ?. Với mong muốn giúp mọi người nắm rõ các ngày lễ quan trọng trong tháng 10 năm 2020 , sau đây chúng ta sẽ cùng nhau tổng hợp những ngày lễ trong tháng 10 năm 2020. Tháng 10 được tính theo thứ tự dễ dàng theo dõi từ đầu tháng đến cuối tháng .
* Ngày 01-10 – 2020 là Ngày quốc tế người cao tuổi
Ngày quốc tế người cao tuổi 1/10 mở đầu cho tháng 10 với những ngày lễ, kỷ niệm quan trọng. Năm 1982 lần đầu tiên Liên Hiệp Quốc đã tiến hành Đại hội thế giới về tuổi già tại Áo, hơn 3.000 đại biểu của hầu hết các nước trên thế giới tham dự. Đại biểu của Việt Nam là giáo sư Phạm Khuê, viện trưởng viện lão khoa Việt Nam. Hội nghị đã thông qua chương trình hoạt động quốc tế về tuổi già và khuyến nghị chính phủ và nhân dân các nước quan tâm giải quyết từng bước những vấn đề về người cao tuổi căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của nước mình, tập trung vào 6 lĩnh vực: Sức khoẻ và ăn uống; Nhà ở và môi trường; Gia đình; Dịch vụ và bảo trợ xã hội; Việc làm; Nâng cao sự hiểu biết của người cao tuổi. Đến năm 1990, tức 8 năm sau Đại hội thế giới ở Áo, để tập trung sự chú ý của thế giới về vấn đề người cao tuổi, đại hội đồng Liên Hiệp Quốc quyết định lấy ngày 1/10 hàng năm làm ngày quốc tế người cao tuổi, bắt đầu từ 1/10/1991.
Đáng nhớ hơn khi ngày 01/10/2020 lại trùng với ngày tết trung thu cổ truyền của đất nước; Là dịp kỷ niệm 143 năm ngày sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng ( 01/10/1876 – 01/10/2020), 105 năm ngày sinh Đại tướng Lê Trọng Tấn ( 01/10/1914 – 01/10/2020), điều đó làm cho niềm vui trong mỗi chúng ta lại được nhân về những kỷ niệm đẹp trong tháng 10.
* Ngày 02 -10 -2020 là dịp kỷ niệm 24 năm ngày Khuyến học Việt Nam (02/10/1996 – 02/10/2020). Năm 1996, một tổ chức xã hội đã ra đời với cái tên Hội Khuyến học Việt Nam mang sứ mệnh “khuyến học, khuyến tài, xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập”; Đến tháng 9/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1271/QĐ-TTg lấy ngày 2/10 hàng năm là “Ngày Khuyến học Việt Nam” với mục đích động viên các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT; tôn vinh những gương sáng hiếu học, tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác khuyến học, khuyến tài.
* Ngày 04 -10 – 2020 là dịp kỷ niệm Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Tố Hữu ( 04/10/1920 – 04/10/2020); là dịp kỷ niệm 58 năm ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy ( 04/10/1961 – 04/10/2020)
Tố Hữu, tên thật là Nguyễn Kim Thành (4 tháng 10 năm 1920 ), quê gốc ở làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) là một nhà thơ tiêu biểu của thơ cách mạng Việt Nam, đồng thời ông còn là một chính khách, một cán bộ cách mạng lão thành. Ông đã từng giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị của Việt Nam như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Năm 1938 ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.Đến năm 1945, khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên – Huế. Năm 1946, ông là Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Cuối 1947, ông lên Việt Bắc làm công tác văn nghệ, tuyên huấn. Từ đó, ông được giao những chức vụ quan trọng trong công tác văn nghệ, trong bộ máy lãnh đạo Đảng và nhà nước; Năm 1969, ông được giao là người sửa cuối cùng bản điếu văn trong tang lễ chủ tịch Hồ Chí Minh. Tố Hữu đã dùng ngòi bút và tâm huyết của mình để giúp cho bản điếu văn hay hơn, đi vào lòng người hơn: Bản dự thảo viết: “Thưa đồng bào, Thưa các đồng chí và các bạn”. Tố Hữu sửa lại thành: “Thưa đồng bào và chiến sỹ cả nước, Thưa các đồng chí và các bạn”
Bản dự thảo viết: “Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa! Tổn thất lớn lao này không gì bù đắp được”. Tố Hữu sửa lại thành: “Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa! Tổn thất này vô cùng lớn lao, đau thương này thật là vô hạn”.
Bản dự thảo viết: “Phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc mất một chiến sĩ lỗi lạc, một người bạn chiến đấu kiên cường và thân thiết”. Tố Hữu sửa lại thành: “Phong trào cộng sản quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc và cả loài người tiến bộ mất một chiến sĩ lỗi lạc, một người bạn chiến đấu kiên cường và thân thiết”.
Bản dự thảo viết: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sản sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng vĩ đại, và chính người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”. Tố Hữu bỏ chữ “sản”, trở thành: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng vĩ đại, và chính người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.
Sau năm 1986, Việt Nam tiến hành đổi mới nhằm thoát khỏi khủng hoảng kinh tế toàn diện. Ông bị mất uy tín chính trị do sai lầm khi thực hiện cuộc cải cách tiền tệ những năm 1980 nên bị miễn nhiệm các chức vụ về quản lý hành chính, sau đó chỉ giữ chức danh đại biểu quốc hội và các chức danh lãnh đạo về công tác văn học nghệ thuật. Đến năm 1996, ông được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật ngay trong đợt xét tặng đầu tiên (năm 1996).
Ông qua đời lúc 9 giờ 15 phút 7 giây, ngày 9 tháng 12 năm 2002 tại Bệnh viện 108. Tố Hữu là “ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt và còn là nhà cách mạng xuất sắc, nhà văn hóa làm thơ vì sự nghiệp cách mạng và là người viết lịch sử bằng thơ. Thơ của Tố Hữu đánh dấu những sự kiện chính trị, lịch sử của đất nước, qua các tác phẩm điển hình: Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Việt Nam máu và hoa, Một tiếng đờn, Ta với ta, vv
*Ngày 10/10/2020 là dịp kỷ niệm 66 năm ngày giải phóng thủ đô ( 10/10/1954 – 10/10/2020) , Cũng là dịp Hà Nội tổ chức kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội ( 1010 – 2020) . Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn, khơi dậy trong nhân dân Thủ đô và cả nước niềm tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa của Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Trong tiến trình lịch sử, ngày 10-10-1954 là một mốc son chói lọi, đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước. Đúng 16h ngày 9-10-1954, những tên lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên; quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Sáng 10-10-1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội chia làm nhiều hướng tiến vào Hà Nội. 15h cùng ngày, hàng vạn nhân dân trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức… Cả Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng, tự hào về sức mạnh hùng hậu của lực lượng kháng chiến, vô cùng biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu. Từ đây, Thủ đô sạch bóng quân thù. Hà Nội bước sang một trang mới trong lịch sử hào hùng của dân tộc.
*Ngày 13/10/2020 là dịp kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam. Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg về Ngày Doanh nhân Việt Nam, và lấy ngày 13/10 là “Ngày doanh nhân Việt Nam” hàng năm. Quyết định này nhằm phát huy vai trò, truyền thống của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, cùng với đề nghị của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp. Điều đó mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Bởi vì chính ngày 13/10/1945 , Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công thương Việt Nam ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, để động viên, kêu gọi họ bỏ vốn ra để phát triển sản xuất – kinh doanh xây dựng một nền kinh tế. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “… Hiện nay Công thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích lợi quốc dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng.
Sau nhiều năm Thủ tướng Chính phủ kí Quyết định lấy ngày 13/10 là “Ngày Doanh nhân Việt Nam” và Nghị quyết 09-NQ-TW của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống, thực tế đã khẳng định ý nghĩa lịch sử của bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới công thương vào ngày 13/10/1945. Trong giai đoạn đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện đường lối đúng đắn và chỉ dẫn mang tính chiến lược của Người đối với việc khẳng định vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong xây dựng và kiến thiết đất nước.
*Ngày 14-10-2020 là ngày kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành Tổ chức xây dựng Đảng (14/10/1930 – 14/10/2020); Ngày 03/02/1930, tại Quảng Châu (Trung Quốc), dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đại biểu các tổ chức tiền thân của Đảng đã họp, nhất trí thành lập một Đảng Cộng sản thống nhất ở Việt Nam, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Cùng với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, các ban Đảng và Văn phòng Trung ương được hình thành và nhanh chóng đi vào hoạt động, trực tiếp phục vụ hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng.Từ ngày 14 đến ngày 31/10/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lâm thời lần thứ nhất được tiến hành tại Hương Cảng (Trung Quốc). Tại hội nghị này, Bộ Tổ chức kiêm Giao thông – tiền thân của Ban Tổ chức Trung ương Đảng được hình thành; đây chính là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời của ngành Tổ chức xây dựng Đảng, với ý nghĩa lịch sử đó, ngày 14/10 hằng năm được lấy là ngày truyền thống Ngành Tổ chức xây dựng Đảng.
*Ngày 14-10-2020 là dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/2020). Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và thanh niên cách mạng đồng chí hội, cuối năm 1926 đầu năm 1927, một số địa phương hình thành “Nông Hội Đỏ” chỉ đạo cuộc nổi dậy của nông dân đấu tranh chống thực dân, địa chủ phong kiến và tư sản, đòi quyền dân sinh dân chủ; tiêu biểu là cuộc đấu tranh của nông dân Cao Lãnh, Sa Đéc, Gia Định, Đức Phổ, Duyên Hà, Tiền Hải…. đi tới đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Tại kỳ họp ban chấp hành Trung Ương Đảng lần I (khoá I) từ 14/10 đến cuối tháng 10 năm 1930, “Nông hội đỏ” chính thức ra đời. Sự kiện thành lập Nông hội đỏ đánh dấu sự trưởng thành quan trọng về chất của giai cấp nông dân Việt Nam. Để phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, tổ chức Hội nông dân Việt Nam liên tục phát triển dưới nhiều hình thức và tên gọi phù hợp: “Hội tương tê ái hữu”, “Hội nông dân phản đế”, “Hội nông dân cứu quốc”, trở thành một thành viên chủ lực của mặt trận Việt Minh, là lực lượng nòng cốt và đông đảo nhất tham gia khởi nghĩa tháng tám 1945.
*Ngày 15-10 – 2020 là dịp kỷ niệm 90 năm “Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng” và là “Ngày Dân vận của cả nước” (15/10/1930 – 15/10/2020). Xuất phát từ thực tiễn lịch sử có ý nghĩa to lớn nói trên, Bộ Chính trị, khóa VIII quyết định lấy ngày 15/10 một trong những ngày diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất và cũng là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận” (15/10/1949) làm ngày “Truyền thống dân vận của Đảng” và là “Ngày dân vận của cả nước”. Từ đó đến nay, ngày 15/10 hàng năm đã đi vào đời sống chính trị của Đảng và nhân dân, động viên và nhắc nhở trách nhiệm đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận của Đảng, nhà nước, các đoàn thể làm tốt hơn công tác vận động nhân dân.
Cán bộ Khối dân vận xã Quảng Lâm phối hợp tuyên truyền, vận động gia đình chị Tằng Nhì Múi (bản Tài Lý Sáy) phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo (Nguồn: báo quảng Ninh)
*Ngày 15-10-2020 là dịp kỷ niệm 64 năm ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (15/10/1956 – 15/10/2020). Ngày 27/3/1946, chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 38 về việc thành lập nhà thanh niên và thể thao. Cũng vào thời gian đó, ban thường vụ Trung Ương Đảng chỉ thị cho tổng bộ Việt Minh chuẩn bị thành lập Đoàn thanh niên Việt Nam, nhằm đáp ứng yêu cầu đoàn kết, tập hợp mọi tầng lớp thanh niên Việt Nam phục vụ sự nghiệp “kháng chiến kiến quốc”. Tháng 6/1946, tổng Đoàn thanh niên Việt Nam ra đời (gọi tắt là đoàn thanh niên Việt Nam), sau đổi tên thành liên đoàn thanh niên Việt Nam – là một tổ chức rộng rãi của mọi tầng lớp thanh niên yêu nước tự nguyện đứng vào hàng ngũ của liên đoàn. Với ý nghĩa mở rộng khối đại đoàn kết thanh niên, tăng thêm các thành viên tập thể của mắt trận đoàn kết tập hợp thanh niên (ở vùng tự do và vùng mời giải phóng) đại hội đại biểu toàn quốc liên đoàn thanh niên Việt Nam lần II (từ ngày 8 đến ngày 15/10/1956 tại thu đô Hà Nội) đã quyết định thành lập Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam và coi đại hội này là đại hội lần I thành lập hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
*Ngày 16/10/2020 là dịp kỷ niệm 72 năm ngày truyền thống ngành Kiểm tra của Đảng (16/10/1948 – 16/10/2020).Trước yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, ngày 16-10-1948 tại chiến khu Việt Bắc, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ban hành Quyết nghị số 29QN/TW về việc thành lập Ban Kiểm tra Trung ương- Cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng ta. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tháng 2-1951, Ban Chấp hành Trung ương quyết định hợp nhất Ban Kiểm tra Trung ương và Ban Thanh tra Chính phủ làm một.Đến Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 10 tháng 3-1957 chủ trương tách Ban Kiểm tra Trung ương và Ban Thanh tra Chính phủ ra làm hai. Và từ Đại hội lần thứ III của Đảng tháng 9-1960, Ban kiểm tra được đổi tên thành Ủy ban kiểm tra và được thành lập đến cấp quận ủy, huyện ủy và tương đương. Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V tháng 3-1982, Điều lệ Đảng quy định đảng ủy cơ sở được cử ra Ủy ban kiểm tra. Như vậy, từ Đại hội V của Đảng đến nay, Ủy ban kiểm tra được thành lập từ Trung ương đến cơ sở.
*Ngày 18/10/2020 là dịp kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống Văn phòng Cấp ủy (18/10/1930 – 18/10/2020). Tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thành lập các bộ phận chuyên môn giúp việc Trung ương Đảng – Tiền thân của Văn phòng cấp ủy sau này. Suốt nửa tháng diễn ra hội nghị, mọi công việc của hội nghị đều được bộ phận giúp việc chuẩn bị chu đáo, được bảo vệ an toàn và bảo mật. Hội nghị đã thành công tốt đẹp về mọi mặt, hoàn thành nhiều nội dung quan trọng, đặt nền móng cho hoạt động của Đảng những năm tiếp theo. Đây chính là dấu mốc, là những trang sử đầu tiên viết về hoạt động Văn phòng của Trung ương Đảng. Tháng 5/1947, Văn phòng Trung ương Đảng chính thức được thành lập tại xã Quảng Nạp, huyện Định Hóa (Thái Nguyên). Năm 1948, Văn phòng Trung ương Đảng tiếp tục được củng cố và tăng cường tổ chức, bộ máy, cán bộ, đi sâu hơn vào chuyên môn nghiệp vụ và hướng dẫn thực hiện đến các địa phương trong cả nước. Văn phòng Trung ương Đảng đã không ngừng trưởng thành và có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Ghi nhận những thành tích đó, ngày 29/01/2002, Ban Bí Thư Trung ương Đảng ra thông báo quyết định lấy ngày 18/10/1930 là ngày truyền thống của Văn phòng Trung ương Đảng, đồng thời là Ngày truyền thống của Văn phòng cấp ủy Đảng. Trải qua 90 năm hình thành và phát triển, qua nhiều thời kỳ cách mạng, mỗi thời kỳ gắn với những nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu công việc, tổ chức bộ máy khác nhau, văn phòng các cấp uỷ Đảng luôn tham mưu và phục vụ đắc lực, hiệu quả cho hoạt động của cấp ủy và các đồng chí lãnh đạo Đảng các cấp; có nhiều đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
*Ngày 20-10-2020 là dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2020) . Từ nghị quyết đầu tiên về công tác vận động phụ nữ (tháng 10/1939) đến các nghị quyết của Đảng nói về công tác phụ nữ, các bài viết của chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo của Đảng và nhà nước ta đều gắng liền với sự nghiệp giải phóng phụ nữ với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng loài người. Phụ nữ được coi là một tổ chức quần chúng của Đảng. Qua các thời kỳ, tổ chức phụ nữ đã có những tên gọi khác nhau phù hợp với nhiệm vụ cách mạng: Hội phụ nữ phản đế (20/10/1930); Đoàn phụ nữ cứu quốc (16/6/1941); Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1946); Với đoàn phụ nữ cứu quốc làm nòng cốt, tháng 4/1950 đoàn phụ nữ cứu quốc đã họp nhất vào hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Hội phụ nữ giải phóng (thành lập ngày 8/3/1961) ở miền Nam trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, cũng hợp nhất vào hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tháng 6/1976. Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam được Đảng tổ chức và lãnh đạo để làm cách mạng và chăm lo quyền lợi cho phụ nữ Việt Nam, thực hiện nam nữ bình đẳng. Qua gia đoạn cách mạng, phụ nữ Việt Nam luôn luôn xứng đáng với lời khen ngợi của chủ tịch Hồ Chí Minh “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.”
*Ngày 28-10-2020 là dịp kỷ niệm 72 năm ngày thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của Huyện Đầm Hà.
Từ khi có Đảng lãnh đạo, mặc dù phải sống trong vòng kìm kẹp của kẻ thù, nhân dân Đầm Hà luôn hướng về cách mạng; chuẩn bị nhân lực, vật lực, tinh thần cùng với lực lượng vũ trang cách mạng giải phóng quê hương vào Ngày 27/01/1946 và thành lập Uỷ ban hành chính huyện Đầm Hà vào ngày 28/01/1946.
Trong trang sử vàng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ và nhân dân Đầm Hà tự hào đã có những đóng góp to lớn vào thành quả cách mạng chung của toàn dân tộc. Ngày 27/1/1946, với sự hỗ trợ của các lực lượng vũ trang cách mạng, lực lượng vũ trang và nhân dân Đầm Hà đã anh dũng chiến đấu, giành chính quyền thắng lợi. Những trang sử chói lọi ấy càng đậm nét và rực rỡ hơn khi ngày 28-10-1948, Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Đầm Hà được thành lập tại căn cứ Núi Hứa, xã Đại Bình – Đây là bước ngoặt chính trị, đánh dấu cách mạng Đầm Hà đã bước sang một trang sử mới.
Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng đầu tiên, lớp lớp cán bộ, đảng viên, quân và dân trong huyện đã không ngừng phát huy truyền thống cách mạng, anh dũng dấu tranh giành độc lập tự do, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Sau 72 năm, từ một chi bộ non trẻ với 4 đảng viên, được tôi luyện qua đấu tranh, thử thách, đến nay, Đảng bộ huyện đã có 35 chi, đảng bộ trực thuộc với trên 2.068 đảng viên, 76/76 thôn, bản khu phố đã có chi bộ Đảng, Hệ thống chính trị từ huyện, đến cơ sở không ngừng được kiện toàn, củng cố và phát triển vững mạnh.
*Ngày 30-10-2020 là dịp kỷ niệm 57 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963 – 30/10/2020)
Tỉnh Quảng Ninh ngày nay thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ. Phía bắc giáp tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc, phía nam giáp thành phố Hải Phòng, phía đông giáp vịnh Bắc Bộ, phía tây giáp các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương. Đơn vị hành chính trực thuộc có 4 thành phố, 2 thị xã và 7 huyện trực thuộc, trong đó có 186 đơn vị hành chính cấp xã bao gồm 72 phường, 8 thị trấn và 98 xã. Quảng Ninh là tỉnh có nhiều thành phố trực thuộc nhất của Việt Nam. Ngày 07/10/1963, Ban Thường vụ Khu uỷ Hồng Quảng và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hải Ninh họp Hội nghị liên tịch và ra Nghị quyết về việc hợp nhất. Theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh, ngày 30/10/1963, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá II đã ra Nghị quyết, Quyết nghị phê chuẩn việc hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh.
Tỉnh Quảng Ninh được thành lập ngày 30/10/1963 trên cơ sở hợp nhất tỉnh Quảng Yên, Hải Ninh và đặc khu Hồng Gai, được Bác Hồ đặt tên là tỉnh Quảng Ninh. Trải qua 57 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt trong những năm gần đây, Quảng Ninh đã có những bước phát triển vượt bậc, khẳng định là một đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Trên đây là tổng hợp những thông tin chi tiết về các ngày kỉ niệm trong tháng 10 Những ngày lễ truyền thống vốn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để cho mọi người cùng nhau nhớ về những dấu mốc lịch sử huy hoàng của dân tộc, để từ đó, tiếp nối truyền thống của cha anh, sống học tập và làm việc hiệu quả , góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh!
Triệu Đại Nghĩa – TTTT&VH Đầm Hà