Chuyển đổi số không chỉ là trách nhiệm của riêng các chuyên gia hay một cơ quan, đơn vị nào, mà chỉ có thể thành công khi mỗi người dân trở thành công dân số: Được trang bị đầy đủ các kỹ năng, kiến thức, phương tiện để sử dụng Internet và các công nghệ kỹ thuật số một cách hiệu quả, an toàn.
Ông Lương Đình Nghiêm (người dân thôn Tân Thành, xã Tân Bình, huyện Đầm Hà) cho biết mình không hề gặp khó khăn gì khi tới Trung tâm Hành chính công của huyện để làm các thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất. Đã nghiên cứu kỹ từ trước các bước quy trình được niêm yết và hướng dẫn công khai trên cổng thông tin điện tử, ông Nghiêm vẫn đến làm việc trực tiếp tại trung tâm để được cán bộ tại đây hướng dẫn thực hiện tường tận, giải thích mọi khúc mắc.
Ông Nghiêm bảo: “Khi đến đây, tôi đã mang đủ các hồ sơ gốc như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chứng minh thư, hộ khẩu gia đình… Các thủ tục còn lại đều được đội ngũ cán bộ hướng dẫn rất tỉ mỉ, nên đều được giải quyết thuận tiện. Tôi rất hài lòng bởi cảm nhận được sự tận tình, chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm cao ngay từ khi được hướng dẫn tại cửa trung tâm, cho đến khi xong việc”. Và vì không mang theo tiền mặt nên trước khi ra về, ông Nghiêm dùng điện thoại thông minh của mình để quét mã QR là hoàn thành việc thanh toán phí dịch vụ một cách nhanh gọn.
Với nhiều người khác, việc giải quyết TTHC còn đơn giản hơn thế gấp nhiều lần, bởi Trung tâm Hành chính công huyện Đầm Hà hiện đã có trên 86% thủ tục được cung cấp dịch vụ công mức độ 4; đối với các dịch vụ thuộc thẩm quyền cấp xã là gần 44%. Do đó, khi hiểu và sử dụng tốt tiện ích này, công dân huyện Đầm Hà đều có thể giao dịch 24/24 giờ trong ngày, tại bất cứ đâu có kết nối Internet và nhận kết quả được chuyển phát về tận nhà riêng nhờ thông qua hệ thống bưu chính công ích. Như vậy, chỉ cần tiếp cận thông tin về các dịch vụ tiện ích và sử dụng thành thạo những ứng dụng số, người dân có thể tiết kiệm được đáng kể thời gian, chí phí đi lại, chi phí văn phòng phẩm… so với giải quyết TTHC theo cách làm truyền thống.
Đối với các lĩnh vực khác của đời sống cũng vậy, các dịch vụ đang ngày càng trở nên tiện ích hơn nhờ sự tiến bộ đột phá về KHCN, kết nối Internet… từ nhiều năm qua. Điều này có thể thấy rõ từ ngay những điều đang dần trở nên rất quen thuộc trong sinh hoạt hằng ngày của mỗi người, như: Mua sắm trên các trang thương mại điện tử, hoặc qua các trang mạng xã hội facebook, zalo; thanh toán tiền điện, nước, học phí, cước di động, thuế, chăm sóc sức khỏe… qua chuyển khoản ngân hàng; thực hiện quét mã QR để thanh toán không dùng tiền mặt tại các cửa hàng kinh doanh, trung tâm thương mại, chợ truyền thống…
ĐVTN huyện Đầm Hà lắp đặt bảng quét mã QR tại khu vực tượng đài Anh hùng liệt sĩ Hà Quang Vóc (thị trấn Đầm Hà) để phục vụ nhu cầu tìm hiểu thông tin lịch sử, văn hóa của người dân và du khách.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất của chuyển đổi số phải đồng thời đến từ sự thay đổi, chấp nhận cái mới của mỗi người dân. Cụ thể là trong việc chủ động để trang bị cho mình đầy đủ kỹ năng, kiến thức, phương tiện để sử dụng Internet và các công nghệ kỹ thuật số một cách hiệu quả, an toàn. Khi đó, mỗi người dân trở thành một công dân số.
Tại cuốn “Cẩm nang chuyển đổi số” do Bộ TT&TT xây dựng đã nêu định nghĩa rằng, có 9 yếu tố cấu thành công dân số là: Khả năng truy cập các nguồn thông tin số; khả năng giao tiếp trong môi trường số; kỹ năng số cơ bản; mua bán hàng hóa trên mạng; chuẩn mực đạo đức trong môi trường số; bảo vệ thể chất và tâm lý trước các ảnh hưởng từ môi trường số; quyền và trách nhiệm của công dân trong môi trường số; định danh và xác thực; dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư trong môi trường số.
Việc có được đầy đủ những kiến thức, kỹ năng số không phải dễ dàng thực hiện được trong thời gian ngắn. Vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động đã và đang rất được huyện Đầm Hà chú trọng triển khai đồng bộ từ huyện đến cơ sở, yêu cầu sự tiên phong, đi đầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, ĐVTN…
Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực để số hóa hồ sơ, dữ liệu.
Hiện nay, 100% TTHC tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã triển khai thực hiện số hóa hồ sơ, giải quyết TTHC, trong đó bóc tách dữ liệu và lưu vào phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu đối với kết quả số hóa hồ sơ TTHC thuộc các lĩnh vực: Tư pháp, lao động – thương binh và xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, thông tin và truyền thông.
Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành Công an thực hiện đăng ký tạm trú cho 1.065 hồ sơ, đăng ký thường trú 5.590 hồ sơ, thông báo lưu trú cho 47.308 hồ sơ, cấp đổi căn cước công dân cho 96 trường hợp và từ ngày 1/6 đến 18/7/2022 cấp hộ chiếu thông minh cho 4.083 trường hợp.
Tính đến giữa tháng 7/2022, trong 3.718.485 mũi tiêm chủng Covid-19 thực tế, ngành Y tế đã cập nhật 3.629.514 mũi lên hệ thống tiêm chủng Covid-19; công tác ký xác nhận “hộ chiếu vắc-xin” đã được các cơ sở tiêm chủng tích cực triển khai và đã ký cho 1.211.068 trường hợp…
|