Với khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương mình, nhiều thanh niên trẻ của huyện Đầm Hà đã mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, đầu tư công sức, trí tuệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất, họ đã thành công và khẳng định được mình trên mảnh đất quê hương. Anh Trương Thế Đô ở thôn Làng Y xã Đại Bình là một thanh niên như thế.
Anh Trương Thế Đô, sinh năm 1986, là một thanh niên trẻ luôn mạnh dạn đi đầu trong phát triển kinh tế ở địa phương. Nhận thấy xã Đại Bình có tiềm năng về đất đai, lại có sản phẩm ngon nổi tiếng là ngan sao Đại Bình, anh Đô mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại và bắt tay vào nuôi ngan. Ban đầu chưa có kinh nghiệm, anh kiên trì học hỏi qua sách báo, internet và đến tận các trang trại chăn nuôi gia cầm để học tập kinh nghiệm. Năm 2017 anh bắt tay vào nuôi với số lượng 300 con ngan giống, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, tìm đầu ra cho sản phẩm. Do được chăm sóc tốt nên đàn ngan của anh khỏe mạnh, không bị dịch bệnh, thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng, bán đi trừ chi phí cũng thu lãi vài chục triệu đồng. Sau khi có lãi, anh Đô tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi ngan với trên 1.000 con, mỗi tháng anh vào 2 đến 3 lứa ngan mới, mỗi lứa 200 đến 300 con. Trung bình mỗi năm, gia đình anh xuất bán ra thị trường trên 10 tấn ngan thương phẩm. Sau khi trừ chi phí, cho gia đình anh thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Toàn bộ ngan sao của gia đình anh Đô được các nhà hàng đặt mua, do vậy đầu ra của sản phẩm luôn ổn đinh, tạo thu nhập để anh có điều kiện tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô mô hình kinh tế của gia đình.
Mô hình trồng dưa lưới của gia đình anh Trương Thế Đô
Không bằng lòng với những gì mình có, thời gian gần đây nhận thấy thị trường đang ưa chộng các sản phẩm nông nghiệp sạch, anh Đô đã tìm hiểu, nghiên cứu và quyết định đầu tư xây dựng khu trồng dưa lưới công nghệ cao. Năm 2019, anh đầu tư khu nhà màng với diện tích trên 1.000 m2 trồng dưa lưới, sau khoảng 3 tháng là dưa cho thu hoạch với trọng lượng khoảng 1,5 kg. Đến nay anh Đô đã trồng và thu hoạch được 2 lứa dưa lưới trong nhà màng cho triển vọng tốt.
Toàn bộ diện tích trồng măng tây phát triển tốt
Không chỉ thành công với mô hình nuôi ngan sao và trồng dưa lưới, cuối năm 2019, được sự hỗ trợ của Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện, anh Đô đã mạnh dạn đầu tư vào mô hình trồng măng tây. Được hỗ trợ về giống, phân bón, anh Đô đầu tư 400 triệu đồng để cải tạo đất, lắp đặt hệ thống nước tưới tự động để trồng 6.000 m2 cây măng tây. Đây là giống măng tây nhập từ Hà Lan, lần đầu tiên được anh Đô trồng thử nghiệm trên địa bàn huyện Đầm Hà. Sau hơn 3 tháng trồng, diện tích măng tây của anh Đô hiện đang sinh trưởng và phát triển tốt, cây măng khỏe, hiện tại anh đang tập trung bón phân nuôi thân cây măng, dự kiến sau khoảng 2 tháng nữa là cho thu hoạch. Qua khảo sát thị trường, măng tây hiện nay đây là sản phẩm đang được người tiêu dùng thích thú, tìm kiếm. Đây là mô hình có nhiều triển vọng phát triển và nhân rộng. Anh Đô cho biết, nếu đầu ra của sản phẩm măng tây ổn định, gia đình anh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích để nâng cao thu nhập. Ngoài ra, anh Trương Thế Đô còn nuôi giun quế làm thức ăn phục vụ nuôi ngan và tạo nguôn phân hữu cơ phục vụ trồng các sản phẩm nông nghiệp sạch của gia đình.
Với niềm đam mê và ý chí quyết tâm dám nghĩ, dám làm, anh Trương Thế Đô là một trong những tấm gương trẻ năng động, sáng tạo, vươn lên làm kinh tế giỏi ở địa phương.
Mai Thắm (Trung tâm TT&VH)