Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, Đảng bộ và nhân dân Đầm Hà cùng miền Bắc đứng lên khắc phục hậu quả nặng nề , do chính sách đàn áp, bóc lột dã man của bọn thực dân, phản động gây nên; với mục tiêu diệt “giặc đói, giặc dốt”, nhằm ổn định cuộc sống của nhân dân, khôi phục và phát triển kinh tế.
Ở Đầm Hà, sau giải phóng, cơ sở vật chất nghèo nàn, nhà cửa, ruộng vườn bị giặc tàn phá, đời sống nhân dân khó khăn. Trong khi đó, bọn phản động trong và ngoài nước đang cấu kết với nhau nhằm phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Trước tình hình đó, Đảng ta đã khẳng định nhiệm vụ nặng nề của nhân dân cả nước, cũng như chính quyền và nhân dân Đầm Hà là: Khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, củng cố vùng Đông Bắc; nhiệm vụ trước mắt của Ban cán sự Đảng và nhân dân trong huyện là chống đói, chống dịch bệnh, trừ giặc dốt. Để hoàn thành nhiệm vụ, Ban cán sự Đảng huyện đã họp và đề ra phương châm: “lấy lá lành đùm lá rách”, “đẩy mạnh sản xuất để cứu đói”, phát động phong trào “toàn dân đẩy mạnh sản xuất phòng và chữa bệnh, xây dựng cuộc sống mới”. Phong trào thi đua sản xuất diễn ra rộng khắp. Các ngành nghề được mở mang, nhiều nghề thủ công, nghề truyền thống được khôi phục. Nhiều cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Phong trào văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi nổi. Chỉ trong một thời gian ngắn, nạn đói đã được đẩy lùi. Đến hết năm 1954, trên 7.000 người đã được xóa mù chữ, biết đọc thông thạo tiếng phổ thông. Nhiều âm mưu phá hoại, bạo loạn của kẻ thù bị đập tan. Tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, đoàn thể được củng cố, kiện toàn.
Trong không khí thi đua lao động sản xuất và học tập của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện, từ ngày 16 đến ngày 21/1/1959, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ I long trọng được tổ chức. Về dự Đại hội có 48 đại biểu đại diện cho toàn thể Đảng viên trong 7 chi bộ của Đảng bộ. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ mới gồm 9 đồng chí, trong đó 7 đồng chí ủy viên chính thức, 2 đồng chí ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Trung Quốc được bầu làm Bí thư Huyện ủy. Đại hội đã ra lời kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên đoàn kết một lòng, thi đua phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng thêm giàu đẹp. Cùng với việc củng cố tổ chức cơ sở Đảng, các cơ quan Nhà nước ở huyện cũng được củng cố, kiện toàn. Phong trào Hợp tác hóa được đẩy mạnh. Phong trào tổ đổi công được duy trì và nhân rộng. Nhiều công trình thủy lợi được xây dựng phục vụ sản xuất. Năm 1959, năng xuất lúa bình quân của huyện đạt 56,6 tạ/ha. Hằn học trước những thành quả của nhân dân ta đạt được, bọn phản động trong người Hoa cấu kết với bọn phản động nước ngoài, bọn gián điệp Mỹ – Tưởng điên cuồng chống lại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Trước tình hình ấy, thực hiện sự chỉ đạo và tăng cường của Tỉnh ủy và công an tỉnh Hải Ninh, Huyện ủy Đầm Hà đã chỉ đạo các lực lượng công an, quân sự bằng nhiều hình thức vận động, thuyết phục, kết hợp bao vây, trùng trị những phần tử ngoan cố, chống đối, đập tan âm mưu bạo loạn, gây rối của kẻ thù.
BCH Đảng bộ huyện Đầm Hà khóa II
Ngày 9/1/1960, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứu II được tổ chức. Đại hội bầu ra Ban Chấp hành gồm 14 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Trung Quốc, Bí thư khóa I được củ đi học trường Nguyễn Ái Quốc, Tỉnh ủy đã điều động đồng chí Nguyễn Thế Hưng – Tỉnh ủy viên về làm Bí thư Huyện ủy khóa II. Thực hiện lời dạy của Bác về đẩy mạnh củng cố và phát triển hợp tác xã, đến hết năm 1960, 82% số hộ nông dân toàn huyện đã vào hợp tác xã. Cùng với nông nghiệp, công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa diễn ra trên nhiều lĩnh vực: cải cách tiền lương, mở rộng mạng lưới dịch vụ thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, phát triển ngành nghề thủ công nghiệp, xây dựng 2 hợp tác xã tiểu thương cơ sở tự nguyện. Giáo dục, y tế có bước phát triển. Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lỷ A Cỏong – người chỉ huy lực lượng dân quân xã Thanh y, đã có nhiều thành tích trong công tác tiễu phỉ trừ gian
Đầu tháng 4 năm 1960, một số phần tư phản tuyên truyền do tên Phún Quay Thềnh, Vương Mạnh cầm đầu đã lôi kéo một số đối tượng phản động ở Tân Bình, Nà Pá, Mộc Bài, Đầm Hà phối hợp với lực lượng phỉ từ Tuyên Quang âm mưu chống phá cách mạng. Trước tình hình đó, cùng với Công an tỉnh Hải Ninh, ta tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động, kết hợp tấn công vũ trang, bao vây, truy quét. Đến hết ngày 5/6/1960, tổ chức thổ phỉ này đã bị đập tan, bắt sống tên Chíu SỒi Thống và nhiều tên khác đưa ra truy tố pháp luật. Đến đầu năm 1961, toàn huyện đã cơ bản xóa được bọn thổ phỉ trên địa bàn, đập tan âm mưu thâm độc của thổ phỉ, phản động cài cắm; củng cố và bảo vệ vững chắc vùng đất Đầm Hà.
Thanh Nga – Trung tâm TT&VH (Theo “Lịch sử Đảng bộ huyện Đầm Hà 1945 – 2005)