Chủ đề công tác năm 2020: "Huyện Đầm Hà tự hào tiến bước dưới cờ Đảng" - Chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020)

Giá trị văn hoá, con người Quảng Ninh là nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững

Ngày 13/10, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 09/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì, hội nghị. Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến các địa phương trong tỉnh.

Dự tại điểm cầu huyện Đầm Hà có các đồng chí Thường trực Huyện uỷ, HĐND, lãnh đạo UBND huyện; các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; Trưởng các Ban Xây dựng Đảng, Văn phòng Huyện uỷ; lãnh đạo cơ quan MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội huyện; các Ban HĐND; lãnh đạo các cơ quan chuyên môn; Bí thư các Ci, Đảng bộ cơ sở; lãnh đạo Trạm Biên phòng Quảng Đức; lãnh đạo và chuyên viên Phòng Văn hoá & thông tin, Phòng GD&ĐT huyện.

Sau 5 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU đã đạt được những kết quả tích cực và toàn diện. 9/11 mục tiêu đã hoàn thành. Nhận thức của các cấp ủy đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, con người trong phát triển kinh tế xã hội đã có sự chuyển biến rõ rệt. Quá trình thể chế hóa chủ trương của Đảng bộ tỉnh đã được tiến hành nghiêm túc, hoàn thành các quy hoạch, đề án, chuyên đề xây dựng và phát triển văn hoá, con người Quảng Ninh. Hệ thống các thiết chế văn hóa các cấp từ tỉnh tới cơ sở được đầu tư đồng bộ, tạo cơ sở vật chất thuận lợi để rút ngắn khoảng cách về tham gia và thụ hưởng văn hóa của người dân. Các thiết chế văn hóa của cấp huyện ở 13 địa phương được nâng cấp và sửa chữa, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao thôn, khu phố đạt 98%. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã có bước đột phá trong việc huy động các nguồn lực đầu tư cho các thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ, hiện đại. Công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được tăng cường. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh” đã đạt những kết quả quan trọng. Các hoạt động thể dục, thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao có nhiều tiến bộ. Hàng loạt sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao lớn của đất nước được tổ chức ở Quảng Ninh đã góp phần khẳng định vị thế quan trọng của Quảng Ninh trong đời sống văn hóa của đất nước. Việc xây dựng văn hóa trong Đảng, trong chính trị và kinh tế được chú trọng, tạo điều kiện bước đầu hình thành công nghiệp văn hóa với một số sản phẩm văn hóa đặc trưng, chuyên nghiệp thu hút sự quan tâm của đông đảo khách du lịch và góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến các địa phương trong tỉnh

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU đã góp phần hình thành môi trường văn hóa - chính trị – xã hội ổn định để Quảng Ninh phát triển kinh tế và thu hút đầu tư; đồng thời, sự phát triển của kinh tế một cách thực sự thấm đẫm văn hóa đã tạo những tiền đề chăm sóc và phát triển sự nghiệp văn hóa, giải quyết những vấn đề xã hội một cách chủ động, cụ thể, thiết thực và hiệu quả. Đặc biệt, Nghị quyết số 11-NQ/TU được triển khai thực hiện trong bối cảnh toàn thế giới chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Chính trong lúc này giá trị con người Quảng Ninh trong thời kỳ mới càng được khẳng định, hình thành. Đó là bản lĩnh, tự cường vượt qua khó khăn thách thức với quyết tâm chính trị, chủ động, sáng tạo, thích ứng linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo; bằng tinh thần Kỷ luật – Đồng tâm của người dân, Quảng Ninh luôn là địa bàn an toàn, ổn định cho xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội. Quảng Ninh hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch, phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả; bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết về “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”, các đại biểu cho rằng với tên gọi “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”, bên cạnh việc kế thừa xây dựng văn hoá, con người cho phát triển bền vững của Nghị quyết số 11-NQ/TU thì Nghị quyết mới bổ sung thêm nội hàm sức mạnh con người, trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững. Tên gọi của Nghị quyết thể hiện quyết tâm của Quảng Ninh trong việc phát huy sức mạnh văn hoá, con người cho phát triển nhanh, bền vững; phù hợp với nội dung báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Nhiều ý kiến cũng tập trung làm rõ hơn quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu cũng như đề xuất các biện pháp để cụ thể hóa trong quá trình triển khai Nghị quyết.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định: Nghị quyết 11-NQ/TU đã được ban hành đúng thời điểm, chọn đúng nội dung và đặc biệt được tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc. Qua đó đã mang lại hiệu quả trong đời sống xã hội, tạo chuyển biến căn bản cả về nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp ủy đảng, đội ngũ cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong xây dựng, phát triển văn hóa. Kết quả đó được chứng minh từ công tác bảo đảm an sinh, an dân, an ninh, trật tự xã hội, ổn định phát triển kinh tế, giữ vững đà tăng trưởng hai con số trong 7 năm liên tiếp, khẳng định vị thế, uy tín, vai trò cực tăng trưởng toàn diện của phía Bắc. Đánh giá cao các ý kiến tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng nhấn mạnh một số nội dung cần quan tâm để tiếp tục hoàn thiện nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 11. Theo đó, các giá trị tỉnh Quảng Ninh gồm 6 đặc trưng “Thiên nhiên tươi đẹp – Văn hóa đặc sắc – Xã hội văn minh – Hành chính minh bạch – Kinh tế phát triển – Nhân dân hạnh phúc”. Đây là hệ giá trị hợp trội được định hình dựa trên cơ sở địa phương hóa các giá trị tốt đẹp của quốc gia – dân tộc và nhân loại, tổng hợp hóa và nâng tầm các giá trị riêng lẻ của văn hóa, con người Quảng Ninh, làm thành bản sắc, cốt cách riêng có, trở thành tầm nhìn phát triển địa phương. Qua tổng kết Nghị quyết 11, hội thảo khoa học, Nghị quyết lần này đã thể hiện rõ tính kế thừa, đổi mới, bổ sung, phát triển hệ giá trị con người Quảng Ninh kết tinh ở 8 phẩm chất, giá trị, gồm: Bản lĩnh, Tự cường, Kỷ cương, Đoàn kết, Nghĩa tình, Hào sảng, Sáng tạo, Văn minh. Từ hệ giá trị con người Quảng Ninh đặt ra yêu cầu mới trong xây dựng con người Quảng Ninh với các chuẩn mực về đạo đức, trí tuệ, phẩm chất, thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng.

Dự thảo Nghị quyết xác định 18 chỉ tiêu hoặc nhóm chỉ tiêu cụ thể. Tuy nhiên, các chỉ tiêu này cần tiếp tục kế thừa một số chỉ tiêu của Nghị quyết số 11-NQ/TU về xây dựng văn hoá, con người và điều chỉnh một số tỷ lệ cụ thể cho phù hợp thực tế. Cần nhóm các chỉ tiêu theo từng lĩnh vực nội dung để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện và đánh giá; bổ sung tiêu chí xây dựng, thực hiện đạo đức công vụ cụ thể cho từng đơn vị, địa phương, sở, ngành, vị trí công việc và trở thành thước đo, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm. Trong đó, cần quan tâm tới một số chỉ tiêu như 100% cơ quan trong hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở phải xây dựng được bộ quy tắc ứng xử; chỉ tiêu cơ quan, đơn vị, tổ chức của Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội cấp tỉnh có cán bộ, công chức, viên chức trở lên sử dụng thành thạo ngoại ngữ tiếng Anh đạt chứng chỉ IELTS 7.0 hoặc chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương trở lên; các chỉ tiêu liên quan tới thế hệ trẻ…

Một trong nội dung quan trọng được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh đến là Nghị quyết cần xác định các khâu đột phá để tập trung thực hiện. Khâu đột phá thứ nhất đó là tập trung xây dựng văn hóa trong kinh tế vì sự phát triển bền vững tỉnh Quảng Ninh. Văn hóa trong kinh tế không ở bên ngoài, mà ở yếu tố bên trong, là nguồn nội lực trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh; văn hóa phát triển trên nền tảng kinh tế, văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế – xã hội. Quảng Ninh không tăng trưởng với bất kỳ giá nào; không chạy theo lợi ích kinh tế đơn thuần, không hy sinh lợi ích về mặt xã hội, văn hóa, phẩm giá con người, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự… để đổi lấy lợi ích kinh tế đơn thuần. Tất cả mọi sự phát triển của Quảng Ninh đều hướng đến nhân dân, đích cuối đều vì hạnh phúc của nhân dân. Khâu đột phá thứ hai là xây dựng văn hóa chính trị, trọng tâm là xây dựng văn hóa trong các cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước và các đoàn thể chính trị xã hội từ tỉnh tới cơ sở. Trong đó phải gắn trách nhiệm người đứng đầu và đội ngũ cán bộ quản lý các cấp. Tiếp tục thực hành phương châm làm đúng, làm nhanh, làm tốt; phương châm “5 thật”, “6 dám”; đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Khâu đột phá thứ ba là phát triển công nghiệp dịch vụ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo trên cơ sở tận dụng tối đa cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại và xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập nêu trong Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu huyện Đầm Hà

Để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu, sau khi Nghị quyết được ban hành, cấp ủy, chính quyền các cấp sớm cụ thể hóa bằng những chương trình, kế hoạch, đề án, chỉ tiêu, tiêu chí đo lường cụ thể để chuyển hóa hiệu quả các giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh, trở thành sức mạnh, nguồn lực nội sinh, động lực cho sự phát triển nhanh, bền vững.

Cũng trong sáng nay, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ tám, BCH Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra từ ngày 2/10 đến ngày 8/10/2023.

Tin: theo Báo Quảng Ninh Ảnh: Thanh Nga (Trung tâm TT&VH)