Chủ đề công tác năm 2020: "Huyện Đầm Hà tự hào tiến bước dưới cờ Đảng" - Chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020)

Tháng Hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 (Từ ngày 10/11 – 10/12/2020)

Kể từ khi người nhiễm HIV được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1990, đến nay Việt Nam đã có 30 năm ứng phó với dịch HIV/AIDS và cách ứng phó của Việt Nam đã được bao phủ một cách toàn diện ở nhiều mặt:

– Về tổ chức: Việt Nam đã có một hệ thống tổ chức phòng, chống HIV/AIDS chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương. Và từ hướng dẫn của Trung ương, tại các địa phương cũng đã có một hệ thống phòng, chống HIV/AIDS tương tự để đảm bảo vận hành việc ứng phó với đại dịch một cách hiệu quả.

– Về hành lang pháp lý: Luật phòng, chống HIV/AIDS ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/01/2007. Ngoài ra trong 30 năm, cũng đã ba lần Chính phủ Việt Nam ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống AIDS, hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn chuyên môn đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác phòng chống HIV/AIDS; đảm bảo tính thống nhất chỉ đạo, huy động đa ngành và tăng cường thu hút đầu tư quốc tế vào công tác phòng chống HIV/AIDS.

– Bên cạnh đó, việc cung cấp các dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS liên tục được cập nhật, đổi mới, áp dụng các sáng kiến và khuyến cáo mới nhất của các tổ chức quốc tế giúp mở rộng về độ bao phủ và tăng cường về chất lượng các dịch vụ. Những năm gần đây, Việt Nam mỗi năm xét nghiệm cho khoảng 3 triệu lượt khách hàng; Dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV cho hàng triệu người; Triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cho hơn 50 ngàn người; Điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV cho hơn 150 ngàn người; cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; An toàn truyền máu; Dự phòng các nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục, can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV,… được tích cực đẩy mạnh.

– Ngoài ra, với sự tham gia của các tổ chức xã hội, hợp tác quốc tế cũng là điểm sáng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS: Việt Nam đã tranh thủ và nhận được sự hỗ trợ to lớn của các tổ chức quốc tế. Chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã huy động được nhiều nguồn tài chính quốc tế từ các nhà tài trợ song phương và đa phương. Với những giai đoạn sự hỗ trợ về nguồn lực của các tổ chức quốc tế chiếm tới hơn 70% tổng chi tiêu cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Cùng với đó, những người nhiễm HIV đã tích cực tham gia vào các nhóm tự lực và thành lập các mạng lưới, các tổ chức cộng đồng lớn mạnh cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Với những kết quả đã đạt được trong 30 năm qua, Việt Nam đã kiểm soát tốt đại dịch HIV/AIDS. Mười ba năm liền, Việt Nam đã chặn đà gia tăng của đại dịch, khống chế dịch trên cả 3 tiêu chí: Giảm số người nhiễm mới HIV, giảm số người tử vong do AIDS và giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS; tiến gần đến các mục tiêu 90-90-90 đã cam kết tạo cơ hội để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam.

Ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2030 trong đó có mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã đặt ra mục tiêu vào năm 2030 Việt Nam về cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS. Đây cũng là mục tiêu toàn cầu về phòng, chống HIV/AIDS.

Tại Quảng Ninh

Tại Quảng Ninh, từ ca nhiễm đầu tiên năm 1994 đến nay trên địa bàn tỉnh có hơn 5 nghìn người nhiễm HIV/AIDS còn sống và được điều trị ARV. Quảng Ninh là một trong số ít tỉnh, thành trên cả nước đạt được mục tiêu của Liên Hợp Quốc đề ra là có trên 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV.

Từ năm 2019 tỉnh Quảng Ninh đã triển khai cấp thuốc ARV từ nguồn Bảo hiểm Y tế. Người bệnh sẽ được BHYT chi trả phần lớn chi phí khám, chữa bệnh khi tham gia bảo hiểm. Hiện tỉnh duy trì 12 phòng khám ngoại trú điều trị ARV. Duy trì và triển khai chương trình can thiệp giảm tác hại HIV/AIDS tại 7 huyện, thị xã, thành phố trọng điểm như Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn cho nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao như: nhóm nghiện chích ma túy, mại dâm, di dân tự do. Các đối tượng được sử dụng bơm kim tiêm sạch, sử dụng bao cao su đúng cách, được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ khám chữa bệnh, tư vấn xét nghiệm miễn phí đã góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh ra cộng đồng. Bên cạnh đó, dịch vụ điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone ở 5 cơ sở tại Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều và Vân Đồn được duy trì với trên 1 nghìn bệnh nhân điều trị.

Đặc biệt, từ đầu năm 2019, chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả và Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp ngăn ngừa ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV cho những người chưa nhiễm.

Giai đoạn 2015-2020, UBND tỉnh Quảng Ninh đã  phê duyệt đề án đảm bảo tài chính cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đáp ứng nhu cầu kinh phí cho chương trình. Phát huy những kết quả đã đạt được, giai đoạn 2021 – 2030 đang tiếp tục xây dựng kế hoạch đảm bào tài chính với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trong dự phòng, duy trì các cơ sở Methadone hiện có,  tăng cường công tác giám sát dịch, xét nghiệm HIV tại cộng đồng tìm ca bệnh và mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) cho đối tượng nguy cơ cao; đẩy mạnh các hoạt động trong chương trình chăm sóc và điều trị HIV/AIDS; tăng cường các hoạt động cung cấp dịch vụ điều trị HIV qua BHYT.

Trong thời gian tới, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội cùng với sự chung tay, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh sẽ đạt được nhiều thành tựu và kết quả như mong muốn, phấn đấu hoàn thành mục tiêu “95-95-95” để góp phần vào kết quả chung của toàn quốc nhằm kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 tại Việt Nam.