Xác định cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh là khâu đột phá chiến lược, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, có tính quyết định trong thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, thời gian qua, huyện Đầm Hà đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp nâng cao các chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS), Chỉ số Hiệu quả quản trị cấp huyện (DGI), Chỉ số xây dựng Chính quyền điện tử (ICT) và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DDCI); xây dựng chính quyền phục vụ hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Để thực hiện tốt công tác CCHC, huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động bám sát nội dung chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về công tác CCHC và vận dụng linh hoạt vào thực tiễn ở địa phương. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xây dựng, ban hành Chương trình hành động số 12/CTr-HU ngày 20/9/2021; UBND huyện ban hành Kế hoạch số 155/KH-UBND ngày 29/7/2021 thực hiện Nghị quyết số 05- Q/TU ngày 09/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “về đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”; Ban hành Quyết định số 254/QĐ-UBND ngày 19/01/2022 về Kế hoạch cải cách hành chính huyện Đầm Hà năm 2022 với 7 nội dung trọng tâm, 23 nhiệm vụ và các kế hoạch thành phần để cụ thể hóa, gắn trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức triển khai thực hiện, rõ người, rõ việc, rõ địa chỉ, rõ sản phẩm và mốc thời gian hoàn thành. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyề nâng cao nhận thức, ý thức, tinh thần trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị.
Ban Chỉ đạo cải cách hành chính huyện phát huy vai trò tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai và kiểm tra việc thực hiện công tác cải cách hành chính trên địa bàn. Trong đó, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cơ chế một cửa, một cửa liên thông; ứng dụng tin học trong quản lý Nhà nước; cải cách chế độ công vụ, công chức; nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ CBCCVC trong thực thi nhiệm vụ, công vụ; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hoá văn minh công sở đối với cán bộ, công chức; nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hành chính công, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường sử dụng chữ ký số, hòm thư công vụ, chính quyền điện tử; mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; duy trì và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn TCVN 9001:2015 tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn huyện.
Mọi TTHC của người dân, doanh nghiệp đều được Trung tâm Hành chính công huyện Đầm Hà giải quyết nhanh chóng, thuận tiện
Với mục tiêu hiện đại hoá nền hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch trong giải quyết công việc của người dân, huyện đã dành nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang bị máy tính, máy in cho cán bộ, công chức, các đơn vị đều có sử dụng hệ thống camera giám sát, màn hình led hiển thị lịch công tác của đơn vị, sử dụng hệ thống truyền hình hội nghị trực tuyến, các dịch vụ internet băng rộng, triển khai sử dụng hiệu quả mạng số liệu chuyên dùng; quan tâm đào tạo tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, quan tâm chỉ đạo giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nhanh, minh bạch cho tổ chức, người dân và doanh nghiệp. 100% đơn vị được triển khai hệ thống Chính quyền điện tử đều đã đưa vào sử dụng và khai thác có hiệu quả. Trên 98% văn bản đã được gửi, nhận qua hệ thống Chính quyền điện tử. Huyện đã triển khai đưa 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền phê duyệt của huyện vào thực hiện tại Trung tâm Hành chính công huyện. Số thủ tục được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đạt trên 89,9%; mức độ 4 đạt trên 83,8% tại trung tâm. Thời gian giải quyết các TTHC được rút ngắn 50% theo quy định. Trung tâm Hành chính công huyện cũng đã tham mưu, triển khai sử dụng con dấu thứ 2 ngay tại Trung tâm với một số thủ tục thuộc 3 lĩnh vực là: Tư pháp, tài chính, đất đai để thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo nguyên tắc 5 tại chỗ. Đây đều là những thủ tục thường xuyên phát sinh số lượng lớn hồ sơ trên địa bàn huyện. Việc giải quyết thủ tục hành chính được khép kín ngay tại Trung tâm. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn đạt 100%, không có hồ sơ quá hạn. Huyện cũng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn tập trung công khai, minh bạch, cập nhật thường xuyên các quy trình TTHC, tổ chức niêm yết, công khai đầy đủ, đúng quy định các thủ tục; công khai địa chỉ, hộp thư điện tử, số điện thoại chuyên dùng, hòm thư góp ý, để kịp thời tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính cấp xã, huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, công dân khi giải quyết công việc.
Bên cạnh đó, việc hoàn thiện thể chế, cải cách tổ chức bộ máy được tập trung triển khai một cách trọng tâm, trọng điểm. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện đúng quy định của Trung ương, của tỉnh và tình hình thực tiễn về rà soát chức năng, nhiệm vụ và xây dựng quy chế làm việc của các cơ quan, đơn vị khi có quyết định hoặc quyết định quy định lại chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của cơ quan có thẩm quyền; thực hiện tốt việc tinh giản biên chế, phân cấp quản lý Nhà nước theo đúng quy định; rà soát, sắp xếp lại một số đơn vị tương đồng, đảm bảo phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển.
Hội thảo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tổ chức các hoạt động dạy học và hoạt động thư viện trong các cơ sở giáo dục
Nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, huyện đã tập trung nguồn lực, đưa ra các giải pháp ưu tiên đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, bình đẳng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã; thực hiện nghiêm các quy định về đấu thầu; công khai đầy đủ chính sách hỗ trợ nhà đầu tư; tập trung giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX. Trong 6 tháng đầu năm 2022, huyện có 15 doanh nghiệp, 1 Hợp tác xã thành lập mới. Các giải pháp về minh bạch hóa thông tin, đặc biệt là về quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch xây dựng, các dự án đầu tư phát triển sản xuất, cơ sở hạ tầng được công khai trên trang thông tin điện tử của huyện, website huyendamha.vn, qua hệ thống mạng chính quyền điện tử, hệ thống phát thanh; duy trì hiệu quả Fanpage DDCI của huyện nhằm tăng tính tương tác giữa chính quyền và doanh nghiệp, nhà đầu tư. Các hội nghị đối thoại, tiếp xúc giữa lãnh đạo huyện với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được huyện quan tâm tổ chức. Cấp ủy, chính quyền các cấp chủ động tiếp xúc, trao đổi, tháo gỡ các vướng mắc của người dân, doanh nghiệp; tìm hiểu để giải quyết hoặc phối hợp các cơ quan có liên quan, báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vấn đề còn gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.
Đại diện Công ty CP tập đoàn Thăng Long trình bày ý tưởng đầu tư trên địa bàn huyện
Với nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền và đẩy mạnh cải cách hành chính đã góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của huyện phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. 6 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất trên 3 lĩnh vực ước đạt 3.330 tỷ đồng, bằng 48,19% KH, tăng 22,6% CK. Trong đó: giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 1.360 tỷ đồng, bằng 48,9% KH, tăng 20,1% CK; giá trị sản xuất công nghiệp, TTCN, XDCB đạt 920 tỷ đồng bằng 44,2% KH tăng 12% CK; tổng mức lưu chuyển hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 1.050 tỷ đồng bằng 51,2% KH tăng 21,8% CK. Đời sống nhân dân được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,99%.
Theo kết quả đánh giá của tỉnh năm 2021, huyện Đầm Hà xếp thứ 3 về Chỉ số cải cách hành chính cấp huyện, thị xã, thành phố (PAR INDEX) với số điểm 91,24 điểm. Trong đó, các chỉ số thành phần: thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; cải cách thủ tục hành chính; chỉ số thành phần điểm thưởng đứng thứ nhất. Chỉ Số thành phần cải cách thể chế xếp thứ 2/13 huyện, thị xã, thành phố. Với số điểm 28,81/30 điểm đạt 96.04%, huyện đứng thứ 3/13 huyện, thị xã, thành phố về Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS). Chỉ số Hiệu quả quản trị cấp huyện (DGI) của huyện xếp thứ 7/13 với điểm điều tra xã hội học là 72.74 điểm, đạt 90,93% (tăng 4,54 điểm so với năm 2020).
Bên cạnh những kết quả đạt được song một số chỉ số vẫn còn ở mức trung bình thấp so với bình quân chung của tỉnh bởi nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Năm 2022 và những năm tiếp theo, với mục tiêu phấn đấu giữ vững và tăng dần vị trí xếp hạng Chỉ số PAR INDEX, Chỉ số SIPAS, Chỉ số DGI, Chỉ số DDCI, Chỉ số ICT index, huyện tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp thiết thực, hiệu quả, khoa học, sáng tạo, toàn diện; nâng cao chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từng bước xây dựng nên hành chính chuyên nghiệp, hiện đại; hướng đến chính quyền số thân thiện vì nhân dân phục vụ.
Thanh Nga (Trung tâm TT&VH)