Sáng ngày 24/3/2022, đồng chí Trần Việt Dũng, Chủ tịch UBND huyện chủ trì cuộc họp giao ban lãnh đạo UBND huyện để nghe và cho ý kiến về mộ số nội dung. Dự họp có các đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan.
Tại cuộc họp, UBND huyện đã nghe báo cáo về việc triển khai mô hình xử lý rác thải và mô hình liên kết sản xuất nấm rơm, chăn nuôi gà bản Đầm Hà. Theo đó, thực hiện KH của UBND huyện về việc phát triển, nhân rộng các mô hình về xử lý rác thải hữu cơ thành phân vi sinh và liên kết sản xuất nấm rơm, chăn nuôi gà bàn Đầm Hà trên địa bàn huyện. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường và Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã phối hợp tổ chức khảo sát, nắm bắt nhu cầu của các hộ dân trên địa bàn, qua đó đã có 133 hộ đăng ký nuôi gà bàn Đầm Hà, 59 hộ đăng ký trồng nấm rơm và 207 hộ đăng ký mô hình hố ủ phân vi sinh. Trước đó, các mô hình này đã được nhiều hộ dân trên địa bàn huyện triển khai thực hiện, được sự hỗ trợ từ các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp về con giống, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm… và các mô hình này vừa mang lại hiệu quả kinh tế tốt, vừa góp bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn.
Đồng chí Trần Việt Dũng, Chủ tịch UBND huyện, kết luận các nội dung
Kết luận nội dung này, đồng chí Trần Việt Dũng, Chủ tịch UBND huyện, đề nghị đối với mô hình xử lý rác thải Phòng TN&MT phối hợp với Hội LHPN huyện xây dựng dự án về nhân rộng mô hình xử lý, phân loại rác trong khu dân cư nông thôn, khu dân cư thị trấn; trong dự án mỗi một địa phương sẽ có một tổ hợp tác hoặc HTX về thu gom rác, trên cơ sở dự án sẽ có nguồn vốn hỗ trợ từ việc thúc đẩy bảo vệ môi trường; cần hoàn thiện và trình đề án trong tháng 4/2022; đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các xã chỉ đạo các hội đoàn thể tham gia, phải là lực lượng nòng cốt triển khai thực hiện để người dân cùng tham gia. Đối với mô hình trồng nấm rơm, giao cho Hội LHPN huyện nghiên cứu xây dựng dự án về trồng nấm rơm, tổ chức thành các tổ chức sản xuất ở từng xã, từng thôn, trong đó nòng cốt là cán bộ hội phụ nữ tham gia, đối với vấn đề đầu ra cho sản phẩm nấm thì UBND huyện sẽ đề xuất doanh nghiệp huyện chịu trách nhiệm thu mua, tiêu thụ cho người dân để đảm bảo mô hình sau khi nhân rộng sẽ phát triển tốt. Về mô hình liên kết chăn nuôi gà bản Đầm Hà, giao cho HTX sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Tuyền Hiền chủ trì xây dựng dự án về liên kết phát triển gà bản Đầm Hà với quy mô đạt từ 2.500 – 300.000 con/ năm; tổ chức liên kết với các hộ dân, đặc biệt ưu tiên các hộ dân có nhu cầu chăn nuôi gà ở Đầm Hà, trong liên kết đảm bảo việc hỗ trợ người nuôi về kỹ thuật, con giống, nguồn thức ăn và đầu ra cho sản phẩm, đồng thời phải gắn lĩnh vực chế biến sản phẩm gà vào trong dự án này; Hội LHPN huyện, các xã tăng cường tuyên truyền về mô hình chăn nuôi gà bản và hiệu quả kinh tế của mô hình đến người dân, hội viên. Đối với các cơ chế chính sách hỗ trợ cho các mô hình này, vận dụng theo Nghị quyết 194/2019 của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh, đối với những vấn đề chưa nằm trong NQ 194 Phòng NN&PTNT huyện cho rà soát, tập hợp để báo cáo lại Sở NN&PTNT tỉnh để xin ý kiến; các xã cần nghiên cứu kỹ để tổ chức triển khai hiệu quả các mô hình trên trong thời gian tới.
Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND huyện cũng đã nghe và cho ý kiến vào các nội dung về kết quả rà soát và đề xuất giải pháp đối với tình trạng người dân bỏ trống không canh tác đất trồng cây hằng năm trên địa bàn huyện; báo cáo rà soát kế hoạch sử dụng đất và việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất năm 2022 trên địa bàn huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 535/QĐ-UBND ngày 28/02/2022 của UBND tỉnh; rà soát quỹ đất 2 bên Tuyến đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đi qua địa phận huyện Đầm Hà.
Quốc Nghị – Trung tâm TT&VH