Chủ đề công tác năm 2020: "Huyện Đầm Hà tự hào tiến bước dưới cờ Đảng" - Chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020)

Đầm Hà: Sơ kết mô hình “Hoà nhập cộng đồng, giáo dục hướng thiện”

Nhằm thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về công tác tái hoà nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương sinh sống, ngày 29/11/2022, tại Uỷ ban nhân dân thị trấn Đầm Hà (huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh), Công an thị trấn Đầm Hà chủ trì hội nghị sơ kết mô hình “Hoà nhập cộng đồng, giáo dục hướng thiện”.

Tái hoà nhập cộng đồng (THNCĐ) là quá trình người phạm tội trở lại với cuộc sống bình thường ở ngoài xã hội sau khi chấp hành xong hình phạt tù. Để công tác này phát huy hiệu quả, ngoài việc bản thân họ phải nhận thức rõ lỗi lầm của bản thân trong quá khứ, tích cực tu dưỡng, lao động, học tập để trở thành công dân có ích cho gia đình, xã thội thì cần sự đồng hành, giúp đỡ của chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, cộng đồng dân cư và thân nhân nhằm giúp họ sớm ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng, phòng ngừa, ngăn chặn tái phạm, vi phạm pháp luật, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự và phát triển kinh tế ở địa phương.

Đến dự hội nghị có đại diện của chính quyền địa phương và nhiều cơ quan, ban ngành trên địa bàn huyện, đại diện của Công ty than Khe Chàm và Trường Cao đẳng than, khoáng sản Việt Nam, cùng với đó là hơn 30 người chấp hành xong án phạt tù sinh sống trên địa bàn thị trấn Đầm Hà và các xã lân cận. Hội nghị báo cáo, kiểm điểm kết quả đạt được sau 02 năm thực hiện mô hình “Hoà nhập cộng đồng, giáo dục hướng thiện” và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Trung tá Vi Hồng Sơn – Trưởng CATT Đầm Hà báo cáo tại Hội nghị

Trong 02 năm qua, mô hình đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ nhiều người chấp hành xong án phạt tù THNCĐ, xoá bỏ mặc cảm, tự ti, xoá án tích và có việc làm ổn định; được tham gia tìm kiếm việc làm, tiếp cận các chính sách ưu đãi thông qua các hội nghị do Công an tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện tổ chức. Quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện về an ninh, trật tự, thủ tục hành chính đối với các cá nhân, hộ kinh doanh tiếp nhận, sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Hỗ trợ xác nhận dân sự cho người THNCĐ lập hồ sơ tìm kiếm việc làm, hướng dẫn thủ tục đề nghị xoá án tích, cấp giấy xác nhận lý lịch tư pháp, căn cước công dân… Tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với công tác này, nhất là các chính sách hỗ trợ học nghề, vay vốn, tạo việc làm; vận động nhân dân xoá bỏ kỳ thị đối với người THNCĐ, đồng thời đề nghị sự chung tay, góp sức của toàn thể cộng đồng, các cơ quan, doanh nghiệp giúp đỡ người THNCĐ nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Với vai trò là lực lượng nòng cốt tham mưu cho cấp Uỷ, chính quyền địa phương chỉ đạo, đề nghị sự tham gia, phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Công an thị trấn đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao trong công tác THNCĐ theo quy định của pháp luật, là bài học kinh nghiệm để nhân rộng, phát triển mô hình THNCĐ tại các địa phương khác trong huyện.

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác THNCĐ, khắc phục hạn chế đã kiểm điểm trong hội nghị, cần tăng cường, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền để lan toả, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của quần chúng nhân dân về người THNCĐ và công tác THNCĐ, phổ biến sâu rộng quy định của Luật Thi hành án hình sự, Nghị định số 49/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về Tái hòa nhập cộng đồng; phối hợp với các công ty, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động tạo điều kiện tiếp nhận người THNCĐ vào làm việc. Định kỳ tiến hành sơ kết, tổng kết, kiểm điểm và đánh giá việc thực hiện, đảm bảo hiệu quả công tác THNCĐ tại cơ sở, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn./.

 CÔNG AN HUYỆN ĐẦM HÀ