Năm 2018, huyện Đầm Hà xây dựng mục tiêu phấn đấu có ít nhất 10 thôn, bản ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của người dân, đến nay Đầm Hà đã hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra với 14 thôn, bản ra khỏi diện đặc biệt khó khăn.
Đầu năm nay huyện Đầm Hà còn 1 xã (Quảng Lâm) và 19 thôn, bản đặc biệt khó khăn, từ nguồn vốn chương trình 135 là 46.065 triệu đồng, huyện tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng hỗ trợ phát triển sản xuất. Đến nay 100% các xã vùng 135 có đường bê tông đến tận thôn, bản. Hệ thống trường học, trạm y tế, điện sinh hoạt, thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng khang trang. Các xã vùng dân tộc thiểu số đã tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy thế mạnh từng vùng, áp dụng KHKT, phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, tiêu biểu như các mô hình nuôi ong, nuôi bò sinh sản, trồng rừng, trồng quế. Đặc biệt 3 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã đăng ký phát triển 3 sản phẩm: Củ cải, lá tắm người Dao; rượu khoai men lá. Thu nhập các hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tăng, trong 14 thôn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn có 4 thôn trước lộ trình 1 năm là thôn An Sơn, Nà Cáng xã Quảng An; bản Bình Hồ, Lý Sáy Chảy xã Quảng Lâm.
Năm 2019 Đầm Hà còn 1 xã và 5 thôn đặc biệt khó khăn, huyện sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, dự án phát triển kinh tế ở các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào vùng dân tộc thiếu số để phát triển kinh tế xã hội, tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng, giảm nghèo bền vững. Khuyến khích ứng dụng KHKT vào sản xuất, xây dựng và phát triển các sản phẩm đặc trưng vùng dân tộc thiếu số góp phần nâng cao thu nhập cải thiện đời sống cho nhân dân, phấn đấu sớm đưa xã Quảng Lâm và các thôn còn lại ra khỏi diện ĐBKK hoàn thành chương trình 135.
Mai Thắm (Trung tâm TT&VH Đầm Hà)