Ngày 12/6/2019, Đoàn công tác của huyện do đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác tuyên truyền, xử lý, hỗ trợ người dân bị thiệt hại do dịch bệnh tả lợn Châu Phi trên địa bàn huyện.
Tính đến 14h, ngày 11/6/2019 toàn huyện có 1.478 hộ, tại 57 thôn của 10 xã, thị trấn đã có lợn bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi, tổng số 13.036 con lợn buộc phải tiêu hủy, trọng lượng 400.087,4kg. Ngay sau khi xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn, Huyện ủy, UBND huyện, các cơ quan chuyên môn của huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn và nhân dân tăng cường công tác phòng chống dịch, phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, phương pháp chôn lấp và tiêu hủy lợn đúng quy định. Thường xuyên tuyên truyền về dịch bệnh, cách phòng chống dịch trên hệ thống loa phát thanh của 76/76 thôn bản, khu phố, khu vực Chợ trung tâm và trên hệ thống phát thanh của huyện, cơ quan chuyên môn cung cấp đủ lượng hóa chất cho các xã, thị trấn để phun tiêu độc khử trùng.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Bí thư Huyện ủy nắm tình hình hộ dân bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi
Qua kiểm tra thực tế công tác tuyên truyền, xử lý và hỗ trợ người dân bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi tại các xã, thị trấn, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Bí thư Huyện ủy ghi nhận sự chủ động của các phòng, ban, đơn vị cấp huyện, các địa phương trong công tác tuyên truyền, phun tiêu độc khử trùng, thực hiện nghiêm túc quy trình bảo vệ đàn lợn chưa bị dịch bệnh; đội ngũ cán bộ từ huyện đến xã tích cực chủ động hỗ trợ nhân dân xử lý, xét nghiệm tiêu hủy bệnh dịch. Đồng thời yêu cầu UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND xã, thị trấn tập trung triển khai quyết liệt công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi; tăng cường bảo vệ số đàn lợn chưa bị dịch; tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, thường xuyên sát trùng, tiêu độc, chăn nuôi an toàn sinh học; khuyến cáo các hộ chăn nuôi chưa được tái đàn vào thời điểm này; hướng dẫn các xã, thị trấn triển khai thực hiện quy trình, thủ tục xét duyệt hỗ trợ và giám sát chặt chẽ việc thực hiện chính sách hỗ trợ người chăn nuôi có lợn tiêu hủy đảm bảo đúng quy định; có hình thức thành lập đoàn liên ngành tăng cường kiểm tra, giám sát tuyệt đối không được để xảy ra việc lợi dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước để trục lợi.
Xử lý chuồng nuôi sau khi tiêu hủy lợn bị dịch tả
Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cần có phương án hướng dẫn các hộ dân xử lý nguồn thức ăn dư thừa sau khi đàn lợn nuôi nhiễm dịch bị tiêu hủy; kiểm soát tốt các loại vật nuôi khác tại gia đình, hạn chế việc di chuyển vật nuôi đến các vùng khác để tránh nguy cơ mang mầm bệnh làm lây lan dịch bệnh; tham mưu cho UBND huyện báo cáo tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục hỗ trợ người dân bị thiệt hại do dịch bệnh; mức hỗ trợ cán bộ tham gia tiêu hủy dập dịch,…
Phòng Lao động TB&XH tăng cường tuyên truyền giới thiệu việc làm, chuyển đổi nghề giúp các hộ dân có thu nhập ổn định, kịp thời khắc phục khó khăn trước khi hết dịch.
MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội tăng cường vận động, tuyên truyền các đoàn viên, hội viên và nhân dân chủ động phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là các quy định của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn tiêu hủy do dịch bệnh để người chăn nuôi biết, phối hợp thực hiện theo đúng quy định của UBND tinh; tăng cường giám sát công tác phòng, chống, thực hiện chính sách hỗ trợ, khắc phục hậu quả do bệnh dịch tả lợn Châu Phi gây ra.
Quốc Nghị – Trung tâm TT&VH