Ngày 18/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh có cuộc họp với Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch cấp huyện, cấp xã và các sở, ban, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tuần qua, trọng tâm là các giải pháp nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là hệ thống các trạm y tế xã, phường, thị trấn và y tế học đường trong thực hiện chiến lược thích ứng an toàn với dịch bệnh. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh chủ trì.
Dự hội nghị tại điểm cầu huyện Đầm Hà có các đồng chí Thường trực Huyện ủy, HĐND, lãnh đạo UBND huyện; thành viên BCĐ, Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 cấp huyện; lãnh đạo Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ và Trạm trưởng trạm y tế các xã, thị trấn.
Với kinh nghiệm quý báu, bản lĩnh có được xuyên suốt 2 năm chống dịch Covid-19 và chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện, nhất là sớm hoàn thành việc tiêm vắc xin cho 100% người dân có chỉ định tiêm, Quảng Ninh vững vàng tâm thế để chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có Covid-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Kết luận số 20-KL/TW ngày 16/10/2021 của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII), Nghị quyết số 128 ngày 11/10/2021 của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ban, ngành Trung ương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 18 ngày 18/10/2021 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và ổn định kinh tế – xã hội, giữ đà tăng trưởng 2 con số. Nhờ các giải pháp kịp thời, đến nay, Quảng Ninh vẫn là địa bàn an toàn, đã qua 111 ngày không phát hiện ca nhiễm thứ phát trong cộng đồng.
Tại hội nghị, các ý kiến đều đánh giá cao nỗ lực của hệ thống chính trị trong thực hiện giải pháp phòng, chống dịch bệnh, ổn định tình hình phát triển kinh tế-xã hội khi chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có Covid-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, đã phát huy vai trò người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch, trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt an toàn. Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với dịch bệnh, nhưng cũng không mất bình tĩnh, hoảng hốt khi có tình huống nảy sinh.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số thách thức đối với công tác phòng, chống dịch bệnh của tỉnh theo chiến lược mới. Một bộ phận người dân, đơn vị cung cấp dịch vụ còn tâm lý chủ quan trong phòng chống dịch. Việc đánh giá, xác định cấp độ dịch tại cấp huyện, cấp xã theo hướng dẫn của Bộ Y tế còn chậm so với yêu cầu; việc xét nghiệm tầm soát chủ động, sàng lọc chưa được coi trọng đúng mức, nhất là ở cơ sở; ý thức tự xét nghiệm để tầm soát trong từng cơ sở sản xuất kinh doanh còn chưa cao. Tuần qua, số phương tiện, người ra vào tỉnh tiếp tục tăng cao trong khi đó, số ca mắc mới ở một số tỉnh phía Bắc vẫn tăng.
Thảo luận về các giải pháp nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là hệ thống các trạm y tế xã, phường, thị trấn và y tế học đường trong thực hiện chiến lược thích ứng an toàn với dịch bệnh, các đại biểu cho rằng trong thực hiện chiến lược mới này, các trạm y tế xã, phường và y tế học đường giữ vai trò quan trọng, cần thiết. Do đó phải tiếp tục củng cố nâng cao năng lực hệ thống các trạm y tế xã, phường, thị trấn và y tế học đường nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế.
Hội nghị tại điểm cầu tỉnh và các địa phương
Thống nhất với các ý kiến tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu các cấp ủy, chính quyền các cấp, trực tiếp là người đứng đầu quán triệt, thực hiện nghiêm túc Kết luận số 20-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII), Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 18 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và ổn định kinh tế – xã hội, giữ vững đà tăng trưởng hai con số trên địa bàn tỉnh, trong đó phải làm rõ những quan điểm, tư tưởng mới.
Sớm hoàn thiện và ban hành hướng dẫn về các quy trình quản trị rủi ro nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đối với các lĩnh vực, trọng tâm là y tế, giáo dục, giao thông, du lịch. Coi trọng giám sát dịch bệnh, xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ hàng ngày, hàng tuần theo đúng quy định, hướng dẫn của cơ quan y tế. Ngoài các nhóm nguy cơ cao, phải quan tâm nhiều tới học sinh, sinh viên, giáo viên, người lao động tại các trường học thuộc đối tượng có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở; có người thân thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao là người làm trong lĩnh vực dịch vụ, thường xuyên tiếp xúc với cộng đồng.
Về công tác tiêm chủng, tiếp tục thực hiện tiêm chủng mũi 2 an toàn cho 100% đối tượng có chỉ định, tiêm vét cho đối tượng phụ nữ có thai trên 13 tuần, phụ nữ đang cho con bú, người cao tuổi có bệnh lý nền và chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch tiêm cho đối tượng trẻ em từ 12-17 tuổi khi có chỉ đạo của Bộ Y tế.
Ngoài ra, thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác ứng dụng công nghệ thông tin. MTTQ và các tổ chức tăng cường vận động, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, hành động của người dân, doanh nghiệp – là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch, trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt an toàn.
Để củng cố năng lực hoạt động của trạm y tế xã, phường, thị trấn, y tế học đường trong thực hiện chiến lược thích ứng an toàn với dịch bệnh, đồng chí cho rằng, Sở Y tế, Sở Giáo dục & Đào tạo và các địa phương nghiên cứu kinh nghiệm các tỉnh phía Nam trong việc củng cố vai trò của các trạm y tế cấp xã, y tế học đường trong thực hiện phòng, chống dịch tại cơ sở để có thể cung cấp dịch vụ tế nhanh nhất, sớm nhất, gần nhất đối với người dân, đặc biệt với các F0 không triệu chứng, điều trị tại nhà.
Trong giai đoạn này, các ngành giao thông, công an, truyền thông, y tế, công thương, giáo dục, lao động thương binh xã hội, Ban quản lý khu kinh tế… phải tăng cường công tác phối hợp để nâng cao hiệu quả trong thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Đồng chí Đỗ Thị Ninh Hường, TUV, Bí thư Huyện ủy nhấn mạnh các nhiệm vụ cần tập trung triển khai trong thời gian tới
Ngay sau cuộc họp trực tuyến, đồng chí Đỗ Thị Ninh Hường – TUV, Bí thư Huyện ủy yêu cầu BCĐ phòng, chống dịch các cấp của huyện cần tổ chức triển khai nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại cuộc họp. Đồng chí đề nghị UBND huyện cần chỉ đạo các địa phương, đơn vị, các doanh nghiệp, công ty, nhà hàng xây dựng ngay kế hoạch ứng phó với dịch bệnh trong tình hình mới, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị; thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch, đảm bảo thực hiện nghiêm việc quét mã QR tại các cơ quan, đơn vị, công ty, nhà hàng, doanh nghiệp. Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường học trên địa bàn thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh; các xã, thị trấn, các đơn vị liên quan cần kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện đi đến, đi qua địa bàn theo quy định; tăng cường xét nghiệm tầm xoát đảm bảo theo quy định, chuẩn bị sẵn sàng phương án để triển khai tiêm phòng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi khi có chỉ đạo của Bộ y tế. Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; nắm chắc các đối tượng thường xuyên có hoạt động tiếp xúc với khách vãng lai; tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân; chuẩn bị tốt trang thiết bị, vật tư y tế và các lực lượng cho công tác phòng, chống dịch trên địa bàn huyện.
Tin: Báo Quảng Ninh. Ảnh: Quốc Nghị – Trung tâm TT&VH Đầm Hà