Năm 2018 huyện Đầm Hà đã triển khai đồng bộ các giải pháp khuyến khích người dân và doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất đồng thời nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP gắn với xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.
Đến thăm khu nuôi trồng thủy sản của HTX Thương mại Dịch vụ và nuôi trồng thủy sản Đức Thịnh tại xã Tân Lập, chúng tôi thực sự ấn tượng với quy trình nuôi cá lồng bè của các thành viên HTX, từ lựa chọn vùng nước nuôi, con giống, thức ăn tất cả đều được kiểm soát chặt chẽ theo quy trình viet gap, sản phẩm của HTX Đức Thịnh đạt danh hiệu chất lượng vàng thủy sản Việt Nam. Trao đổi với phóng viên ông Tô Phúc Thịnh Chủ nhiệm HTX Thương mại Dịch vụ Đức Thịnh cho biết “ HTX lựa chọn nuôi cá lồng bè trên biển là hướng đi đúng, cho hiệu quả kinh tế cao, huyện Đầm Hà đã xây dựng vùng nuôi trồng thuỷ sản an toàn và hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm thuỷ sản (cá song) do vậy hiện nay cá song Đức Thinh đã có thương hiệu, sản phẩm luôn có đầu ra ổn định. Năm 2018 sản lượng nuôi cá lồng bè của HTX đạt trên 90 tấn cho doanh thu trên 2 tỷ đồng. Tuy nhiên do nuôi cá lồng bè cần nguồn vốn lớn để đầu tư, sửa sang bè mảng, chi phí thức ăn trong suốt quá trình nuôi cao nên HTX mong muốn tiếp tục được hỗ trợ nguồn vốn, lãi suất vốn vay để các thành viên mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập”. Cùng với HTX Thương mại Dịch vụ NTTS Đức Thịnh, đến nay trên địa bàn huyện Đầm Hà có 12 HTX, 1 tổ hợp tác, 2 hộ gia đình tham gia phát triển sản phẩm OCOP. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn các xã thị trấn hướng dẫn, tư vấn đăng ký phát triển các sản phẩm mới đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng nhãn mác, bao bì sản phẩm. Toàn huyện có 23/23 sản phẩm đã có nhãn mác, bao bì, trong đó 11 sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy đăng ký nhãn hiệu, các sản phẩm còn lại đang trong quá trình hoàn thiện. Hướng dẫn các cơ sở sản xuất hoàn thiện quy trình đảm bảo vệ sinh ATTP, hiện tại đã có 14/15 được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Huyện đã bổ sung quy hoạch cấp đất cho các HTX, hỗ trợ các cơ sở sản xuất xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà xưởng và máy móc phục vụ sản xuất. Từ năm 2016 đến nay huyện đã hỗ trợ xây dựng trung tâm OCOP 1 tỷ đồng, hỗ trợ HTX Quế Lâm xây dựng nhà xưởng sản xuất rượu khoai 344 triệu đồng, hỗ trợ HTX DVNN Tổng hợp Trường Sơn triển khai dự án ứng dụng KHCN hoàn thiện quy trình bảo quản chế biến củ cải với tổng mức đầu tư dự án là trên 1 tỷ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ 370 triệu đồng, hỗ trợ xây dựng nhãn mác bao bì cho 5 cơ sở 250 triệu đồng (mỗi cơ sở 50 triệu đồng).
Khu nuôi trồng thủy sản của HTX Đức Thịnh
Chương trình OCOP tại huyện Đầm Hà đã dần từng bước khẳng định là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế. Từ việc sản xuất manh mún nhỏ lẻ, đến nay các hợp tác xã đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sự liên kết trong sản xuất giữa các hợp tác xã với bà con nông dân cũng nhịp nhàng hơn. Việc phát triển sản phẩm kéo theo giá cả một số nguyên liệu sản phẩm tăng tạo được việc làm tăng thu nhập cho nhiều lao động của địa phương. Trước đây các sản phẩm chủ yếu cung cấp thị trường trong huyện đến nay đã có thị trường tiêu thụ trong các thành phố, thị xã như Hạ Long, Đông Triều, Móng Cái và các tỉnh thành lân cận như Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội, huyện đã tổ chức hội thi đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP huyện, có 8 sản phẩm đạt 3* cấp tỉnh trở lên, trong đó có 2 sản phẩm đạt 4* là trứng vịt biển và rượu sim Quý Chuẩn. Huyện đã đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng kênh thông tin trên mạng xã hội facebook với tên “OCOP Đầm Hà”. Tích cực trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm trung tâm OCOP huyện, lễ hội đình Đầm Hà, đình Tràng Y, Tuần văn hóa các dân tộc huyện Đầm Hà, đưa các sản phẩm của địa phương tham gia các lễ hội, hội chợ: Lễ hội hoa Anh đào Mai vàng Yên Tử năm 2018, Hội chợ Xuân OCOP Quảng Ninh, Hội chợ OCOP khu vực phía Bắc – Quảng. Qua đó sản phẩm đã được biết đến đón nhận, tiêu thụ số lượng lớn. Ông Tạ Ngọc Tuấn giám đốc HTX Thương mại dịch vụ và sản xuất nông lâm thủy sản Tuấn Hùng cho biết “ HTX đã tích cực đưa sản phẩm của mình đến gần hơn với người tiêu dùng thông qua các hội chợ của tỉnh, bên cạnh đó chúng tôi trú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, tháng 4/2018 HTX đã đưa dây truyền xay sát gạo công nghệ tiên tiến của Miền Nam vào hoạt động với tổng trị giá trên 1 tỷ đồng, góp phần nâng cao công suất, chất lượng sản phẩm gạo bao thai Dực Yên, khi đưa dây truyền vào sản xuất, chất lượng hạt gạo bao thai trắng, ngon và giá trị dinh dưỡng cao hơn. Ngoài sản phẩm chủ lực của HTX là gạo bao thai, lạc, tương xanh Đầm Hà, hiện HTX đã đã đăng ký phát triển thêm sản phẩm mới là thịt trâu, thịt bò đun khói Đông Bắc” .
Trong thời gian tới, huyện Đầm Hà sẽ tiếp tục duy trì phát triển các sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn, có thương hiệu, nhãn mác, đảm bảo chất lượng, tập trung mở rộng các vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần hoàn thành chương trình xây dựng NTM của địa phương.
Mai Thắm (Trung tâm TT&VH Đầm Hà)