Chiều 22/7, Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV chia tổ thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021.
Tại trang thông tin:
Tham gia phát biểu tại Tổ 9, các đại biểu: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam; Đỗ Thị Lan, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội thống nhất cao với nội dung báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm định của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Tham gia ý kiến vào báo cáo tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm của Chính phủ, các ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, cho rằng: Báo cáo KT-XH 6 tháng cần đánh giá đậm nét hơn bối cảnh cả nước tổ chức thành công 2 sự kiện lớn là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Thành công của các sự kiện đó đem lại niềm tin cho nhân dân.
Ngoài đánh giá tác động sâu sắc của đại dịch Covid-19 tới mọi hoạt động của KT-XH, phát triển của các thành phần kinh tế, doanh nghiệp 6 tháng đầu năm, các đại biểu đề nghị cần phân tích, đánh giá kỹ một số tác động khác tới KT-XH, như: môi trường, biến đổi khí hậu, giao thông…
Về nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm, các đại biểu đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội; thống nhất cao với biện pháp, giải pháp và chỉ đạo điều hành của Chính phủ cùng các địa phương thực hiện nhiệm vụ kép trong trạng thái bình thường mới với phương án “5K + vắc-xin + truyền thông + công nghệ”.
Các đại biểu cũng cho rằng, cần đặc biệt chú ý đến đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất; hỗ trợ người lao động; tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, dành cho chi đầu tư phát triển và chi cho trả nợ; tích cực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; huy động mọi nguồn lực đầu tư từ xã hội; cần tăng cường xử lý sớm để đạt tiến độ gói hỗ trợ cho các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực kinh doanh dễ bị tổn thương nhất (du lịch, hàng không, vận tải…). Đồng thời, cần rà soát, bổ sung cơ chế chính sách về thuế, phí cho các doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực kinh doanh có tổn thương lớn do đại dịch; chuẩn bị kịch bản phát triển KT-XH năm 2022 trên nền tảng kết quả đạt được từ năm 2021.
Ngoài ra, cần có giải pháp cụ thể hơn, sâu sắc hơn trong phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng NTM, trong đó cần quan tâm đầu tư, có giám sát sự phát triển ở cả 3 lĩnh vực nông – lâm – thủy sản; cần quan tâm thêm về vấn đề an ninh trật tự, an sinh xã hội sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tháo gỡ khó khăn trong xây dựng, sửa đổi các luật.
Đặc biệt, năm 2022 và giai đoạn 2022-2025 nên có phương án điều hành phát triển KT-XH trong trạng thái bình thường mới với chính sách phù hợp và giải pháp đối phó tình hình lạm phát có thể xảy ra trong nước. Bởi thực tế hiện nay, có một số nền kinh tế trên thế giới đã bước vào lạm phát.
Về kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025, các đại biểu cho rằng cần phân tích đầy đủ dự báo tình hình dịch bệnh, dự báo lạm phát, đánh giá tình hình thực tế đảm bảo tính khả thi; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ…