Thủ tướng nhấn mạnh, cố gắng từ nay đến 30/9 từng bước nới lỏng giãn cách xã hội có kiểm soát để khôi phục phát triển kinh tế-xã hội.
Sáng ngày 25/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo. Cuộc họp được tổ chức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố, 705 quận, huyện, thị xã, 10.400 xã, phường, thị trấn. Dự tại điểm cầu huyện Đầm Hà có các đồng chí Thường trực Huyện ủy, HĐND, lãnh đạo UBND huyện; thành viên BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 cấp huyện và các xã, thị trấn.
Thủ tướng cũng cho biết, ngày 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có phiên họp hết sức quan trọng, nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu tổ chức thực hiện thật tốt chính sách này để hỗ trợ kịp thời người lao động và người sử dụng lao động trên tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các đại biểu tập trung thời gian, trí tuệ, kinh nghiệm để phát biểu ý kiến, đặc biệt là cho ý kiến về kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, ban hành kịp thời và tổ chức thực hiện tốt.
Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo tại cuộc họp về tiếp tục hoàn thành một số giải pháp kỹ thuật, công nghệ phục vụ phòng chống dịch.
Hội nghị tại điểm cầu Chính phủ và các địa phương
Từng bước thích ứng an toàn
Báo cáo tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết tại 23 địa phương thực hiện giãn cách, tình hình dịch đang từng bước được kiểm soát. Số mắc trong 7 ngày đây giảm 9,8% so với 7 ngày trước (trong đó có Bình Dương, TP.HCM, Long An).
Trong tuần, ghi nhận 40.577 ca mắc trong cộng đồng (chiếm 56,2% tổng số mắc), giảm 11,7% so với tuần trước, Hà Nội ghi nhận 11 ca, giảm 18 ca so với tuần trước; TP.HCM 37.884 ca (giảm 4.236); Bình Dương 1.257 ca (giảm 533); Long An 72 ca (giảm 158).
Một số địa phương ghi nhận số mắc trong cộng đồng tăng so với tuần trước: An Giang (tăng 303 ca), Đắk Lắk (121), Đồng Nai (48), Hà Nam (48), Bình Định (35), Quảng Trị (26), Ninh Thuận (13), Quảng Bình (10).
Hà Nam, Kiên Giang ghi nhận ổ dịch mới phát sinh trong tuần qua. Các địa phương khác tình hình cơ bản vẫn đang được kiểm soát.
Bộ Y tế đã xây dựng Hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19 trên cơ sở tham khảo tài liệu, kinh nghiệm của hơn 40 quốc gia trên thế giới thực hiện “mở cửa”, đồng thời thực hiện xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, nhà khoa học.
Hướng dẫn bao gồm các chỉ số để đánh giá và các biện pháp thực hiện theo các cấp độ nguy cơ; theo hướng dễ hiểu, dễ áp dụng, phù hợp khi triển khai tại cấp xã, phường, thị trấn; bám sát việc triển khai theo hệ thống chính trị để có sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt trong tổ chức thực hiện.
Thống kê sơ bộ tại 43 tỉnh, thành phố, đã có 17 tỉnh, thành phố xây dựng và ban hành kế hoạch phòng, chống dịch đáp ứng với tình hình mới.
Theo Ban chỉ đạo, trong thời gian tới cần tăng cường triển khai các biện pháp nhằm giảm, khống chế số ca mắc và tử vong, từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, khôi phục và phát triển kinh tế xã hội, phấn đấu trở về trạng thái “bình thường mới” trên toàn quốc.
TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An tăng tốc xét nghiệm diện rộng
Ban chỉ đạo nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Trong đó, cần nâng cao vai trò nêu gương, dám nghĩ, dám làm của người đứng đầu trong chỉ đạo tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch.
Cùng với đó là quán triệt và triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch ngay tại xã, phường, thị trấn; khi thực hiện xã, phường, thị trấn phải thật sự là “pháo đài”; người dân phải thật sự là “chiến sỹ”; người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch.
Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế phù hợp với năng lực đáp ứng của hệ thống y tế, diễn biến và kết quả công tác phòng, chống dịch; đồng thời đảm bảo đặt sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết.
Cùng với đó thực hiện nghiêm các quy định về cách ly, xét nghiệm, điều trị; bảo đảm nơi nào thực hiện cách ly phải cách ly nghiêm ngặt, xét nghiệm phải nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh và tổ chức phân loại người bệnh, chăm sóc, điều trị ngay tại cơ sở để người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất.
TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An tiếp tục tăng tốc thực hiện xét nghiệm diện rộng. Riêng TP.HCM khẩn trương đánh giá tình hình để đề xuất hỗ trợ lực lượng, phối hợp với các bộ ngành, địa phương lân cận thực hiện triển khai nhanh tiến độ xét nghiệm diện rộng; phấn đấu thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 30/9.
Các tỉnh không thực hiện giãn cách cần chủ động các biện pháp phòng ngừa dịch xâm nhập (quản lý người trở về từ vùng dịch); khi phát sinh các ổ dịch mới cần nhanh chóng triển khai việc truy vết nhanh, khoanh vùng hiệu quả, cách ly kịp thời, phân loại để chăm sóc, điều trị phù hợp. Đồng thời, triển khai có hiệu quả, đẩy nhanh thực hiện Chiến dịch tiêm chủng ngay khi được phân bổ vắc xin.
Ban Chỉ đạo yêu cầu tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội; đặc biệt không để sót đối tượng và bất bình đẳng trong việc thực hiện hỗ trợ, gây bức xúc trong nhân dân nảy sinh các vấn đề phức tạp.
Cùng với đó, các địa phương cần tiếp tục hoàn thiện và triển khai tốt các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt tại các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp ở khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội; tăng cường kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức thông tin sai sự thật, xuyên tạc, chống phá về công tác phòng, chống dịch bệnh.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo cũng nhấn mạnh đến việc tiếp tục triển khai các giải pháp về tài chính, hậu cần. Chủ động đảm bảo các điều kiện về nguồn lực, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ”; thường xuyên rà soát về nhân lực, vật tư, thiết bị y tế, cơ sở điều trị để đáp ứng với diễn biến dịch bệnh trên địa bàn. Đảm bảo nguồn lực cho phòng, chống dịch để đạt mục tiêu và yêu cầu đề ra.
Các địa phương tuyên truyền, vận động, kêu gọi nhân dân phòng chống dịch để “Dân biết – Dân hiểu – Dân tin – Dân theo – Dân làm”, người dân yên tâm và tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Cùng với đó thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch; kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu hiện có đảm bảo một ứng dụng thuận tiện cho người dân.
Các cấp, các ngành phải chú trọng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, vụ lợi cá nhân trong việc mua bán vật tư, sinh phẩm, thuốc, vắc xin, trang thiết bị phòng, chống dịch. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định; đồng thời kịp thời có các hình thức động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt.
Tính đến ngày 22/9, cả nước đã thực hiện xét nghiệm gần 54 triệu lượt người; từ 29/4 đến nay đã thực hiện xét nghiệm cho hơn 50 triệu lượt người.
Trong tuần, cả nước đã tiến hành xét nghiệm RT-PCR cho 3,2 triệu lượt người. So với tuần trước, số lượt người được xét nghiệm giảm 15,7%. Việc xét nghiệm thực hiện chủ yếu theo nguyên tắc gộp mẫu. Tỷ lệ xét nghiệm/1 triệu dân của Việt Nam đứng thứ 155/223 trên Thế giới.
So với tuần trước, tỷ lệ ca dương tính trên tổng số người xét nghiệm trong cộng đồng của cả nước duy trì ở mức 1,4%.
Theo Thu Hằng-Chinhphu.vn. (Ảnh:Quốc Nghị – Trung tâm TT&VH)