Ngày 25/8/ 1991 Thị trấn Đầm Hà được tái lập theo quyết định 284/CP của ban tổ chức cán bộ chính phủ. 30 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thị trấn Đầm Hà đã phát huy truyền thống đoàn kết, cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, chung sức chung lòng vượt qua khó khăn thách thức, xây dựng Thị trấn Đầm Hà trở thành trung tâm kinh tế chính trị của huyện và là địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế thương mại dịch vụ, nâng cao toàn diện đời sống cho nhân dân.
Thị trấn Đầm Hà xưa kia chỉ là một con phố nhỏ nằm ở phía tây sông Đầm Hà qua nhiều lần chia tách địa giới hành chính, thị trấn Đầm Hà được mở rộng với diện tích lên đến 3,69 km2. Người dân thị trấn Đầm Hà có bản chất cần cù chịu khó trong lao động sản xuất, thành thạo với nghề cấy lúa nước, trồng màu, chăn nuôi, sản xuất gạch ngói truyền thống, đúc rèn, chế biến dược liệu, phát triển dịch vụ, kinh doanh buôn bán. Những ngày đầu sau khi tái lập, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thị trấn Đầm Hà gặp vô vàn khó khăn. Cơ sở hạ tầng thiếu thốn, gần như chưa có gì; kinh tế nghèo nàn, lạ hậu, mang tính tự cung tự cấp, sản xuất nhỏ lẻ; tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao.
Đứng trước tình hình đó, Đảng bộ Thị trấn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nhanh chóng kiện toàn bộ máy tổ chức của Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể; nêu cao tinh thần và phát huy trí tuệ của cả hệ thống chính trị bàn và đưa ra những giải pháp phù hợp, quyết sách đúng đắn nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, động viên nhân dân tích cực lao động sản xuất, nâng cao đời sống.
Một góc phố thị trấn huyện Đầm Hà ngày nay
Với điều kiện tự nhiên và giao thông thuận lợi, thị trấn Đầm Hà xác định thương mại dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn, vì vậy những năm qua cùng với sự quan tâm của nhà nước, của tỉnh, của huyện, thị trấn Đầm Hà đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường giao thông. Bằng việc quy hoạch sắp sếp lại khu dân cư và mở các tuyến đường giao thông hợp lý, đầu tư nâng cấp, kiên cố hóa các tuyến giao thông quan trọng nối liền giữa thị trấn Đầm Hà với các địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông thương hàng hóa giữa thị trấn Đầm Hà với các vùng miền trong và ngoài huyện. Đồng thời đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng cho các thành phần kinh tế; khuyến khích các hộ gia đình, các doanh nghiệp trong và ngoài huyện đầu tư vốn, các phương tiện, thiết bị kỹ thuật phát triển các loại hình thương mại dịch vụ. Hoạt động thương mại được mở rộng kết nối với các thị trường lân cận như Tiên Yên, Hải hà, Móng Cái và thành phố Hạ Long, tạo ra nguồn hàng hóa phong phú đa dạng đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng của nhân dân. Đi đôi với phát triển thương mại dịch vụ, công nghiệp tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thị trấn cũng đang có bước phát triển khá, với chủ trương mở rộng sản xuất theo hướng HTX, tổ hợp tác, công ty TNHH đã khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật, mở rộng sản xuất kinh doanh. Từ 5 cơ sở sản xuất (năm 2005), đến nay, Thị trấn Đầm Hà đã có 61 cơ sở sản xuất phát triển, hoạt động hiệu quả. Các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cơ bản đáp ứng nhu cầu của thị trường; từ quy mô nhỏ, giá trị thấp, không đa dạng đã được mở rộng về quy mô, phát triển phong phú trên nhiều lĩnh vực như: ngành kim điện cơ khí, vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, chế biến lương thực, thực phẩm. Sự xuất hiện ngày càng nhiều các doanh nghiệp, công ty THHH trên địa bàn đã góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Trong 5 năm (2015 – 2020), tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ thương mại đạt 2.951 tỷ đồng, tăng bình quân 17,95%/năm; tổng giá trị sản xuất ngành CN, TTCN đạt 167,24 tỷ đồng, tăng bình quân 16,86%/năm. Năm 2020, tỷ trọng ngành dịch vụ, thương mại chiếm 80,5%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng chiếm 14,5% trong cơ cấu kinh tế.
Nhà máy gạch tuynel Đầm Hà đẩy mạnh sản xuất đi đôi với đảm bảo an toàn lao động
Trong sản xuất nông nghiệp, với tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp để xây dựng cơ sở hạ tầng. Đảng bộ Thị trấn Đầm Hà đã chỉ đạo từng bước chuyển sản xuất nông nghiệp thuần túy theo tập quán cũ sang sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác; động viên nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, đưa những giống cây con có năng suất, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất; bước đầu tổ chức sản xuất theo quy mô nhóm hộ. Thị trấn hiện có 8 HTX, 15 trang trại, gia trại hoạt động có hiệu quả. Trong 5 năm gần đây, giá trị ngành trồng trọt đạt 4,2 tỷ đồng/năm, bằng 114,03% so với nhiệm kỳ trước. Cùng với trồng trọt nhân dân đã đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản, xây dựng chuồng trại, mở rộng các trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm lên tới hàng trăm con. Nhiều hộ chăn nuôi cho thu nhập cao hàng trăm triệu đồng. Năm 2020, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 48 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2010.
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của Công ty Cổ phần thương mại xây dựng Đầm Hà cho hiệu quả kinh tế cao
Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa xã hội cũng được quan tâm. Sự nghiệp giáo dục đã có bước phát triển mới cả về quy mô, chất lượng và cơ sở vật chất. Hệ thống trường học đều được đầu tư khang trang với các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác giảng dạy. Các trường Mầm non, Tiểu học, THCS, đều được công nhận trường chuẩn quốc gia; tiếp tục duy trì phổ cập giáo dục tiểu học, THCS. Đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa, nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành giáo dục. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp vào các trường Cao đẳng, Đại học ngày càng tăng. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm. Cơ sở vật chất trang thiết bị y tế được tăng cường. Các chương trình y tế quốc gia, tiêm chủng mở rộng cho trẻ em, phòng ngừa các bệnh xã hội được đẩy mạnh. Hoạt động văn hóa, thể dục thể thao ngày càng đa dạng, phong phú và phát triển. Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đô thị văn minh được nhân dân các khu phố đón nhận và đồng tình hưởng ứng, hàng năm có trên 95% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; phòng trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển mạnh, thu hút trên 60% dân số tham gia. Đặc biệt, sau 52 năm thất truyền, Lễ hội Đình Đầm Hà được phục dựng, Đình Đầm Hà được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, góp phần khơi dậy và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của nhân dân. Cùng với đó, các chương trình quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm, các phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh; việc thực hiện chi trả chế độ, chính sách cho người có công và các đối tượng xã hội được thực hiện đúng, đủ, kịp thời. Hiện nay trên địa bàn thị trấn không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 0,49%; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 96%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn đảm bảo, quốc phòng an ninh được giữ vững.
Các chính sách xã hội được quan tâm
Công tác chỉnh trang đô thị được quan tâm đẩy mạnh. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi, chỉnh trang đô thị, các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng khang trang và đưa vào sử dụng. Điển hình như đường Đầm Hà – Đầm Buôn, kè bờ sông Đầm Hà giai đoạn 2, ngã 5 Bưu Điện cũ, đường Minh Khai 2, Cải tạo đường phố Bắc Sơn, Cải tạo đường phố Lỷ A Coỏng đến Tân Thanh, Chỉnh trang đô thị qua các khu phố trên địa bàn, những dãy nhà cao tầng đã mọc lên thay thế những ngôi nhà mái ngói trước kia. Qua đó, đã tạo cho thị trấn Đầm Hà một diện mạo mới, trở thành một đô thị sáng, xanh, sạch, đẹp. Năm 2012 thị trấn Đầm Hà được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận đạt tiêu chí Đô thị loại V. Đến nay, Thị trấn đã hoàn thành 3/6 tiêu chí về xây dựng Đô thị loại IV.
Gắn biển công trình cổng tường rào nhà văn hóa phố Chu Văn An
Trong công tác xây dựng Đảng, để không ngừng nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, những năm qua, Đảng bộ thị trấn Đầm Hà đã từng bước đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng gần dân, sát dân, hướng về cơ sở; chủ động xây dựng các chương trình kế hoạch thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh tập trung chỉ đạo xây dựng các chi bộ cơ sở vững mạnh; đổi mới nâng cao chât lượng sinh hoạt chi bộ; giải quyết các vấn đề mới, vấn đề khó trong nhân dân. Từ Đảng bộ đến các chi bộ cơ sở luôn thực hiện tốt công vận động quần chúng, chăm lo xây dựng chỉnh đốn đảng, đảm bảo tốt nguyên tắc tập trung, dân chủ, tự phê bình và phê bình trong các cuộc sinh hoạt. Việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng được giám sát chặt chẽ góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ đảng viên. Đặc biệt, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, Khóa XII) gắn với Chỉ thị 05 CT/TW của Bộ Chính trị được triển khai thực hiện nghiêm túc, gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, vai trò, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên. Qua đó, tạo sự chuyển biến ttích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Tinh thần thái độ, ý thức trách nhiệm với công việc, ý thức phục vụ nhân dân ngày càng được nâng lên. Công tác bồi dưỡng, kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng cũng được quan tâm chỉ đạo. Từ một đảng bộ với trên 67 đảng viên đến nay Đảng bộ thị trấn Đầm Hà đã có 15 chi bộ trực thuộc với 440 đảng viên. Cùng với đó, Thị trấn Đầm Hà tập trung chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ đi đôi với phát huy vai trò, năng lực, sở trường của cán bộ, đảng viên; thực hiện sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 18, Nghị quyết 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 – Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII); Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng, thực hiện nghiêm túc quy định tiếp công dân của người đứng đầu cấp ủy, qua đó lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng, giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền được nâng lên. MTTQ và các đoàn thể nhân dân không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về địa bàn dân cư gắn với thực hiện quy chế dân chủ, phát huy vai trò của quần chúng thực hiện chức năng giám sát bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho đoàn viên, hội viên và nhân dân, tổ chức tốt các phong trào thi đua, hỗ trợ đoàn viên phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho đoàn viên, hội viên nêu cao vai trò gương mẫu, tích cực lao động sản xuất nâng cao đời sống. Qua đó đã góp phần xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân với Đảng.
Đại hội đại biểu Đảng bộ Thị trấn lần thứ VIII nhiệm kỳ 2020 – 2025
Sau 30 năm phấn đấu, xây dựng và phát triển, Thị trấn Đầm Hà đã Thị trấn Đầm Hà đã có những bước phát triển vượt bậc, gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2015 – 2020 đạt 16,38%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Văn hóa – xã hội phát triển toàn diện. Đời sống nhân dân được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng/năm. Hệ thống chính trị được củng cố kiện toàn. Thị trấn Đầm Hà trở thành trung tâm chính trị, kinh tế văn hóa của huyện. Với ý chí quyết tâm, sự đoàn kết, chủ động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tin tưởng rằng Thị trấn Đầm Hà sẽ tiếp tục bứt phá đi lên, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020 – 2025 và những năm tiếp theo; xây dựng Thị trấn ngày càng phát triển.
Thanh Nga – Mai Thắm (Trung tâm TT&VH)