Chủ đề công tác năm 2020: "Huyện Đầm Hà tự hào tiến bước dưới cờ Đảng" - Chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020)

Nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội giúp các hộ dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng

Những năm qua, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn huyện Đầm Hà đã làm tốt công tác ủy thác vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, trở thành cầu nối quan trọng khi mang nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách; từ đó, nhiều gia đình đã có vốn để đầu tư vào phát triển trồng trọt, chăn nuôi, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Tính đến ngày 31/3/2024, tổng dư nợ ủy thác cho vay qua 4 tổ chức chính trị – xã hội của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đầm Hà là 352.902 triệu đồng chiếm 99,7% dư nợ tại NHCSXH. Thông qua 12 chương trình tín dụng, vốn vay được ủy thác qua 33 hội, đoàn thể cấp xã, 107 Tổ TK&VV.Trong đó tổng dư nợ do Hội LHPN huyện quản lý là 178.228 triệu đồng, với 2.078 hộ vay vốn tại 50 tổ TK&VV, chiếm tỷ trọng 50% trên dư nợ ủy thác cho vay; Hội Nông dân huyện quản lý 98.687 triệu đồng, với 1.220 hộ vay vốn tại 34 tổ TK&VV, chiếm tỷ trọng 28% trên dự nợ ủy thác cho vay; Hội CCB huyện quản lý 27.909 triệu đồng với 328 hộ đang vay vốn tại 9 tổ TK&VV, chiếm 8% tỷ trọng trên dự nợ ủy thác cho vay; Đoàn Thanh niên huyện quản lý 48.078 triệu đồng, với 570 hộ vay vốn, chiếm tỷ trọng 14% trên dư nợ ủy thác cho vay.

Để quản lý hiệu quả nguồn vốn vay NHCSXH huyện đã ký văn bản liên tịch với các tổ chức chính trị xã hội huyện, hợp đồng ủy thác với các tổ chức chính trị xã hội cấp xã và hợp đồng ủy nhiệm với Tổ trưởng Tổ TK&VV. Các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác đã bám sát nội dung đã được ký kết với Ngân hàng CSXH huyện, chủ động tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ về tín dụng chính sách xã hội tới đoàn viên hội viên và nhân dân. Các tổ chức chính trị xã hội đã thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các tổ TK&VV; tổ chức họp, bình xét cho vay theo đúng quy định, dân chủ, công khai, đúng đối tượng, duy trì sinh hoạt tổ hàng tháng, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Cùng với việc làm cầu nối để bà con nhân dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách một cách nhanh nhất, các tổ chức chính trị xã hội cũng đã tích cực phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật đồng thời tổ chức tham quan, chia sẻ các mô hình kinh tế hiệu quả, qua đó thu hút tập hợp được đoàn viên, hội viên, thành viên các tổ TK&VV tích cực tham gia chuyển đổi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn đầu tư mở rộng trang trại, gia trại, giúp cho nhiêu hộ gia đình vươn lên thoát nghèo và làm giàu, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương..

Chất lượng tín dụng và chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV được củng cố và nâng cao, công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, tỷ lệ thu lãi đạt cao. Thông qua hoạt động ủy thác, các tổ chức chính trị – xã hội có thêm điều kiện củng cố tổ chức mình gần dân, sát dân hơn; thu hút, tập hợp được đông đảo hội viên, làm cho hội viên tin tưởng, gắn bó hơn với tổ chức mình. Phương thức ủy thác qua các tổ chức chính trị – xã hội đã huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị qua đó chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của Chính phủ, của tỉnh, huyện đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ biết sử dụng vốn vay nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Thông qua tín chấp, hội viên phụ nữ xã Tân Bình được vay vốn phát triển mô hình trồng dâu tây

Thời gian tới, Ngân hàng CSXH huyện Đầm Hà tiếp tục bám sát định hướng phát triển kinh tế của huyện để thực hiện các chương trình cho vay theo quy định. Chủ động đáp ứng tối đa nhu cầu vay vốn của các đối tượng thuộc diện được vay, có khả năng, phương án đầu tư sản xuất, kinh doanh khả thi. Tạo thuận lợi cho các hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, gia đình chính sách tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế hộ. Chủ động phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn và các hội, đoàn thể nhận ủy thác tổ chức giải ngân kịp thời nguồn vốn mới được phân bổ, đáp ứng nhu cầu vốn của các đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, tích cực huy động vốn từ nguồn ngân sách địa phương để bổ sung vào nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Phối hợp tốt với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ban, ngành chức năng của huyện tập trung chỉ đạo, kiểm tra, giám sát nguồn vốn vay, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách giảm nghèo bền vững ở các địa phương trong huyện.

                                                     Mai Thắm (Trung tâm TT&VH)