Ngày 19/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị đánh giá, kiểm điểm tình hình, kết quả công tác 9 tháng đầu năm và thảo luận một số nhiệm vụ trọng tâm quý IV năm 2023. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì.
Tại điểm cầu huyện Đầm Hà, đồng chí Đỗ Thị Ninh Hường – TUV, Bí thư Huyện ủy chủ trì cuộc họp.
9 tháng năm 2023, vượt qua những khó khăn, thách thức, Quảng Ninh đạt được những kết quả tích cực, nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế ghi dấu ấn nổi bật, với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tăng 9,94%, trong đó khu vực công nghiệp – xây dựng ước tăng 9,08%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,19; khu vực dịch vụ ước tăng 12,76%. Tổng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt gần 13 triệu lượt, tăng 41,7% cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch đạt 26.460 tỷ đồng, tăng 34,8% cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn ước đạt 3,1 tỷ USD, tăng 14,15% cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước thực hiện đạt 40.678 tỷ đồng, bằng 75% dự toán tỉnh giao, tăng 4% cùng kỳ; trong đó, thu nội địa đạt 28.678 tỷ đồng, tăng 3% cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 12.000 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ.
Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được tập trung triển khai, tạo được sự đồng thuận của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là về đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, tài nguyên, môi trường, đất đai, thuế, hải quan. Thu hút vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách đạt 45.372,6 tỷ đồng, tăng 5,5% so với kế hoạch, tăng 33,8% cùng kỳ; thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI đạt được kết quả rõ nét, ước đạt 853,93 triệu USD, đạt 85,4% kế hoạch. Công tác quy hoạch, đất đai, tài nguyên và môi trường, chuyển đổi số được thúc đẩy tăng cường. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới, biển đảo được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ. Hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, tăng cường mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả; vị thế và uy tín của Quảng Ninh được nâng cao.
Thực hiện Chủ đề công tác năm về “Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân”, Quảng Ninh tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp không ngừng cải thiện, thay đổi, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, từ đó, mỗi người dân đều được thụ hưởng những thành quả phát triển. Tổng chi an sinh xã hội ước đạt 1.037 tỷ đồng, tăng 81% cùng kỳ (cùng kỳ là 573 tỷ đồng); số lao động được tạo việc làm tăng thêm ước đạt 19.369 người, bằng 96,85% kế hoạch; gấp 2,04 lần so với cùng kỳ.
Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành việc xóa nhà ở tạm, nhà dột nát mới phát sinh. Đây là một trong những chủ trương có ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn của tỉnh, bảo đảm mọi người dân Quảng Ninh đều được thụ hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đặc biệt, thông qua vai trò của Ủy ban MTTQ các cấp, ngôi nhà đại đoàn kết của tỉnh Quảng Ninh vốn bền chặt nay bền chặt hơn. Đây cũng là kinh nghiệm để hàng năm MTTQ tỉnh tiếp tục phát huy vai trò, sự chủ động tích cực trong huy động sức mạnh tổng hợp và mọi nguồn lực của xã hội để cùng chung tay thực hiện các chương trình an sinh xã hội, mang lại niềm hạnh phúc cho nhân dân.
Hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh, các cơ quan, địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh đã tổ chức nhiều phong trào thi đua, phần việc thiết thực, tạo không khí sôi nổi, phấn khởi, thúc đẩy hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị và trong mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Đồng thời nhân lên niềm tự hào rất lớn trong nhân dân về sự phát triển bền vững, toàn diện của tỉnh Quảng Ninh.
Công tác xây dựng Đảng được tăng cường toàn diện, đặc biệt công tác kiểm tra giám sát, thi hành kỷ luật Đảng; đổi mới toàn diện, đồng bộ công tác cán bộ – khâu đột phá để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân ngày càng được củng cố, khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được tăng cường.
Tại cuộc họp, các đại biểu đều thống nhất cho rằng: Kết quả trong 9 tháng năm 2023, nhất là tăng trưởng kinh tế GRDP đạt gần 10% là những “con số biết nói”. Ẩn chứa đằng sau con số này là cả sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, trong đó có vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy. Trước những thời cơ, thuận lợi, đan xen với khó khăn, thách thức nhiều hơn, áp lực lớn hơn, BCH Đảng bộ, BTV Tỉnh ủy tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo trong tình hình mới, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương; rà soát, xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung kịp thời, nâng cao chất lượng ban hành các quy chế, quy định; ban hành các chủ trương, định hướng, cơ chế, chính sách phát triển đúng đắn theo hướng thiết thực, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt hướng tới an ninh con người.
Với những chủ trương, quyết sách đúng đắn, khoa học của tỉnh đã góp phần huy động sức mạnh của hệ thống chính trị toàn tỉnh, chung sức, đồng lòng, kiên trì nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách; phát huy dân chủ, ý chí tự lực, tự cường, đề cao sự gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu; giữ vững sự ổn định, đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ, trong các cơ quan lãnh đạo, quản lý, hệ thống chính trị toàn tỉnh; giữ vững sự ổn định kinh tế – xã hội, môi trường đầu tư kinh doanh, niềm tin của nhân dân, cán bộ, đảng viên, nhà đầu tư và doanh nghiệp; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, phát triển. Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc trở thành nhân tố quan trọng đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Các đại biểu tập trung góp ý kiến vào nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, trong đó, tiếp tục tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng, nhất là chấp hành nguyên tắc, quy chế, quy trình công tác Đảng; kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thực thi kỷ luật Đảng, đặc biệt là các tổ chức Đảng mang tính đặc thù, tiềm ẩn những yếu tố có thể dẫn tới buông lỏng hoặc vi phạm nguyên tắc Đảng; thực hiện nghiêm Quy định số 69 ngày 6/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.
Quý IV năm 2023, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 14,5%, cả năm 2023 đạt trên 11%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh quý IV đạt 13.165 tỷ đồng, cả năm 2023 đạt 54.000 tỷ đồng. Để thực hiện mục tiêu trên, đòi hỏi các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh gắn trách nhiệm người đứng đầu và tập thể lãnh đạo tập trung chỉ đạo, đặc biệt là khâu điều hành bảo đảm sự nhất quán, xuyên suốt, quyết liệt, kịp thời, sâu sát cụ thể; tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của tỉnh; làm việc thực chất, trung thực, kết quả thực chất; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu các sở, ngành, địa phương trong tham mưu, đề xuất, phối hợp xử lý công việc, vượt qua những khó khăn, thách thức vào những thời điểm then chốt và trước những nhiệm vụ cấp bách khó khăn.
Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu huyện Đầm Hà
Cùng ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp nghe và cho ý kiến về một số nội dung trình tại Kỳ họp thứ 15 – kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 thuộc thẩm quyền. Dự kiến tại kỳ họp 15, HĐND tỉnh thảo luận, xem xét 11 nội dung quan trọng về các giải pháp, cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an sinh xã hội theo đúng thẩm quyền của HĐND tỉnh.
Căn cứ Quy chế làm việc số 08-QC/TU ngày 28/6/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến một số nội dung: Điều chỉnh, phân bổ dự toán ngân sách cấp tỉnh; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2023; điều chỉnh, phân bổ dự toán ngân sách cấp tỉnh năm 2023. Chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công. Điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công. Việc điều chỉnh biên chế công chức đã giao tại Nghị quyết 134 của HĐND tỉnh. Tiếp tục thực hiện chính sách đặc thù của tỉnh cho các đối tượng ở các xã đã ra khỏi vùng khó khăn và thôn, xã đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn.
BTV Tỉnh ủy giao Đảng đoàn HĐND tỉnh và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn liên quan chuẩn bị đầy đủ nội dung tờ trình, dự thảo nghị quyết, các báo cáo để có căn cứ vững chắc để các ban HĐND tỉnh thẩm tra chặt chẽ, đúng trình tự thủ tục. Giao Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo Thường trực HĐND tỉnh và các Ban, đại biểu HĐND tỉnh thống nhất quan điểm chỉ xem xét thông qua tại kỳ họp đối với những nội dung được chuẩn bị kỹ lưỡng, rõ ràng, đầy đủ trình tự thủ tục, đảm bảo chặt chẽ, tính hiệu lực, hiệu quả sau ban hành, nâng cao chất lượng nội dung chương trình kỳ họp.
Trên cơ sở xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng từng nội dung và cho ý kiến cụ thể đối với các tờ trình, dự thảo nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh tiếp thu các chỉ đạo tại hội nghị, tiếp tục nghiên cứu, rà soát, chỉnh sửa nội dung trong các tờ trình, dự thảo nghị quyết để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với tình hình thực tiễn, bám sát các quy định của Trung ương. Các ban của HĐND tỉnh phải thẩm tra kỹ các nội dung đề xuất tại các tờ trình, dự thảo nghị quyết để trình xin ý kiến HĐND tỉnh tại kỳ họp sắp tới.
Cũng trong ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến về báo cáo tiến độ triển khai thực hiện Kế hoạch số 240-KH/TU ngày 30/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về sử dụng và tinh giản biên chế công chức, viên chức tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022 – 2026” và nhu cầu tuyển dụng công chức, viên chức năm 2023.
BTV Tỉnh ủy yêu cầu đây là chủ trương của Bộ Chính trị và của Chính phủ, vì vậy, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải thực sự quan tâm hơn tới nội dung này nhằm cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC, nâng cao hiệu quả làm việc. Phải rà soát từ đội ngũ CBCCVC cấp xã đến các phòng, ban, cơ quan trên tinh thần đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ.
Đối với việc tuyển chọn công chức, viên chức mới, phải đúng theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, đồng thời hình thành cơ chế tuyển chọn, sử dụng cán bộ theo hướng thực sự khoa học, chuẩn hóa, trẻ hóa, trí thức hóa, tuyển dụng và sử dụng nhân tài đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng, mở rộng nguồn tuyển, dễ thực thi, đạt hiệu quả, kiểm soát được quyền lực, phòng chống tiêu cực trong tuyển dụng CBCCVC để nhanh chóng hình thành đội ngũ cán bộ CBCCVC trẻ, chuyên nghiệp, tận tâm tận lực, phục vụ nhân dân và sự phát triển của tỉnh.
Phải ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, đặc biệt là Bí thư, Chủ tịch UBND huyện gắn với Thường vụ Huyện ủy; người đứng đầu sở, ngành trong việc phối hợp với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy thực hiện đúng yêu cầu của Trung ương đã được cụ thể hóa trong Kế hoạch 240 về lộ trình, mục tiêu tinh giản, tinh gọn bộ máy biên chế.
Chung tay tái cơ cấu đội ngũ CBCCVC trên phạm vi toàn tỉnh đảm bảo liên thông, tổng thể, đồng bộ. Từng địa phương, đơn vị phải xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện.
Tin: Baoquangninh; Ảnh: Thu Hiền (TTTT-VH)