Chủ đề công tác năm 2020: "Huyện Đầm Hà tự hào tiến bước dưới cờ Đảng" - Chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020)

Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới

Ngày 27/7, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV tiếp tục thảo luận tại hội trường về Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021- 2025. Bên lề Kỳ họp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ một số nội dung đóng góp vào Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 của Quốc hội.

Tại trang thông tin: https://baoquangninh.com.vn/doan-dbqh-tinh-tham-gia-y-kien-ve-chuong-trinh-mtqg-xay-dung-nong-thon-moi-2931546.html

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà tán thành với việc ban hành Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021- 2025. Đại biểu đánh giá, đây là chương trình hết sức có ý nghĩa, tạo động lực tích cực, thay đổi to lớn diện mạo nông thôn đất nước ta; truyền cảm hứng tích cực để người nông dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn từng bước được cải thiện (năm 2020, thu nhập bình quân tăng gấp 1,7 lần so với 2015, gấp 3,25 lần so với 2010); nguồn lực huy động thực hiện chương trình tăng, nhất là sự tham gia của người dân; chương trình có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng, được nhân dân đồng lòng hưởng ứng. Nông nghiệp, nông thôn nước ta ngày càng trở thành khu vực hấp dẫn, có dư địa phát triển to lớn, thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn vào đầu tư.

Từ những tồn tại, hạn chế mà Tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã chỉ ra, qua thực tiễn tại cơ sở, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà tham gia một số vấn đề sau:

Thứ nhất, đến nay, cả nước có 64,6% số xã, 29,2% số huyện đạt chuẩn NTM, để mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 80% xã, 50% huyện đạt chuẩn NTM, cần phải có quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị. Càng về sau, để đạt chuẩn NTM càng khó khăn hơn, do đó là những địa bàn vừa thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa… Vì vậy, cần thiết phải lồng ghép các chương trình xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững và phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tập trung nguồn lực, tránh chồng chéo, trùng lắp. Trên cùng 1 địa bàn, có thể có 3 chương trình, nhưng cần có điều kiện, mỗi đối tượng chỉ được tham gia một chương trình. Vì vậy, nhất thiết phải có một Ban Chỉ đạo chung từ Trung ương đến cơ sở để điều tiết, tổ chức 3 chương trình một cách có hiệu quả.

Thứ haitán thành với 11 nhóm nội dung thực hiện Chương trình. Theo đại biểu, xây dựng NTM giai đoạn này, cần tập trung vào hỗ trợ sản xuất, đặc biệt là sản xuất theo chuỗi, gắn với ứng dụng khoa học, công nghệ. Thực tế đã chứng minh, ở địa phương nào mô hình “3 Nhà”: Nhà nông – Nhà doanh nghiệp – Nhà khoa học phát huy thế mạnh, gắn kết chặt chẽ với nhau, địa phương đó có tiềm năng, thế mạnh để phát triển. Hình ảnh người nông dân lái ô tô đi thăm đồng, dùng smart phone để điều khiển hệ thống tưới, tiêu, nhiệt độ trên cánh đồng, trong trang trại tuy chưa nhiều nhưng cũng không phải hiếm lạ ở nông thôn nước ta.

Thứ ba, Chương trình OCOP – Mỗi xã, phường một sản phẩm đã mang lại hiệu quả rất tích cực, sản phẩn nông sản sạch của người nông dân đã trở thành hàng hóa, mang đến bàn ăn của mỗi gia đình người Việt và xuất khẩu. Để chương trình có hiệu quả, tạo sức hấp dẫn, khuyến khích để nông dân say sưa sản xuất, nên khai thác vào nét riêng có, đặc trưng của sản phẩm vùng miền, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, tạo ra sự khác biệt về giá trị, thương hiệu truyền thống và câu chuyện về sản phẩm. Phân nhóm sản phẩm OCOP, nhóm chủ lực, sản xuất tập trung; hình thành hệ thống xúc tiến và quảng bá; nhóm chuyên biệt, là những sản phẩm “ít nhưng chất”, “đắt nhưng sắt ra miếng”; phát triển du lịch cộng đồng gắn với chuỗi sản phẩm OCOP.

Và điểm cuối cùng, đại biểu muốn nói đến vai trò của chủ thể. Ở đây, người dân là chủ thể quan trọng, tích cực để tham gia xây dựng NTM. Giai đoạn vừa qua, chỉ tiêu khó đạt và khó thực hiện nhất chính là những chỉ tiêu liên quan đến sự vào cuộc và trách nhiệm tham gia của người dân như: Tiêu chí về môi trường, sử dụng nước sạch, vườn mẫu, hộ gia đình kiểu mẫu. Nếu như trước đây, người nông dân là “khách” trong chính ngôi nhà của mình, nay để chủ động, sáng tạo hơn, mạnh dạn đổi mới hơn thì vai trò của Nhà nước và hệ thống chính trị là rất quan trọng. Đồng thời, việc nhận diện đúng, quyết tâm cao, tăng cường phân cấp, phân quyền, chủ động, sáng tạo của mỗi địa phương sẽ tạo ra những bức tranh phong phú, nhiều màu sắc về nông thôn Việt Nam, chứ không phải là “bộ đồng phục”.

Mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định, đất nước ta, đến năm 2025 – kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, thì 3 chương trình MTQG, trong đó có chương trình xây dựng NTM là “đòn bẩy” có ý nghĩa rất quan trọng đối với vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, là động lực để chúng ta hoàn thành mục tiêu.

Mạnh Trường