30 năm tái lập thị trấn Đầm Hà (25/8/1991-25/8/2021)
28 Th7
I- KHÁI QUÁT VỀ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Thị trấn Đầm Hà là Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Đầm Hà. Trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ, khu vực thị trấn Đầm Hà ngày nay, xưa thuộc phủ Hải Đông, Châu Vạn Ninh. Những năm đầu thế kỷ 20, thuộc Châu Hà Cối, đến năm 1919 thuộc châu Đầm Hà, tỉnh Hải Ninh. Năm 1940, phố Đầm Hà là một đơn vị hành chính thuộc huyện Đầm Hà, chủ yếu dành cho bà con người Hoa sinh sống, với 5 khu trực thuộc được đặt tên là: phố Hàng Gạo, phố Giây Thép, phố Cũ, phố Lầu Voong, phố Quản Năm.
Năm 1954, phố Đầm Hà được giải phóng và đã có nhiều gia đình người Kinh đến cư trú làm ăn, sinh sống, các phố Hàng Gạo đổi thành phố Lê Hồng Phong, phố Giây Thép đổi thành phố Hoàng Văn Thụ, phố Lầu Voong đổi thành phố Hoàng Ngân, phố Quản Năm đổi thành phố Minh Khai. Phố Đầm Hà trở thành trung tâm của huyện Đầm Hà.
Đến năm 1957, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra Sắc lệnh đổi tên phố Đầm Hà thành “thị trấn Đầm Hà”. Ngày 23/6/1960 chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam của thị trấn được thành lập, hệ thống chính trị của thị trấn được kiện toàn, gồm Đảng, chính quyền và các đoàn thể Nhân dân.
Đứng trước yêu cầu về phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc, ngày 04/6/1969, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định 85/CP về “Hợp nhất huyện Đầm Hà và huyện Hà Cối thành huyện Quảng Hà”, khi đó thị trấn Đầm Hà là đơn vị thuộc huyện Quảng Hà, tỉnh Quảng Ninh. Cuối năm 1981, trước yêu cầu tăng cường công tác quốc phòng, xây dựng các cụm pháo đài chiến đấu bảo vệ biên giới, thị trấn Đầm Hà sáp nhập vào xã Đầm Hà; Đảng bộ thị trấn Đầm Hà trở thành Đảng bộ bộ phận thuộc Đảng bộ xã Đầm Hà, huyện Quảng Hà.
Ngày 28/5/1991, Ban Tổ chức Chính phủ ra Quyết định số 284/TCCP “Về việc tách 100 ha diện tích tự nhiên và 3.528 nhân khẩu của xã Đầm Hà để “tái lập thị trấn Đầm Hà”. Ngày 25/8/1991, Lễ công bố Quyết định 284/TCCP về “tái lập thị trấn Đầm Hà” được tổ chức; bộ máy chính quyền lâm thời Thị trấn Đầm Hà chính thức đi vào hoạt động. Sự kiện thị trấn Đầm Hà được tái lập là mốc lịch sử quan trọng, thể hiện sự vươn lên phát triển mạnh mẽ, đáp ứng lòng mong mỏi, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân các dân tộc trên địa bàn thị trấn, đồng thời đã tạo ra một động lực mới, khí thế mới trong đời sống xã hội của vùng đất này.
Trước nhu cầu của sự nghiệp đổi mới, ngày 29/8/2001, Chính phủ ban hành Nghị định 59/NĐ-CP về chia tách huyện Quảng Hà thành 2 huyện Hải Hà và Đầm Hà; khi đó thị trấn Đầm Hà có 4 phố, 3 thôn và là trung tâm chính trị, kinh tế – văn hóa – xã hội của huyện Đầm Hà. Ngày 12/6/2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2006/NĐ-CP “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số xã, phường, huyện”, trong đó tái lập xã Tân Lập và mở rộng thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh; theo đó thị trấn Đầm Hà được mở rộng thêm, với tổng diện tích tự nhiên 3,69 km2, gồm 10 khu phố, dân số 5.958 người, có 9 dân tộc cùng sinh sống: Kinh, Tày, Hoa, Mường, Nùng, Dao, Sán chỉ, Sán dìu, Cao lan. Đảng bộ thị trấn hiện có 15 chi bộ trực thuộc, với 440 đảng viên.
II- NHỮNG THÀNH TỰU NỔI BẬT SAU 30 NĂM TÁI LẬP
Sau 30 năm tái lập, mặc dù trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức; nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện; cùng với sự nỗ lực và tinh thần đoàn kết, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc thị trấn Đầm Hà đã phát huy truyền thống cách mạng, cụ thể hóa những những chủ trương, Nghị quyết sát đúng, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhất là trong 20 năm kể từ khi huyện Đầm Hà được tái lập, thị trấn Đầm Hà đã có bước phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng cải thiện và nâng cao.
1. Về kinh tế:
– Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp – dịch vụ, thương mại: đã có bước phát triển vượt bậc, từ 5 cơ sở sản xuất năm 2005 đến nay đã có 61 cơ sở sản xuất, trong đó 9 HTX và 52 Công ty TNHH. Từ quy mô nhỏ giá trị thấp, không đa dạng đến nay đã được mở rộng về quy mô, phát triển phong phú trên nhiều lĩnh vực như: Ngành kim khí điện, khai thác vật liệu xây dựng; chế biến lương thực, thực phẩm; chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng… Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp- thương mại dịch vụ đều tăng qua các năm. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu thương mại, dịch vụ năm 2020 đạt 925 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2010; Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2020 đạt 50 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với năm 2010.
– Sản xuất nông, lâm, thủy sản: do tốc độ đô thị hoá phát triển nhanh nên diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, từ 101,9 ha đất canh tác năm 2005 đến nay chỉ còn 79,9 ha. Đảng bộ Thị trấn đã chỉ đạo từng bước chuyển sản xuất nông nghiệp thuần tuý theo tập quán cũ sang sản xuất hàng hoá, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác, động viên nhân dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, đưa giống cây con có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất; đồng thời tạo điều kiện, khuyến khích nhân dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Giá trị ngành nông, lâm, thủy sản năm 2020 đạt 48 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2010.
– Về tài chính – Ngân sách: các hoạt động phát triển kinh tế được đẩy mạnh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát triển. Kết quả thu ngân sách trên địa bàn thị trấn giai đoạn 2015-2020 đạt trung bình 10,126 tỷ đồng/năm. Công tác vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh được quan tâm. Tổng dư nợ các ngân hàng đạt trên 350 tỷ đồng (tăng 280 tỷ đồng so với năm 2010), với trên 800 lượt hộ vay vốn.
– Chương trình chỉnh trang đô thị: cùng với sự quan tâm đầu tư của huyện, đã huy động được sự tham gia tích cực của Nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng, hiến đất, cây cối, vật kiến trúc trị giá hàng chục tỷ đồng; nhiều công trình an sinh, phúc lợi xã hội, hạ tầng giao thông, thoát nước, vệ sinh môi trường… được đầu tư trên địa bàn. Năm 2012, thị trấn Đầm Hà đã đạt tiêu chí đô thị loại V. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc thị trấn Đầm Hà đã và đang nỗ lực quyết tâm phấn đấu xây dựng thị trấn Đầm Hà trở thành Đô thị loại IV.
2. Văn hóa – xã hội:
– Công tác văn hoá – thông tin – thể dục, thể thao: đã có bước phát triển mạnh, phong trào thể dục, thể thao quần chúng và các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thông tin tuyên truyền được tổ chức với nhiều hình thức phong phú, thiết thực đã thu hút trên 60% dân số tham gia. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, đô thị văn minh”… được đẩy mạnh; tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu văn hoá hàng năm đạt trên 95%.
– Công tác Giáo dục và Đào tạo: thường xuyên được quan tâm, các trường học trên địa bàn đều là lá cờ đầu trong cấp học. Cả 03 trường đều giữ vững danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng Giáo dục cấp độ 3; 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn. Công tác khuyến học, khuyến tài luôn được các cấp, các ngành, các dòng họ, gia đình quan tâm triển khai đạt hiệu quả tốt.
– Công tác Y tế – Dân số: được thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế; công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được duy trì thường xuyên. Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, nhất là phòng chống dịch Covid-19 được tăng cường. Duy trì, giữ vững đạt bộ tiêu chí Quốc gia về y tế thị trấn giai đoạn 2011-2020.
– Việc thực hiện chính sách xã hội, giảm nghèo: được thực hiện hiệu quả, bảo đảm chi trả, đúng, đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công và các đối tượng xã hội; tạo điều kiện và giải quyết việc làm cho người lao động. Đến nay tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 96%. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0%, hộ cận nghèo giảm còn 0,49%.
3. Quốc phòng, an ninh:
– Công tác quân sự – quốc phòng địa phương: thường xuyên được cấp ủy tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo. Hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển quân hàng năm, đảm bảo chất lượng. Công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho các đối tượng, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn được quan tâm. Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.
– Công tác đảm bảo an ninh trật tự: thường xuyên được tăng cường, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn được giữ vững và ổn định. Lực lượng bảo vệ dân phố, đội dân phòng và lực lượng công an thị trấn thường xuyên kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” có bước phát triển với nhiều mô hình tiên tiến; giải quyết kịp thời những phát sinh ở địa bàn cơ sở, bảo đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn đô thị.
4. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị:
– Hoạt động của HĐND: thực hiện tốt vai trò là cơ quan quyền lực ở địa phương. Các kỳ họp của HĐND đã có nhiều đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả, phát huy tốt vai trò, chức năng cuả HĐND và quyền dân chủ của Nhân dân. Nhiều nguyện vọng chính đáng của nhân dân đã được quan tâm chỉ đạo giải quyết kịp thời.
– Hoạt động của UBND: có nhiều đổi mới trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; thu hút đầu tư xây dựng kết cấu kinh tế hạ tầng, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế xã hội; bảo đảm giải quyết kịp thời, có hiệu quả quyết đơn thư, kiến nghị của công dân và các vấn đề xã hội, Nhân dân quan tâm; xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh ở cơ sở.
– Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể: đã bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, đổi mới nội dung và đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng, chủ động nắm bắt tư tưởng của nhân dân; đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, vận động nhân dân gương mẫu chấp hành tốt các quy định của Đảng, Nhà nước và của cấp ủy, chính quyền địa phương. Thường xuyên quan tâm, củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao tỷ lệ tập hợp thu hút đoàn viên, hội viên, tỷ lệ tập hợp, thu hút đoàn viên, hội viên đạt 85%.
– Công tác xây dựng Đảng: luôn được Đảng bộ xác định là nhiệm vụ then chốt; trong 30 năm qua, Đảng bộ thị trấn Đầm Hà đã tập trung xây dựng xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Thực hiện tốt phương châm “toàn Đảng làm công tác tư tưởng”; đổi mới phương thức phổ biến tuyên truyền Nghị quyết của Đảng. Đảm bảo cung cấp những thông tin, định hướng tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân thông qua các kỳ sinh hoạt đảng, chương trình phổ biến thời sự, sinh hoạt khu phố. Năm 2010 toàn Đảng bộ có 235 đảng viên, đến nay đã có 440 đảng viên, trong đó trình sơ cấp độ lý luận chính trị là 125 đồng chí, chiếm 28,4%; trung cấp lý luận chính trị 130 đồng chí, chiếm 29,5%; cao cấp lý luận chính trị 34 đồng chí chiếm 7,7%.
III- Bài học kinh nghiệm
Từ thực tiễn sinh động 30 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ và Nhân dân thị trấn Đầm Hà có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là: Trong quá trình xây dựng và phát triển, phải tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp đổi mới của đất nước, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước,
Hai là: Nắm vững quan điểm phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, năng động, sáng tạo, vận dụng cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn, trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Tranh thủ sự giúp đỡ của tỉnh, của huyện, phát huy tối đa mọi nguồn lực, huy động các thành phần kinh tế tạo nên sức mạnh tổng hợp, nhằm thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế – xã hội mà Đại hội Đảng các cấp đã đề ra.
Ba là: Trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, phải tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý điều hành của Nhà nước. Tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữa vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Quan tâm phát triển sự nghiệp y tế, văn hoá, giáo dục gắn phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái.
Bốn là: Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và phát huy đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực. Mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy dân chủ, động viên mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế xã hội của thị trấn đã đề ra.
Phát huy thành quả đã đạt được 30 năm qua, nhằm tiếp thục xây dựng thị trấn Đầm Hà phát triển, Đảng bộ thị trấn Đầm Hà đã xác định mục tiêu nhiệm kỳ 2020 – 2025 là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy dân chủ, giữ vững kỷ luật, kỷ cương. Đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh của thị trấn để phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; xây dựng môi trường đô thị sáng – xanh – sạch – đẹp; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Chủ động, đổi mới, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực để phấn đấu xây dựng thị trấn Đầm Hà đạt tiêu chí đô thị loại IV”
IV- Một số dấu ấn tiêu biểu trong 30 năm tái lập thị trấn Đầm Hà (1991-2021)
Ngày 28/5/1991, Ban Tổ chức – Cán bộ của Chính phủ ban hành Quyết định 284/TCCP về tái lập thị trấn Đầm Hà; ngày 25/8/1991, tổ chức Công bố Quyết định 284/TCCP và bộ máy Chính quyền thị trấn Đầm Hà chính thức đi vào hoạt động.
Tháng 8/1992, Đảng bộ thị trấn Đầm Hà tổ chức Đại hội lần thứ Nhất.
Năm 2001, thực hiện Nghị định số 59/2001/NĐ-CP của Chính phủ về tái lập huyện Đầm Hà, thị trấn Đầm Hà có 4 phố và 3 thôn, là trung tâm chính trị, kinh tế – văn hóa của huyện.
Năm 2001, thành lập Trường THCS thị trấn Đầm Hà, từ đó thị trấn Đầm Hà có đủ 3 trường MN, TH và THCS.
Năm 2006, thực hiện Nghị định số 58/2006/NĐ-CP của Chính phủ về tái lập xã Tân Lập, thị trấn Đầm Hà được mở rộng với 369ha, có 10 khu phố.
Năm 2008 phục dựng Lễ Hội đình Đầm Hà sau 52 năm thất truyền; ngày 29/01/2011, Đình Đầm Hà được UBND tỉnh Quảng Ninh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.
Năm 2012 thị trấn Đầm Hà được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận đạt tiêu chí đô thị loại V.
Năm 2012, Nhân dân và cán bộ thị trấn Đầm Hà được nhận cờ dẫn đầu phong trào thi đua của UBND tỉnh Quảng Ninh; năm 2019, Trường TH thị trấn Đầm Hà được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Tháng 4/2020, Đảng bộ thị trấn Đầm Hà tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2020-2025, dự Đại hội có 180 đại biểu đại diện cho 417 đảng viên trong toàn Đảng bộ thị trấn.