Ngày 20/4/2023, UBND huyện đã tổ chức họp để nghe và cho ý kiến đối với việc sản xuất các sản phẩm OCOP, Kế hoạch chuẩn bị các sản phẩm tham gia Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Hè 2023 và kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị 13-CT/TU ngày 10/8/2021 của BTV Tỉnh ủy. Đồng chí Hoàng Vĩnh Khuyến – Chủ tịch UBND huyện chủ trì cuộc họp.
Thời gian qua, các cấp, các ngành luôn quan tâm tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị sản xuất, cộng đồng dân cư về chương trình OCOP và đăng ký phát triển sản phẩm OCOP. Giai đoạn 2010-2020 đã có 26 cơ sở với 36 sản phẩm tham gia chương trình, Ban điều hành OCOP huyện đã hướng dẫn các cơ sở hoàn thiện quy trình sản xuất. UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát nhu cầu hỗ trợ, mở rộng, xây dựng nhà xưởng, đầu tư dây truyền máy móc… để xây dựng kế hoạch hỗ trợ cụ thể từ nguồn vốn chương trình xây dựng NTM, tổng kinh phí hỗ trợ cho phát triển các sản phamat OCOP là hơn 11 tỷ đồng. Thường xuyên quan tâm đến công tác xúc tiến thương mại, quảng bá và giới thiệu sản phẩm OCOP cho các cơ sở sản xuất bằng nhiều hình thức. Để tham gia Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Hè 2023 tổ chức từ ngày 28/4-3/5/2023 tại Hạ Long, huyện Đầm Hà sẽ thành lập Đoàn tham gia và dự kiến đăng ký 8 gian hàng với các sản phẩm OCOP như: gà bản, củ cải, ngan sao Đầm Hà, trứng vịt biển Tân Bình, củ cải phên, củ cải khô, chân giò nướng Ba Miền, xá xùng khô, sản phẩm nông sản địa phương…
Phòng NN&PTNT báo cáo kết quả hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP.
Kết luận nội dung này, đồng chí Hoàng Vĩnh Khuyến – Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh chương trình OCOP đã dần từng bước khẳng định là chương trình phát triển kinh tế có trọng tâm, hiệu quả trong chương trình xây dựng NTM, chương trình đang đi đúng hướng, các sản phẩm tham gia chương trình đã được người dân trong huyện cũng như trong tỉnh và các tỉnh khác biết đến rộng rãi; thông qua chương trình OCOP đã thúc đẩy doanh nghiệp, HTX hình thành và phát triển. Đồng chí đề nghị các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp đầu tư phát triển thêm các sản phẩm mới, nâng cao chất lượng các sản phẩm hiện có đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường; chính quyền sẽ hỗ trợ người sản xuất, HTX, công ty trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tuyên truyền hỗ trợ tìm đầu ra cho các sản phẩm OCOP để các cơ sở ngày càng phát triển mở rộng thị trường và bán được nhiều sản phẩm. Phòng Kinh tế hạ tầng tập hợp nhu cầu của các hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp để kết nối với các chuyên gia giúp hỗ trợ cơ sở về công nghệ, nhãn mác, bao bì, tiêu thụ sản phẩm… Đối với việc tham gia Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Hè 2023, đồng chí Chủ tịch UBND huyện đề nghị các hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp có sản phẩm OCOP cần tích cực tham gia; chuẩn bị chu đáo hàng hóa theo nhu cầu thị trường, gửi sản phảm để phòng KTHT rà soát lại mẫu mã, bao bì sản phẩm đảm bảo chất lượng theo quy định; các HTX, doanh nghiệp, hộ sản xuất chủ động thăm quan, khảo sát tại Trung tâm OCOP tỉnh để đưa các sản phẩm OCOP của mình vào bày bán tại đây; các xã ven biển chuẩn bị các sản phẩm mẫu về thủy sản để trưng bày, giới thiệu tại Hội chợ.
Các xã báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị 13 của BTV Tỉnh ủy.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị 13-CT/TU ngày 10/8/2023 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện quan tâm chỉ đạo quyết liệt; các cơ quan, đơn vị, UBND các xã ven biển tăng cường công tác quản lý, tổ chức ra quân kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy hoạch, các cơ sở nuôi trồng thủy sản không phép, vi phạm về môi trường, giao thông tuyến thủy nội địa…, tính đến ngày 18/4/2023 đã di dời, giải tỏa được 68,92 ha/38 hộ/91 vị trí nuôi vi phạm; đã chuyển đổi được 363.484/456.385 phao xốp sang phao HDPE đảm bảo quy chuẩn, đạt tỷ lệ 79,6%, trong gần một tháng ra quân đoàn liên ngành huyện, xã đã lập biên bản 15 trường hợp, trong đó 4 trường hợp nhắc nhở, 11 trường hợp lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, buộc di dời, tháo dỡ công trình nuôi trồng thủy sản trên biển khôi phục trả lại hiện trạng ban đầu, số tiền phạt 275 triệu đồng. Hiện nay các xã đang tiếp tục triển khai tích cực đảm bảo hoàn thành việc chuyển đổi phao xốp theo lộ trình, kế hoạch.
Đồng chí Hoàng Vĩnh Khuyến – Chủ tịch UBND huyện phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Phát biểu chỉ đạo đối với nội dung này, đồng chí Hoàng Vĩnh Khuyến – Chủ tịch UBND huyện đề nghị các xã tập trung quản lý tốt địa bàn, đối với phao xốp xử lý xong phải được thu gom, tập kết theo quy định. Các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ với các xã trong thực hiện Chỉ thị 13 của BTV Tỉnh ủy; lực lượng công an và quân sự tăng cường nắm chắc địa bàn, đảm bảo ANTT; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về nội dung của chỉ thị 13 và công tác triển khai thực hiện. Phòng NN&PTNT tham mưu triển khai theo đúng quy định các nhiệm vụ. Phòng TN&MT tập trung quản lý, tham mưu xử lý phao xốp thu về theo đúng quy định; cập nhật số liệu, tọa độ, khu vực xử lý theo ngày trên hệ thống bản đồ vệ tinh. Các xã trong quá trình xử lý nếu gặp khó khăn, vướng mắc phải báo cáo kịp thời UBND huyện để giải quyết, các xã cần lập kế hoạch thực hiện xử lý các vi phạm cụ thể từ nay đến ngày 30/4/2023, quản lý chặt chẽ số lượng phao xốp đã thu về.
Quốc Nghị