Ngày 9/8/2021, Thường trực Tỉnh ủy họp giao ban tuần chỉ đạo các biện pháp cấp bách mới để phòng, chống dịch Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh trong nước ngày càng diễn biến phức tạp. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh, chủ trì cuộc họp. Cuộc họp được trực tuyến tới 13 địa phương cấp huyện và 177 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Dự tại điểm cầu huyện Đầm Hà có các đồng chí Thường trực Huyện ủy, HĐND, lãnh đạo UBND huyện, các xã, thị trấn; BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 cấp huyện, các xã, thị trấn.
Tính đến sáng ngày 9/8, Việt Nam có 215.560 ca nhiễm, trong đó có 213.200 ca nhiễm cộng đồng. Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước của đợt dịch thứ 4, kể từ 27/4 đến nay là 211.630 ca, trong đó có 68.723 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Trong 7 ngày vừa qua, trung bình mỗi ngày nước ta ghi nhận 7.466 ca mắc mới và 265 ca tử vong. Nhiều nhất vẫn ở khu vực Miền Nam như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An… Riêng Hà Nội, từ ngày 2/8-9/8 đã ghi nhận 493 ca mắc mới trong cộng đồng. Các tỉnh tiếp giáp với Quảng Ninh như Hải Dương, Lạng Sơn, Bắc Giang cũng liên tiếp ghi nhận ca mắc mới. Tại Quảng Ninh, từ ngày 28/6 đến nay đã qua 41 ngày chưa phát hiện ca nhiễm cộng đồng và là 2/62 tỉnh, thành phố trong 14 ngày qua chưa ghi nhận trường hợp nhiễm mới.
Các đại biểu dự họp tại điểm cầu huyện Đầm Hà
Trước diễn biến phức tạp của dịch, trong tuần qua, tỉnh Quảng Ninh đã siết chặt các biện pháp phòng dịch trên địa bàn toàn tỉnh, gồm: Thực hiện tạm dừng một số hoạt động trên địa bàn; siết chặt công tác quản lý các chợ đầu mối, chợ dân sinh; không tổ chức các hoạt động, sự kiện tập trung đông người; tăng cường kiểm soát người từ tỉnh ngoài đến vào địa bàn, các địa phương trên cơ sở áp dụng các biện pháp thiết chặt quản lý tại các cửa ngõ ra vào tỉnh. Tỉnh tiếp tục triển khai xét nghiệm sàng lọc diện rộng đối với tiểu thương, người bán hàng, nhân viên, người lao động làm việc tại các chợ, trung tâm thương mại; ngư dân, những người làm dịch vụ phục vụ liên quan tại các cảng, bến thủy, bến cá, tầu cá; người lao động, công nhân các công trường xây dựng… Đối với công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số người cần tiêm chủng trên địa bàn tỉnh là 1.028.835 người. Số người đã cập nhật danh sách lên phần mềm hồ sơ tiêm chủng Covid-19 là 790.165 người, đạt tỷ lệ 76,80%.
Kết luận nội dung này, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt các chủ trương của Trung ương, của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nhờ đó đến thời điểm này, Quảng Ninh vẫn là địa bàn an toàn, đã qua 41 ngày chưa phát hiện ca nhiễm cộng đồng và được Trung ương đánh giá là 1 trong 2 tỉnh duy nhất trong cả nước vẫn chưa ghi nhận ca F0 trong 14 ngày qua. Đặc biệt, sự tin tưởng, ủng hộ và kỳ vọng của người dân vào các chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch của tỉnh ngày càng được củng cố và tăng lên. Sức sản xuất của các ngành kinh tế chủ lực vẫn được duy trì, đảm bảo mục tiêu kép. An sinh xã hội được chăm lo thông qua nhiều quyết sách của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.
Tuy nhiên trong tuần, qua kiểm tra giám sát vẫn phát hiện 3 lỗ hổng trong phòng, chống dịch, dẫn đến nguy cơ mầm bệnh có thể xâm nhập vào địa bàn bất cứ lúc nào. Đó là việc quản lý, kiểm soát phòng chống dịch bệnh trên tuyến đường thủy nội địa dù đã có quan tâm bước đầu trong thực hiện một số chủ trương mới của tỉnh nhưng vẫn còn lỏng lẻo, nhiều sơ hở, nhất là ở các chốt kiểm soát như tại cảng Điền Công (TP Uông Bí) và dọc tuyến luồng từ TX Quảng Yên đến TX Đông Triều. Việc sàng lọc các trường hợp có biểu hiện ho, sốt tại các cơ sở y tế chưa triệt để. Một số địa phương chưa quyết liệt trong việc chỉ định lấy mẫu, xét nghiệm sàng lọc để tầm soát chủ động trong cộng đồng, đặc biệt là ở các địa bàn, đối tượng trọng điểm.
Để giữ được thành quả đã đạt được, đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh kêu gọi hệ thống chính trị toàn tỉnh, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và người dân Quảng Ninh cam kết quyết tâm giữ vững địa bàn an toàn, ổn định, không để nảy sinh ổ dịch trên địa bàn, giảm thiểu thấp nhất ca mắc và số ca tử vong để góp phần thực hiện mục tiêu kép. Để thực hiện mục tiêu trên, nhất quyết phải tiếp tục củng cố, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương và trực tiếp là lực lượng tuyến đầu.
Chỉ đạo nhiệm vụ cụ thể, đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh yêu cầu kiên quyết, kiên trì ngăn chặn có hiệu quả mọi nguồn lây nhiễm từ bên ngoài qua đường hàng không, đường bộ, đường biên giới, đường mòn lối mở, đường biển, nhất là đường thủy nội địa. Siết chặt hơn nữa công tác quản lý người và phương tiện ra vào tỉnh; giảm tối đa người đi từ vùng có dịch, nơi có dịch, địa phương có dịch đi vào địa bàn tỉnh. Áp dụng quy trình phòng, chống dịch đối với thuyền trưởng, thuyền viên, người lao động trên các phương tiện thủy nội địa cập cảng, bến vào tỉnh làm hàng như đối với tàu nước ngoài vào làm hàng tại địa bàn tỉnh, trong đó bắt buộc phải thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Nếu kết quả âm tính mới được tiếp tục làm hàng tại các cảng, bến.
Đề nghị Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam chỉ đạo Trung tâm giám định TKV, nhất là các trạm KCS đang làm nhiệm vụ tại các cảng, bến thủy nội địa dọc các tuyến từ Cẩm Phả đến Đông Triều, sau mỗi ca phải được lấy mẫu xét nghiệm test nhanh và cứ 3 ngày phải lấy xét nghiệm phương pháp RT-PCR.
Các địa phương giao trách nhiệm UBND cấp xã, phường có khuyến cáo với nhân dân sinh sống vùng có cảng, bến thủy nội địa hạn chế tối đa tiếp xúc với người làm việc trên các phương tiện thủy nội địa và thực hiện nghiêm quy định 5K; đồng thời phải có phương án kiểm soát chặt chẽ người ra, vào địa bàn, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh yêu cầu triển khai ngay kế hoạch chuẩn bị tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 trên diện rộng với khoảng 500.000 người tiêm trong thời gian nhanh nhất, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Ban Chỉ đạo tiêm chủng các cấp phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo nội dung này, gắn với trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy chính quyền các cấp; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để tổ chức tiêm cho nhân dân thuận lợi về mọi mặt. Đồng thời, củng cố năng lực tiêm chủng trên diện rộng gắn với năng lực xử lý các tình huống nảy sinh sau tiêm nếu có; tiến hành sơ kết các đợt tiêm vừa qua để chỉ ra các bài học và củng cố thêm các phương án; khẩn trương hoàn thiện dữ liệu tiêm chủng trên cơ sở khai thác và sử dụng dữ liệu dân cư.
Giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo sâu sát công tác xét nghiệm sàng lọc, tầm soát chủ động trong cộng đồng, trong các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và các cơ sở y tế đảm bảo tính đại diện, trên diện rộng để hàng ngày có những chỉ đạo chính xác nhất. Riêng ngành Y tế hàng ngày phải lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp bệnh nhân khám chữa bệnh ở tất cả các cơ sở y tế có biểu hiện ho, sốt, khó thở và báo cáo kịp thời về tỉnh. Chậm nhất trong ngày 10/8, các địa phương phải nắm bắt toàn bộ danh sách tất cả lao động ngoại tỉnh, nội tỉnh phi chính thức, không có giao kết hợp đồng trên địa bàn để thuận lợi trong kiểm soát về dịch bệnh. Ngoài ra, phải kiểm đếm, kiểm soát, nắm chắc những người ra, vào địa bàn, nhất là từ các vùng, các tỉnh có nguy cơ cao như Hà Nội. Ngành Y tế phải xây dựng hướng dẫn người dân tự lấy mẫu, xét nghiệm sàng lọc ở gia đình bằng xét nghiệm kháng nguyên.
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các sở: Kế hoạch đầu tư, Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý Khu kinh tế, Giao thông và Vận tải, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam hoàn thiện mô hình công nhân lao động an toàn, công trường, phân xưởng nhà máy an toàn, cụm công nghiệp, khu công nghiệp an toàn, nhà trọ an toàn, ngành than an toàn.
Các xã, thị trấn dự họp qua đường truyền trực tuyến
UBND tỉnh căn cứ vào các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và thực tiễn của địa phương để xây dựng các phương án chuẩn bị sẵn sàng phòng chống dịch ở các tình huống. Trong đó, ngành Y tế khẩn trương củng cố, nâng cao toàn diện năng lực hiện có, đảm bảo sẵn sàng đáp ứng hiệu quả với tình huống có 500 ca F0. Tập huấn thực hành thuần thục phương án ứng phó 1.000 ca bệnh. Trong đó, lưu ý việc chuẩn bị phương án nhân lực, đảm bảo máy thở và oxy y tế.
Ngoài ra, phải tăng cường công tác thông tin truyền thông để nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc chủ động, tích cực, đồng lòng, đồng sức với tỉnh trong phòng, chống dịch bệnh với tinh thần “Mỗi người dân là 1 chiến sỹ, mỗi tổ dân, gia đình là 1 pháo đài chống dịch”.
Cùng ngày, Thường trực Tỉnh ủy cũng nghe và cho ý kiến về báo cáo kết quả khảo sát thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về Quy hoạch ba loại rừng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tin theo Báo Quảng Ninh. Ảnh: Quốc Nghị – Trung tâm TT&VH Đầm Hà